| Hotline: 0983.970.780

Một vụ cưỡng chế trái luật!

Thứ Hai 06/08/2018 , 09:05 (GMT+7)

Thật kỳ lạ! Điều 236 BLDS quy định rất rành mạch như vậy mà nay xã cưỡng chế, phá hủy toàn bộ tài sản trên bất động sản của người dân mà không biết người ta chiếm hữu bất động sản đó...

Theo ông Phan Đình Suất, SN 1956 ở thôn Táo 1, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thì ông là bộ đội chống Mỹ. Năm 1981 phục viên, lấy bà Trần Thị Mùi (cũng là bộ đội phục viên) và được xã giao cho một phần cái ao làm đất ở.

11-08-53_b_mui-_ong_sut_rt_buc_xu_c_vi_bi_cuong_che_on_uong
Vợ chồng bà Mùi, ông Suất rất bức xúc vì bị cưỡng chế oan uổng

Hai người cắm đất giao cho ông Suất - bà Mùi là ông Trương Văn Sửu, cán bộ địa chính xã và ông Nguyễn Văn Hợi, Phó chủ tịch UBND xã. Ông bà đã chở đất lấp ao, làm nhà ở và ngõ đi. Năm 1983, xã giao cho ông Trương Văn Cậy thửa đất trước nhà ông Suất, nên ông Suất mất ngõ.

Thấy vậy, UBND xã giao tiếp cho ông Suất một phần ao, phía sau trường cấp 1, để ông lấp làm ngõ đi. Cái ngõ có diện tích 77m2. Lời trình bày của ông Suất được ông Trương Văn Cậy xác nhận: “Tôi công nhận năm 1983 xã cắm đất ở cho gia đình tôi, đã chuyển cổng của ông Suất ra sau trường học là đúng sự thật (vì lúc đó cổng nhà ông Suất đi qua mảnh đất tôi xin)”.

Ông Nguyễn Văn Thi, 75 tuổi xác nhận, nhà ông Suất ở từ năm 1981 đến nay riêng một cổng không có ai đi chung. Ngoài ra, nhiều người trong thôn Táo 1 như các ông, bà Trương Văn Tài, Tạ Thị Bay, Nguyễn Văn Lành... đều xác nhận lời trình bày của ông Suất. Ông Suất xây tường bao ngõ, xây cổng và trồng sấu, bưởi, cau... trên cái ngõ đó đến nay, không có ai nói gì.

Đầu năm 2018, ông Kiểu ở cạnh nhà ông Suất, đã có ngõ đi riêng nhưng có một mảnh vườn giáp ngõ nhà ông Suất, bỗng tự ý phá tường bao ngõ nhà ông Suất, mở một cổng sang ngõ của ông Suất mà không nói gì với ông. Thấy vậy, vợ chồng ông Suất - bà Mùi ngăn cản. Ông Kiểu có đơn ra UBND xã, nói là ông Suất chiếm ngõ đi chung.

Ngày 31/5/2018, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Viết Cường ký quyết định “cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với ông Suất, lý do ông Suất đã “lấn đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, diện tích 77m2 đất ngõ đi chung, xây tường bao, trụ cổng, lắp hai cánh cổng, mái tôn che, xây bể nước làm cản trở giao thông của các hộ”, buộc ông Suất phải tháo dỡ toàn bộ các công trình nêu trên.

Thấy ông không chấp hành, UBND xã Tam Thuấn đã huy động lực lượng đến phá bỏ. Vụ cưỡng chế đã gây bức xúc cho rất nhiều bà con trong thôn. Vấn đề là, xác định cái ngõ đó là ngõ riêng nhà ông Suất hay là ngõ chung?

Điều 236 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, công khai, liên tục trong 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.

Ông Suất dung riêng cái ngõ từ năm 1983, đến nay là 35 năm. Như vậy, kể cả ông có lấn chiếm đất công, thì căn cứ điều 236 BLDS nói trên, cái ngõ đã thuộc quyền sở hữu riêng của ông. Và thực tế thì suốt từ năm 1983 đến nay, không có ai dùng chung ngõ này, vì đều có ngõ đi riêng, kể cả gia đình ông Kiểu.

Chỉ đến đầu năm 2018, khi ông Kiểu tự ý mở cổng thông cái vườn nhà mình sang ngõ nhà ông Suất, thì cái ngõ đó mới bị xã coi là “ngõ đi chung”. Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn đã đưa ra một bản đồ địa chính xã lập năm 1992 có vẽ thửa đất và cái ngõ nhà ông Suất, một sổ mục kê cũng lập năm 1992, để làm căn cứ rằng cái ngõ đó là ngõ chung.

Tuy nhiên, năm 1992 chỉ là năm lập bản đồ và lập sổ mục kê. Còn gia đình ông Suất sử dụng cái ngõ đi từ năm nào, thì UBND xã không xác minh.

Thật kỳ lạ! Điều 236 BLDS quy định rất rành mạch như vậy mà nay xã cưỡng chế, phá hủy toàn bộ tài sản trên bất động sản của người dân mà không biết người ta chiếm hữu bất động sản đó từ bao giờ thì việc làm của chính quyền là vô cùng tắc trách.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.