| Hotline: 0983.970.780

Một trưởng lão thi ca đã đi xa

Thứ Năm 12/09/2019 , 08:51 (GMT+7)

Sáng 11/9, đồng nghiệp và thân nhân đã cùng nhau tiễn đưa nhà thơ Văn Thảo Nguyên tại Nhà tang lễ Quốc phòng phía Nam số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM.

ky-ho-chn-dung-vn-tho-nguyen105740792
Nhà thơ Văn Thảo Nguyên qua ký họa của họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

Nhà thơ Văn Thảo Nguyên xưa nay vẫn độc lai đọc vãng, nên sự ra đi của ông cũng ngoài tiên liệu của mọi người. Ông mất ngày 4/9 ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương, mấy hôm sau bạn bè mới biết tin để lo hậu sự cho ông. Và cô con gái duy nhất của ông cũng kịp bay từ Đức về để nhìn mặt cha lần cuối!

Nhà thơ Văn Thảo Nguyên sinh ngày 9/9/1930. Quê quán ở Chương Mỹ - Hà Tây, nhưng Văn Thảo Nguyên lớn lên trong một gia đình nghèo ở bến Sáu Kho - Hải Phòng. Hoàn cảnh khó khăn, nên Văn Thảo Nguyên không được đến trường. Năm 17 tuổi, khi vào quân đội thì ông mới có cơ hội học chữ. Bằng nỗ lực phi thường, Văn Thảo Nguyên đã tự đào tạo mình để có thể cầm bút.

Những tác phẩm khởi nghiệp của Văn Thảo Nguyên xuất hiện đầu thập niên 50 của thế kỷ trước là minh chứng cho một khát vọng sống: “Chưa cày xong anh đã đi rồi/ Cầu bắc qua sông nối hai bờ đất/ Đám trai làng rủ nhau đánh giặc/ Tuổi hai mươi đi nhún nhảy cầu/ Đám con gái lung linh khóe mắt/ Tiễn nhau đi – còn hỏi đi đâu/ Đi đến đây, và trăm con sông đêm ngày bom dội”. Năm 1965, nhà thơ Văn Thảo Nguyên đã đoạt giải cao nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ với bài “Đường lên bản Muốn”.

Sau một thời gian được đào tạo biên kịch, Văn Thảo Nguyên chuyển sang lĩnh vực điện ảnh và có những thành công nhất định. Năm 1966, kịch bản “Lửa rừng” của Văn Thảo Nguyên được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa lên màn ảnh. Tư cách nhà biên kịch Văn Thảo Nguyên còn được khẳng định qua hai kịch bản nữa là “Người không mang súng” do đạo diễn Lê Văn Duy dàn dựng, và “Còn lại một mình” do đạo diễn Hồng Sến dàn dựng.

Cuộc đời Văn Thảo Nguyên có một giai đoạn đáng nhớ, đó là sau khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh thì ông xuất ngũ để lên cao nguyên Lâm Viên làm báo. Năm 1977, nhà thơ Văn Thảo Nguyên là một trong những người khai sinh ra báo Lâm Đồng, và giữ vai trò Phó Tổng Biên tập. Những ngày lăn lộn ở những vùng kinh tế mới, Văn Thảo Nguyên không chỉ viết tin, viết ký mà còn viết thơ. Ví dụ, về huyện Đạ Huoai, ông cảm tác: “Trời xanh chi mà xanh xanh thế/ Đất lạ đất níu bàn chân/ Tôi gặp lại nụ cười của Huế/ Giữa Hương Lâm một sáng mùa xuân…”.

Về sau, dù ở tuổi ngoài 80, thỉnh thoảng nhà thơ Văn Thảo Nguyên vẫn lên Đà Lạt để được lặng lẽ ngắm rừng thông, nhẩn nha với sương mù mà hồi tưởng mảng hồi ức khó quên của mình!

Cuộc đời nhà thơ Văn Thảo Nguyên nếm trải không ít bất hạnh. Khi con gái Văn Thị Đào Uyên vừa tròn 3 tuổi, thì người vợ mà ông hết mực yêu thương “cả những ngày ta sắp cưới/ Hai đứa nằm bên vệ đê trăng” đột ngột qua đời, ông chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Năm 1970, gửi con gái lại Hà Nội để ra mặt trận, Văn Thảo Nguyên nhắn nhủ: “Cây súng và con – đôi cánh cuộc đời/ Con đi cùng cha trong giông bão/ Vẫn hát hoài giữa lửa cháy bom rơi”.

Những năm xuôi ngược làm kinh tế ở Campuchia và Lào, nhà thơ Văn Thảo Nguyên từng có nhiều tài sản trong tay và từng có không ít bóng hồng vây quanh, như chính ông đắm đuối: “Ta lăm – vông trong vòng tay bạn/ Bồng bềnh trôi trong mắt em yêu/ Ly rượu thơm mềm môi uống cạn/ Hồn ta bay như một cánh diều…/ Trên cao xanh có một trời sao đẹp/ Mắt em buồn từng giọt long lanh/ Ta uống mãi không bao giờ hết/ Thật tuyệt vời – em ơi Viêng Chăn”.

Thế nhưng, ông vẫn cô đơn và thong dong. Nhà thơ Văn Thảo Nguyên quan niệm tình yêu theo kiểu riêng ông: “Trong tình yêu không có kẻ ăn mày/ Anh không ngửa tay xin, em không van lạy/ Anh hồn nhiên như một dòng sông chảy/ Em vô tư làm cây cỏ hai bờ…”

Hành trình sáng tạo của nhà thơ Văn Thảo Nguyên luôn giữ giọng điệu mềm mại và trữ tình. Ngay thời khói lửa khốc liệt, ông vẫn phô diễn sự lãng mạn: “Đường hành quân ra trận/ Gặp con chim sẻ đồng/ Một tiếng chim nho nhỏ/ Mà bay khắp mênh mông”, nên những giây phút yên bình thường khiến ông không giấu được sự hoan hỉ: “Thị xã mỗi căn nhà ca hát/ Chào cô dâu chú rể đi qua/ Cô dâu như bãi bờ bát ngát/ Hai má hồng phù sa/ Chú rể như con tàu đi qua cánh đồng cỏ mật/ Chở nụ cười về thơm sân ga”.

Tuy nhiên, nhà thơ Văn Thảo Nguyên cũng là một người suy tư trước những ngả nghiêng của lòng người trước thời cuộc. Ông có lần “Nói với trái tim mình” để cảnh tỉnh lương tri: “Có thể nào ta đã cách xa/ Với mảnh đất từng nuôi ta sống/ Giặc vừa tan – vui nhà cao cửa rộng/ Ánh điện xanh – quên cả mảnh trăng rừng/ Buồn hay vui mà em khóc đấy/ Kìa manh áo rách gió lùa… / Giặc tan rồi áo mẹ đã lành đâu/ Vầng trán cha hằn những vết sâu/ Không thể được đâu – hỡi trái tim/ Không thể được đâu – hỡi mắt nhìn/ Hãy sống lại những gì đẹp nhất/ Ngày đẹp nhất như những ngày đánh giặc/ Là những ngày sống giữa lòng dân”.

Cuộc đời nhà thơ Văn Thảo Nguyên rong ruổi như số phận cầm tinh Canh Ngọ của ông. Nhà thơ Văn Thảo Nguyên tổng kết: “Tất cả sự đời ta đều có/ Chỉ hận thù ta để trắng tay”.

Bây giờ, ông đã xuôi tay về miền xa lắc, như một chuyến viễn du khác, vẫn bằng mơ mộng thi sĩ: “Ta đi giữa bao nhiêu màu sắc/ Giữa yêu thương của những lứa đôi/ Mừng với mỗi cuộc đời hạnh phúc/ Chia nỗi buồn với một lẻ loi…”.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất