| Hotline: 0983.970.780

Mua bán trí tuệ ở Việt Nam - bao giờ?

Thứ Hai 07/05/2012 , 10:07 (GMT+7)

Có người mua, kẻ bán ắt sẽ có chợ. Quy luật ấy cũng đúng với chợ trí tuệ. Tuy nhiên nếu cứ để tự phát thì chỉ hình thành nên những chợ cóc, chợ vỉa hè tồn tại cùng văn minh xe máy.

KS thủy lợi Nguyễn Hồng Bỉnh, người có sáng chế tạo phụ gia cho bê tông từ cát biển và nước mặn được Bộ Khoa học Công nghệ tôn vinh

KHO BÁU HÀNG TỶ TỶ ĐỒNG CHƯA ĐƯỢC KHAI THÁC

Đấy là kho dữ liệu sáng chế của nhiều nước trên thế giới được lưu giữ tại máy chủ của Bộ Khoa học Công nghệ. Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển thị trường tài sản trí tuệ Việt Nam” do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại TP HCM ngày 5/5, ông Phạm Hồng Quất, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (NATEC) cho biết, kho dữ liệu của Việt Nam đã được số hóa chứa đựng tới 39 triệu sáng chế của Việt Nam và các nước trên thế giới mà Việt Nam tham gia bảo hộ chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới trên 350 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 6% sáng chế được áp dụng.

Việt Nam chưa có thị trường sở hữu trí tuệ? Theo NATEC, doanh nghiệp môi giới khoa học công nghệ mà gọi nôm na là “Cò công nghệ” của Việt Nam hiện mới chỉ manh nha ước khoảng có 200 – 300 doanh nghiệp chuyên và không chuyên (trong lúc ở Trung Quốc có 60.000, các nước khác bình quân có 20.000).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng sáng chế nhiều hơn kết quả khảo sát trên. Một thực tế là Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết máy móc và thiết bị của nước ngoài nên buộc phải nhập theo công nghệ ẩn trong giá thiết bị bởi nhiều lý do mà việc mua bán tài sản trí tuệ diễn ra âm thầm do việc ngại khai báo.

CÓ NÊN CỨ ĂN CẮP?

Tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phổ biến. Từ điển Lạc Việt - một cẩm nang đầu giường cho những người học ngoại ngữ là phần mềm số 1 trong danh sách bị vi phạm bản quyền. Theo ước đoán, hiện có khoảng 6 triệu người sử dụng từ điển Lạc Việt nhưng con số mà công ty Tin học Lạc Việt bán ra chưa tới 1%. Cái lợi mà công ty này là tiếng tăm để họ dễ thực hiện các dịch vụ khác và sản phẩm khác.

Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có nhiều sáng chế mà người ta coi việc đánh cắp là đương nhiên. Ông Lê Hùng Lân, sau nhiều năm mày mò ở Ấn Độ và Việt Nam đã lai tạo nên được giống lúa thơm Nàng Hoa 09, có năng suất cao, phổ thích nghi rộng, gạo mềm, ngon cơm… Ông Lân đã đăng ký sáng chế nhưng chỉ một vụ sau, giống Nàng Hoa 09 đã được bán công khai với giá rẻ hơn.

Cục Tác (sản phẩm sáng chế số 5874 là cấu kiện bê tông đúc sẵn có ký hiệu P.Đ.TAC-CM5874) là một sáng chế của TS Phan Đức Tác, được sử dụng phổ biến từ Bắc vào Nam, thế nhưng chẳng mấy ai biết đến TS Tác. Điều đáng buồn là đối tượng vi phạm không phải là cá nhân, công ty tư nhân mà cả các công ty cổ phần, công ty quốc doanh.

Trí tuệ là hàng hóa, điều này còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, tuy nhiên việc “ăn cắp quen tay” chẳng những sẽ bóp nghẹt sức sáng tạo của cả một dân tộc mà còn tạo nên bãi lầy “bẫy thu nhập trung bình” rất khó vượt qua.

BAO GIỜ CÓ CHỢ?

Có người mua, kẻ bán ắt sẽ có chợ. Quy luật ấy cũng đúng với chợ trí tuệ. Tuy nhiên nếu cứ để tự phát thì chỉ hình thành nên những chợ cóc, chợ vỉa hè tồn tại cùng văn minh xe máy. Mặt khác, sáng chế của Việt Nam cũng như các nước khác, càng để lâu càng mất giá nên cần phải có chợ, không những chỉ mua bán với khách nội địa mà cả khách quốc tế.

Để xây dựng được hệ thống chợ đặc biệt này. Ngoài hành lang pháp lý để thúc đẩy sở hữu trí tuệ đi vào nền nếp, trong đó cần sửa đổi ý tưởng là tài sản trí tuệ cần được bảo hộ; cần xây dựng hạ tầng tin học đủ mạnh để có thể truy cập được với thời gian nhanh nhất. Các doanh nghiệp chuyển giao khoa học công nghệ cần nắm bắt được nhu cầu của các nhóm doanh nghiệp theo ngành hàng, lựa chọn những sáng chế khả thi và tóm tắt trước các sáng chế để các doanh nghiệp tham khảo trước lúc môi giới.

Theo ông Hannu Kokko, cố vấn trưởng của chương trình Đổi mới sáng tạo, hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam thì thành công của Việt Nam từ một nước có thu nhập thấp lên trung bình thời gian qua có được do sự khai thác các loại tài nguyên. Nếu cứ tiếp tục phát triển theo phương cách cũ thì Việt Nam rất khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, một bài học nhiều nước (Thái Lan, Malaysia…) đang mắc phải. Để tiếp tục phát triển thì hướng đến một nền kinh tế tri thức là con đường lựa chọn duy nhất và thực tế cũng đã có nhiều quốc gia như Nam Hàn, Đài Loan… vượt qua được.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất