| Hotline: 0983.970.780

‘Một thời chân đất’ lấp lánh vẻ đẹp Thanh niên Xung phong

Chủ Nhật 28/03/2021 , 08:04 (GMT+7)

Một thời chân đất’ là ấn phẩm được thực hiện nhân dịp 45 năm thành lập lực lượng Thanh niên Xung phong TPHCM (28/3/1976 -28/3/2021) khơi dậy giá trị nhân văn cao đẹp 

Ấn phẩm kỷ niệm 45 năm thành lập lực lượng Thanh niên Xung phong TPHCM

Ấn phẩm kỷ niệm 45 năm thành lập lực lượng Thanh niên Xung phong TPHCM

“Một thời chân đất” do chính những cựu Thanh niên Xung phong biên soạn, như Bùi Nguyễn Trường Kiên, Đoàn Xuân Hải, Lý Minh Đức, Lê Kim Viên, Phạm Ngọc Hồng… “Một thời chân đất” được Nhà xuất bản Tổng hợp cấp phép ấn hành, nhằm phục vụ chương trình gây quỹ giúp đỡ những cựu Thanh niên Xung phong đang có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, “Một thời chân đất” không chỉ có ý nghĩa từ thiện, mà còn chứng minh giá trị của một thế hệ đã cống hiến tuổi trẻ cho cộng đồng.

Ngày 28/3/1976, tại Sân vận động Thống Nhất - TPHCM, những chàng trai và những cô gái trong màu áo xanh tình nguyện với nón tai bèo và đôi dép râu, đã làm lễ xuất quân lên đường xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Những gương mặt vừa rời ghế nhà trường, những đôi chân quen gót đô thị đã đến những vùng khó khăn nhất và gian nan nhất để thể hiện nhiệt huyết tuổi trẻ. Không chỉ lao động hăng say, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, lực lượng Thanh niên Xung phong cũng đã dự phần một cách can trường.

Những tài liệu thống kê có vẻ khô khốc, nhưng đọc lại vẫn khiến những ai vô cảm với cộng đồng hôm nay, cũng phải xao xuyến: 10.000 lượt thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Thanh niên xung phong đã khai hoang, mở đường mới 4km đường, sửa chữa - chống lầy 1.283km đường, làm 86 cầu, 14 cống, xây dựng 20 ngầm qua suối, làm 3 bến phà, đào đắp 10.000m3 đất để kiến thiết công sự chiến đấu. Thanh niên xung phong đã vận chuyển 75.762 lượt thương binh, và hiến 6.200cc máu cứu thương binh. Thanh niên xung phong đã vận chuyển pháo ra trận 44 lần, vận chuyển 262.105 tấn hàng hóa ra mặt trận. 

Đồng thời, thanh niên xung phong trực tiếp đánh địch 96 trận, tiêu diệt 1.200 địch, bắt sống 208 tên địch, truy kích 159 lần, tiếp nhận 59 hàng binh, rà mìn trên diện tích 3.852m2. Và thanh niên xung phong giúp chính quyền Campuchia ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh trật tự tại 42 thành phố, thị trấn; xây dựng và sửa chữa 18 trường học; bảo vệ 140 phum sóc; sửa chữa 512km đường giao thông và giúp định cư 25.000 dân tại các phum sóc…

Thành tích của Thanh niên Xung phong nếu lướt qua những con số thì cũng đủ để hiểu bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã góp vào sự nghiệp chung của dân tộc một thời nhọc nhằn. Những thanh niên lớn lên với các địa danh Chợ Lớn, Gia Định, Bà Quẹo, Ông Tạ, Gò Vấp… đã đến với các địa danh Cây Chanh, Bù Na, Đắc Min, Cần Giờ, U Minh… để rèn luyện thành đội ngũ được đặt tên Dũng Cảm, Dũng Tiến, Quyết Tâm, Trung Thành, Kiên Cường, Kiên Gan, Kiên Quyết… Nắng mưa nơi heo hút rừng thiêng nước độc có thể bào mào thanh xuân của họ, nhưng không đánh quỵ được ý chí của họ.

Cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nhưng trái tim họ vẫn rộn ràng những lời ca tiếng hát. Từ lực lượng Thanh niên Xung phong, một phong trào văn nghệ quần chúng xuất hiện và thật bất ngờ, đã hình thành không ít nhân vật tên tuổi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà thơ Cao Vũ Huy Miên, nhạc sĩ Lã Văn Cường, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, nhạc sĩ Lê Văn Lộc…

Lễ ra mắt cuốn sách 'Một thời chân đất'

Lễ ra mắt cuốn sách "Một thời chân đất"

Dấn thân vì lý tưởng, những người Thanh niên Xung phong đã có một cuộc đời khác, trong sáng và cao đẹp. Trong bài thơ “Đầu năm ra sông giặt áo”, Nguyễn Nhật Ánh viết: “Chiếc áo bữa nay đứt cúc/ ngày mai lại toạc trên lưng/ quanh năm vá dọc vá ngang, cũng đủ giang hồ quen nết”.

Hoặc trong bài thơ “Tiểu đội xăm hình con bướm trên nông trường khóm”, Bùi Chí Vinh viết: “Cởi phăng áo máng quàng trên cỏ/ con bướm xăm da ngực tím bầm/ chụp chiếc cuốc và cười ha hả/ thấy khác thời kỳ Papillon/ Thấy người tù khổ sai biệt tăm/ ở bình nguyên không ai có tội/ chiếc bè từ hải đảo hiện sinh/ đã cặp được bến đời mong đợi/ Ở đây trái cây không biết nói/ nhưng hiểu nhau ở chỗ đất lành/ nên những người xăm hình con bướm/ biết đậu vào liếp khóm lên xanh”.

Còn trong bài thơ “Những bông hoa trên tuyến lửa”, Đỗ Trung Quân viết: “Ở giữa rừng đâu có gương soi/ làm sao em thấy được vết bầm trên má/ chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã/ vì mùa mưa nào đã chịu dứt nơi đây…/ Em là người thanh niên xung phong/ không có súng chỉ có đôi vai cáng thương tải đạn/ giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm/ em vượt đường dài tiếp thêm lửa chiến công”.

Không chỉ làm thơ về đời mình, những đêm lửa trại cũng đã khơi lên những giai điệu ấm áp của lực lượng Thanh niên Xung phong. Nhiều người đã từng nghe ca khúc “Em đi qua cầu cây” với những lời hát “Có chiếc cầu cây bắc ngang qua suối/ Cao thật cao, không tay vịn/ Em đi qua chiếc cầu rung rinh/ Dòng nước lung linh soi bóng em về…” nhưng chưa chắc tỏ tường về “lai lịch” của nó.

Tác giả “Em đi qua cầu cây” là nhạc sĩ Lê Văn Lộc kể lại: “Tôi còn nhớ rất rõ những ngày đơn vị đóng quân phục vụ chiến đấu ở vùng chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), khoảng thời gian lưu giữ bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ của tôi cùng đồng đội. Một hôm, trên đường đi tải đạn, chúng tôi phải qua con suối chảy rất xiết. Ngày thường thì có đò đưa qua nhưng hôm ấy, trời đã xế chiều, không còn bóng dáng chiếc đò nào. Do đó, toàn đơn vị quyết định phải vượt qua con suối trước khi trời tối. Cầu cao cách mặt nước 5-6 thước, là những ván gỗ dạng bậc thang không tay vịn, đoạn giữa cầu được nối bằng hai miếng gỗ đong đưa, lắc lư, rất nguy hiểm. Qua được đoạn ấy, ai cũng rợn người, tay chân bủn rủn.

Vậy mà khi đã qua đến bên kia cầu, tôi ngoảnh đầu nhìn lại thì thấy các cô gái thanh niên xung phong tuổi chỉ vừa đôi mươi vẫn tươi cười ríu rít, đôi chân thoăn thoắt vượt qua. Tiếng cười nói rộn rã. Khi đó, trong đầu tôi đã nảy ra mấy câu “Cầu tre lắt lẻo chân em vững vàng/ Nào xá hiểm nguy em ra chiến trường/ Hiến dâng cuộc đời em cho Tổ quốc/ Áo xanh bạc màu thanh niên xung phong”. Lúc ấy không có đàn, tôi chỉ gõ nhịp tay và cho ra đời mấy câu đầu của bài hát. Mấy hôm sau thì tôi hoàn thành bài hát này trong niềm vui hân hoan cùng đồng đội”.

Từ lực lượng Thanh niên Xung phong, một lớp văn nghệ sĩ đã trưởng thành. Nhờ sự đồng cảm về thân phận, họ có những sự kết hợp rất ăn ý. Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên hoàn thành bài thơ “Có đôi khi” chẳng bao lâu thì nhạc sĩ Lã Văn Cường phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Ca khúc “Có đôi khi” không chỉ được biểu diễn ở những nông trường hay những lán trại, mà còn bay vào đời sống âm nhạc Việt Nam và rung động bao nhiêu công chúng: “Ôi có đôi khi thèm như gió đi hoang/ Sống kiếp lang thang, dạo chơi khắp núi rừng/ Rũ lá rơi vàng, về thăm biển mênh mông/ Vượt ngọn sóng dâng tràn/ Ta là gió trên ngàn/ Ôi phải chi ta là con suối sông kia/ Sống kiếp giang hồ, dạo chơi hết bến bờ/ Để có tiếng chim và em mãi ngây thơ/ Ta đâu biết mong chờ/ Ta thôi hết vật vờ".

Những gương mặt cựu Thanh niên Xung phong hôm nay.

Những gương mặt cựu Thanh niên Xung phong hôm nay.

Ngoảnh lại “Một thời chân đất”, những cựu Thanh niên Xung phong có chung niềm tự hào nhưng cũng có không ít tâm sự riêng. Trong cuộc hội ngộ “Một thời chân đất”, cựu thanh niên xung phong Huỳnh Thanh chia sẻ: “Những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn khi nhắc về cuộc sống của thanh niên xung phong mà mình đã trải qua tại Đắc Min. Anh em đồng đội cùng nhau chia sẻ, những đêm dài lạnh giá cùng nhau sưởi ấm bên bếp lửa hồng. Nếu có cơ hội làm lại đời mình, tôi vẫn chọn màu áo thanh niên xung phong”.

Ở góc độ khác, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tuyết từng phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, thổ lộ: “Có bao nhiêu buồn vui khó nói hết. Vui vì nhiều bạn bè thành đạt từ môi trường thanh niên xung phong, có người là bác sĩ, có người là doanh nhân, có người là nhà báo.. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người bạn thanh niên xung phong năm xưa, bây giờ đang sống rất khó khăn phải chạy xe ôm, làm bảo vệ, giúp việc nhà, bán vé số... kèm theo bao nhiêu bệnh tật. Những nào cũng có tin bạn mất, ngày nào cũng có tin bạn cần giúp đỡ, mỗi lần nghe là lòng chúng xuống. Mỗi người một số phận, nhưng tôi mong có một nguồn quỹ để những cựu thanh niên xung phong san sẻ cho nhau, yêu thương nhau như ngày nào cùng đứng chung hàng ngũ”. /.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm