| Hotline: 0983.970.780

Một triệu dân đang sống ngoài bãi sông Hồng - Thái Bình

Thứ Sáu 05/08/2016 , 07:01 (GMT+7)

Chiều 4/8, Bộ NN-PTNT đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. 

* Khó khăn di dời người dân ra khỏi bãi sông

Lãnh đạo UBND và Sở NN-PTNT 15 tỉnh, thành nằm trong vùng quy hoạch tham dự đầy đủ. Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì và chính thức trao Quyết định của Thủ tướng cho các địa phương.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, đây là lần thứ 2 sau 10 năm chúng ta thực hiện Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Do quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, phát triển KT – XH ngày càng có xu hướng mở rộng quy mô, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất.

Cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu và việc xây dựng hệ thống thủy điện ở thượng nguồn… đang đặt ra các yêu cầu cấp thiết đối với việc bảo vệ đê điều và công tác phòng chống lũ.

Phát biểu, lãnh đạo tỉnh và Sở NN-PTNT các địa phương đều cho rằng, Quy hoạch lần này có 2 điểm mới và sẽ là bài toán cực kỳ nan giải cho công tác lập quy hoạch chi tiết tới đây ở cơ sở. Đó là việc đảm bảo không gian thoát lũ và hành lang an toàn đê điều phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Trần Quốc Bình, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cho rằng, cái khó chính là việc di dời người dân ra khỏi vùng bãi sông. Đây là thách thức lớn đối với các địa phương.

TS Lê Viết Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch Bắc bộ (Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho biết, hiện có 68.000ha ở 310 bãi sông, với khoảng 1 triệu người dân sinh sống. Đáng chú ý có những bãi sông có hẳn cả một xã, phường. Nhiều bãi sông có các công trình di tích lịch sử văn hóa, đền chùa rất khó để di dời.

Về những khó khăn di dời dân cư, ông Nguyễn Văn Danh, GĐ Sở NN-PTNT Hưng Yên nêu, nhiều gia đình sinh sống trên bãi sông bao đời nay rồi. Bây giờ di dời họ quả là nan giải. Không di dời thì độ an toàn không cao và có thể còn ảnh hưởng đến thoát lũ. Khi chưa di dời được thì cũng phải tính đến vấn đề đảm bảo cuộc sống cho họ. Những căn nhà cấp 4 tuyền toàng, khó mà chịu được gió bão thì nên cho họ sửa chữa ở mức độ nào đó.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các địa phương căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng và thực tế tại địa phương tiến hành thực hiện nghiêm túc những vấn đề mà Chính phủ đặt ra.

Thứ trưởng Thắng cho biết, Bộ NN-PTNT đã rất thận trọng, tổ chức nghiên cứu, đánh giá công phu, toàn diện, làm việc với các nhà khoa học chuyên ngành và lãnh đạo các địa phương, lắng nghe ý kiến của nhân dân rồi mới tổng hợp hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng quyết định.

“10 năm trước, chúng ta đặt ra di dời 140.000 dân nhưng mục tiêu đó không làm được. Nhưng bây giờ thực tiễn đặt ra cho chúng ta không ít thách thức, nhất là kịch bản biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hơn. Lũ lụt bây giờ sẽ tàn phá nặng nề và thiệt hại hết sức lớn. Do đó, chúng ta không thể lơ là, chủ quan mà phải luôn có trách nhiệm trước nhân dân”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, muốn phát triển bền vững phải nghĩ đến dư địa cho tương lai. Ban Cán sự Đảng bộ Bộ NN-PTNT đã họp và thống nhất sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng vào cuộc trong việc quy hoạch chi tiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê điều, người dân và sự phát triển của xã hội.

Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm đến nâng cao năng lực phòng chống lũ, chú trọng giải pháp phi công trình, tăng cường kiểm soát nước xuyên biên giới, các công nghệ do thám, xem xét những vùng (lưu vực) có nguy cơ cao, nhất là vùng thấp để có biện pháp xử lý.

+ PGS.TS Bùi Nam Sách, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi nêu vấn đề, với số lượng và dung tích các hồ chứa đã được xây dựng trên địa phận Trung Quốc, trong điều kiện vận hành bình thường thì các hồ chứa không có nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Tuy nhiên, khi có sự cố về các hồ chứa ở Trung Quốc thì nguy cơ về lũ chồng lên lũ đối với lưu vực sông Hồng – Thái Bình vẫn có khả năng xảy ra.

Ảnh hưởng của việc xả lũ bất thường từ Trung Quốc đối với ĐBSH là yếu tố mà chúng ta không thể dự báo được, cần có giải pháp ứng phó như: Tăng cường hợp tác quản lý lưu vực sông với Trung Quốc, quan trắc thường xuyên chế độ thủy văn tại các trạm sát biên giới; sử dụng dung tích phòng lũ công trình của các hồ chứa…

+ Theo Quyết định của Thủ tướng, tổng kinh phí thực hiện quy hoạch ước tính khoảng 112.668 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn đến 2030 là 55.511 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2030 là 57.157 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương, huy động ODA, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi sông hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sử dụng đất vùng bãi sông).

 

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất