| Hotline: 0983.970.780

Một 'tham vọng' thống trị của Tập Cận Bình

Thứ Năm 05/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Không lâu sau khi đề ra học thuyết “Bốn toàn diện”, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lại khiến đất nước đông dân nhất thế giới phải “nổ tung” vì tham vọng thống trị bóng đá thế giới.

Ba điều ước

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Ất Mùi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thổ lộ ba điều ước với nền bóng đá nam Trung Quốc. Đó là giành vé dự vòng chung kết World Cup, làm chủ nhà sự kiện này và vô địch.

Trung Quốc là một cường quốc thể thao. Điều này thể hiện rất rõ ở số HCV mà họ giành được qua mỗi kỳ Olympic cũng như ASIAD. Tại đấu trường châu lục, họ ở thế độc cô cầu bại. Còn tại đấu trường thế giới, số lượng huy chương của họ đã tiệm cận với siêu cường số một Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bóng đá ở đất nước 1,4 tỷ dân lại là một câu chuyện rất khác. Ngoài lần duy nhất dự vòng chung kết World Cup 2002, bóng đá nam Trung Quốc hầu như không đạt được thêm thành tích gì đáng kể. Tại bảng xếp hạng mới nhất, họ đứng thứ 88 thế giới và thứ 9 châu lục, sau một loạt đối thủ như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại năm vòng chung kết bóng đá châu Á gần nhất, bóng đá nam Trung Quốc cũng chỉ một lần lọt vào chung kết và một lần xếp hạng tư. Với một người yêu bóng đá cuồng nhiệt như ông Tập, hiển nhiên đó là kết quả rất khó chấp nhận.

Chẳng thế mà hãng thông tấn quốc gia Xinhua đã truyền đi thông điệp từ nhà lãnh đạo tối cao: “Chúng ta phải phát triển và đem lại sức sống mới cho môn bóng đá để đảm bảo rằng chúng ta là một cường quốc thể thao và bởi vì đó là khát vọng toàn dân”.

Hãng tin này cũng cho biết, ông Tập chủ trương “phải dạy bóng đá cho cả những đứa trẻ sơ sinh”. Đấy là điều bắt buộc trong các nhà trường.

Để hoàn thành ba điều ước của Chủ tịch Tập, Trung Quốc sẽ thành lập khoảng 20.000 trường học bóng đá từ nay đến hết năm 2017. Những học viên giỏi sẽ được đưa đến các trại tập huấn do Trung Quốc lập ở Tây Ban Nha và Hà Lan.

Ngay tại Bắc Kinh, bóng đá sẽ là môn thi bắt buộc vào trung học, và từng trường đều phải đưa bóng đá vào bộ môn giáo dục thể chất.

Quyền lực

Tại sao ông Tập Cận Bình lại quyết liệt đến vậy trong việc nâng tầm bóng đá Trung Quốc? Đó là bởi, tại đất nước này, bóng đá là nơi thể hiện quyền lực một cách ưu việt nhất.

Cũng giống như ở Brazil, Argentina hay Italia, bóng đá ở Trung Quốc là một thứ tôn giáo đáng sợ. Đa phần ngưới dân nước này tin rằng bóng đá chào đời ở quê hương Khổng Tử từ thế kỷ III trước Công nguyên.

Tuy nhiên khác với những quốc gia phương Tây, nơi bóng đá có thể vươn tới đỉnh cao, người dân Trung Quốc luôn có tâm lý e ngại mỗi khi nhắc đến phát triển bóng đá. Nhà sử học Xu Guoqi của Đại học Hồng Kông bày tỏ, trước tiên là cảm giác thua kém Nhật, kế đến là thua kém các nước phương Tây đã tồn tại hàng thế kỷ.

Ông Xu cũng khẳng định: “Niềm đam mê thể thao ở Trung Quốc không phải vì sự vui sướng, niềm vui cá nhân, mà là vì chính trị. Bóng đá được xem là một con đường hướng đến sự tự hào dân tộc, là sự vươn tới quyền lực”.

Trước đây, mỗi khi bóng đá nam Trung Quốc thất bại ở đấu trường quốc tế là một dịp bạo loạn nổ ra do sự phẫn nộ từ phía người dân. Các tuyển thủ sợ hãi đến mức thường xuyên đăng tải những lời xin lỗi trên trang cá nhân.

Muốn khẳng định được quyền lực tại đất nước rộng lớn này, không có gì nhanh hơn là thông qua bóng đá.

Xem thêm
Nhà văn Đào Thắng vẫy tay chia biệt ‘dòng sông mía’

Nhà văn Đào Thắng, tác giả tiểu thuyết ‘Dòng sông mía' nổi tiếng viết về nông thôn Bắc bộ, vừa qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.