| Hotline: 0983.970.780

Một số lễ hội vẫn lộn xộn

Thứ Tư 11/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Một số lễ hội năm nay vẫn nhiều biến tướng, thậm chí nhiều địa điểm tín ngưỡng tâm linh quy mô quốc gia vẫn để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách và nhiều hàng quán lộn xộn tạo ra sự nhếch nhác.

Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về việc quản lý và tổ chức lễ hội. Công điện nhấn mạnh: “Giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách để tổ chức lễ hội.

Thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng và lưu thông tiền tệ, đặc biệt là các di tích, công trình tín ngưỡng tôn giáo. Quản lý việc đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đảm bảo văn minh, tiết kiệm, hợp lý. Nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch đặc biệt trong khuôn viên di tích và lễ hội”.

Song việc thực hiện ở một số lễ hội vẫn chưa nghiêm.

Đổi tiền lẻ lách luật

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra dịch vụ đổi tiền lẻ trái phép. Thêm vào đó, Chính phủ còn ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP, nêu rõ, việc đổi tiền lẻ ở các đền, chùa, lễ hội nếu bị phát hiện có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Chính vì vậy, tại các lễ hội, đền chùa đầu năm, dịch vụ đổi tiền lẻ công khai đã giảm hẳn.

Giảm về hình thức bên ngoài, còn bên trong tại hầu hết các đền chùa, lễ hội, dịch vụ này vẫn vô tư diễn ra cho dù đã có lệnh cấm. Ví dụ như xung quanh khu vực lối vào chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện tượng người dân đi lễ “bỏ tiền chẵn mua tiền lẻ” vẫn diễn ra khá sôi động.

Còn ở một số đình chùa khác đã biến tướng sang các hình thức tinh vi hơn như “lách” sang các cửa hàng bán đồ lễ, viết sớ. Khách đi lễ tại chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ... đều dễ dàng đổi được tiền lẻ. 

Điều đó khiến cho Ban Quản lý phủ Tây Hồ phải cắt cử cả một đội ngũ chuyên đi gom tiền đặt lễ của người dân. Hoặc ở Tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), vấn nạn tiền lẻ tràn lan ở khắp các ban trong chùa tuy đã có chiều hướng giảm hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn còn một số đông người dân vẫn vô tư dùng tiền lẻ đặt thật nhiều lên ban, gài vào tận tay Phật để “hối lộ”.

“Ngày nay, quan niệm của mọi người là để ít tiền lên bàn thờ mới thể hiện lòng thành kính với Phật. Hay mọi người quan niệm cứ cầu lộc, cầu phúc, cầu may mắn bằng ít tiền lễ và xoa tay vào tượng là đạt được lời cầu.
Đó là hành động phải tội, thiếu đi sự tôn kính đối với nhà Phật. Người dân đi lễ đầu năm là việc nên khuyến khích nhưng cũng phải hiểu được rằng muốn có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc thì không có gì khác ngoài tự bản thân mình phải cố gắng. Hãy đi lễ bằng tâm của mình chứ đừng nghĩ cứ đặt nhiều tiền lẻ là cầu gì được nấy”. (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

Còn tại chùa Lim (Tiên Du, Bắc Ninh), xuất hiện cả người bán “bùa cầu may” cho du khách với giá 10.000đ/lá. Khi được hỏi về sự việc này, đại diện Ban tổ chức Hội Lim khẳng định, nếu có phát ấn bình an thì chỉ sư thầy trong chùa hỉ xả cho các Phật tử, du khách thập phương. Hiện tượng bán “bùa cầu may”, Ban tổ chức chưa nắm được.

Vẫn tràn lan hòm công đức và nạn “chặt chém” 

Khu di tích phủ Giầy (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là địa điểm có hòm công đức tràn lan. Tính bình quân một phủ thờ, đền thờ trong du di tích địa phương có đến hàng chục hòm công đức, giọt dầu...

Riêng trước cửa phủ có đến gần 10 hòm công đức và két dầu nhang, nằm cách nhau chỉ vài bước chân. Nhiều hòm không thấy ghi chữ mà chỉ để tượng thần tài bên trong để du khách thả tiền vào.

Trong một khuôn viên nhỏ vài trăm mét vuông của phủ Công đồng, bố trí đến hàng chục hòm công đức và két dầu nhang. Tại phủ Vân Cát, đền Trình, hòm công đức và két dầu nhang, rồi đến cả bàn công đức cùng nằm san sát nhau.

Không riêng việc hòm công đức chưa được chấn chỉnh, mà du khách đến Nam Định lễ hội đầu xuân vẫn bị “chặt chém” như thường.

Trước ngày khai mạc hội đền Trần, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần năm 2015 cho biết: UBND thành phố đã niêm yết, thông báo công khai các địa chỉ ăn, nghỉ uy tín trên địa bàn thành phố Nam Định, đồng thời sẽ bố trí lực lượng để xử lý ngay nếu du khách phản ánh việc bị chặt chém, ép giá. Tuy nhiên, thực tế diễn ra ngoài tầm với của Ban tổ chức.

Tại các bãi giữ xe, UBND TP Nam Định đã ban hành quy định giá giữ ô tô tối đa không quá 30.000đ. Thế nhưng, nhiều bãi giữ xe vẫn tự ý thu từ 50 đến 100.000đ/ xe ô tô.

Dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ quanh khu vực đền cũng tùy tiện tăng giá gấp nhiều lần. Có nhà nghỉ ở Khu đô thị Hùng Vương, thành phố Nam Định, giá ngày thường là 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/phòng/ngày, nhưng dịp này đã đẩy lên 700 nghìn - 1 triệu đồng/phòng/ngày.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất