| Hotline: 0983.970.780

Mùa đông - cảnh giác với căn bệnh đột quỵ

Thứ Bảy 05/01/2019 , 09:50 (GMT+7)

Rất nhiều bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng chậm khiến bác sĩ “bó tay”. Nguyên nhân là do nhầm lẫn giữa trúng gió và đột quỵ nên sơ cứu bằng cách cạo gió, cho uống trà gừng… chỉ đến khi nặng mới tá hỏa đưa đến viện thì người bệnh đã hôn mê sâu.

200.000 người đột quỵ mỗi năm

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Theo số liệu tổng hợp từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc: trong 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng 1,7-2,5%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi.

dot-quy182322226
Ảnh minh họa

Đáng lưu ý, theo số liệu mới được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu cũng cảnh báo, nguy cơ đột quỵ tăng lên 30% vào mùa lạnh so với các thời điểm khác. Tương tự, thống kê không đẩy đủ từ các bệnh viện ở nước ta cũng cho thấy, mùa lạnh số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng từ 15-30%, đặc biệt là số ca bệnh tăng hơn vào những ngày thời tiết rét đậm.

Chia sẻ với phóng viên, GS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là hiện tượng mất đột ngột lưu lượng máu lên não do tắc mạch máu não hoặc do chảy máu não. Tế bào não không tưới máu bị tổn thương dẫn đến hoại tử, mất chức năng dẫn đến liệt, hôn mê, rối loạn cảm giác, tử vong.

“Việt Nam thời tiết 4 mùa là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ nhất là khi mùa đông đến xảy ra nhiều, thống kê các bệnh viện nếu nhiệt độ từ 2 - 4 độ thì số người bị đột quỵ tăng lên. Thống kê tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có 60% bệnh nhân đến cấp cứu vào buổi sáng, khi đột quỵ mùa đông hay xảy ra do mạch máu co lại lòng mạch hẹp lại cung lượng máu giảm, tim tăng co bóp, dẫn đến tăng huyết áp, xơ vữa tăng thêm. Ngoài ra người già thành mạch cứng không có khả năng co giãn nên trong mùa đông tại sao đột quỵ xảy ra nhiều”, GS Thông nói.

Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ theo GS. Thông là khi thay đổi tư thế dậy một cách đột ngột. Đi tập thể dục quá sớm, đang trong nhà ấm, ra ngoài mạch co đột ngột nhiều trường hợp đang tập cũng dễ bị đột quỵ.

Đặc biệt khi mùa đông tắm nóng mạch giãn ra. Trong cơ thể hệ tuần hoàn máu lên não kém, cơ quan kém mạch phải co bóp đưa máu lên tim trong khi tim làm việc nhiều tăng áp lực cơ quan khác nên dễ xảy ra cơn đột quỵ.

“Người bình thường bỗng nhiên nói ngọng, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức mới nói được, thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác đi lại khó khăn hoặc cảm thấy nhức đầu dữ dội… khi đó cần nghĩ ngay tới khả năng có thể bị đột quỵ”, GS Thông nhấn mạnh.
 

Cần ổn định huyết áp

Trong quá trình thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, GS Nguyễn Văn Thông lưu ý, tình trạng nhiều người hay nhầm lẫn đột quỵ và cảm lạnh. Tuy nhiên đột quỵ khác hoàn toàn. Bởi cảm lạnh hay trúng gió bị ở bất cứ ai, người bệnh thấy ớn lạnh, vã mồ hôi, hay bị do thời tiết thay đổi đột ngột nóng quá, lạnh quá, người bệnh nằm ở khu vực gió lùa. Khi bị cảm lạnh chỉ cần sư cứu tại chỗ cho uống trà gừng người bệnh sẽ khỏi không để lại di chứng. Trong khi đó, đột quỵ xảy ra đột ngột người bệnh hoa mắt, đau đầu, nói ngọng, liệt lúc ấy cần đưa đi viện ngay vì chậm trễ có thể gây tử vong cho người bệnh.

GS. Thông cho biết, rất nhiều bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng chậm bác sĩ không thể làm được gì vì người nhà bệnh nhân nhầm với trúng gió cứ sơ cứu cho uống nước đường, cạo gió và đến khi đến viện đã hôn mê sâu. Những bệnh nhân này có sống cũng để lại di chứng tàn phế nặng nề.

Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cũng như các biến chứng, bệnh nhân đột quỵ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong đó, “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ là khoảng từ 3-5 giờ, tính từ lúc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như méo miệng, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt, tay chân, đau đầu, chóng mặt dữ dội… Bên cạnh đó, phục hồi chức năng sau đột quỵ đóng vai trò quan trọng, giúp bệnh nhân lấy lại sức khỏe, nhận thức và khả năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để phòng đột quỵ, theo GS. Thông cần ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao: Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.

“Ổn định đường huyết: Bệnh tiểu đường là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.Kiểm soát cholesterol trong máu, đặc biệt với những người hút thuốc lá nên bỏ. Bởi thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạch máu não. Ngừng hút thuốc lá là đã giảm thiểu nguy cơ rất lớn gây đột quỵ”, GS Thông khuyến cáo.

Ngoài ra, người dân nên thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối, thường xuyên vận động để rèn luyện thể chất, ổn định trọng lượng cơ thể và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

(Kiến thức gia đình số 1)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.