| Hotline: 0983.970.780

Mùa đông ấm, vải thiều lại 'tịt hoa'

Thứ Sáu 15/02/2019 , 13:50 (GMT+7)

Diễn biến thời tiết mùa đông 2018-2019 ấm hơn mọi năm khiến nhiều diện tích vải thiều tại các vựa lớn như Bắc Giang, Hải Dương có tỉ lệ ra hoa thấp. Hiện tượng vải thiều mất mùa do “tịt hoa” này lại diễn ra tương tự như niên vụ năm 2016-2017.

Trao đổi với NNVN, TS Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết ngày 12/2, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có chuyến khảo sát, đánh giá về tình hình ra hoa của hai vựa vải thiều lớn là Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả cùng Sở NN-PTNT các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cũng đã có đợt kiểm tra, đánh giá về tình hình ra hoa của cây vải để kịp thời có các giải pháp khuyến cáo cho nông dân.

TS Nguyễn Văn Dũng

Cụ thể đến thời điểm này, tình hình ra hoa của cây vải tại Bắc Giang và Hải Dương có gì bất thường không thưa ông?

Khảo sát ngày 12/2 của chúng tôi tại 3 xã trồng vải có diện tích lớn tại huyện Lục Ngạn là Hồng Giang, Quý Sơn và Thanh Hải cho thấy: Trà vải chín sớm (chiếm khoảng 20% tổng diện tích vải tại Lục Ngạn) ra hoa thuận lợi, tỷ lệ ra hoa trên 90%. Đối với trà vải chính vụ (vải thiều, chiếm khoảng 80% tổng diện tích), tỉ lệ ra hoa thuận lợi chỉ đạt khoảng 40 – 50%; tỉ lệ ra hoa kèm lộc chiếm khoảng 20 - 30% và tỉ lệ diện tích vải chỉ ra lộc hoàn toàn chiếm khoảng 30%.

Qua kiểm tra, bên cạnh một số diện tích vải chỉ ra lộc - không ra hoa, thì cũng có nhiều diện tích vải ra hoa đạt tỉ lệ khá cao. Ví dụ: hộ ông Thành ở thôn Đoàn Kết (xã Quý Sơn) có diện tích vải 0,5ha cho tỷ lệ ra hoa trên 80%; hộ ông Sáng ở cùng thôn có diện tích 1ha, tỷ lệ ra hoa trên 70%... Với tình hình này, nhiều khả năng vụ vải thiều năm 2019 sẽ không được, mà có thể chỉ đạt khoảng 60-70% sản lượng so với năm 2018.

Vậy nguyên nhân nào khiến vải thiều năm nay có tỉ lệ ra hoa thấp như vậy thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Rau quả và Cục Trồng trọt cũng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá về tình hình ra hoa của cây vải, đồng thời trao đổi tình hình với Sở NN-PTNT các tỉnh trồng vải chủ lực Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh. Qua kiểm tra thực tế cho thấy niên vụ 2018-2019, các diện tích vải đều được nông dân được chăm sóc, tỉa cành tạo tán, vệ sinh đồng ruộng tốt, cơ bản ra đủ 3 đợt lộc; được phổ biến thực hiện kỹ thuật khoanh vỏ (1 - 2 lần) nhằm ức chế sinh trưởng sinh dưỡng...

Tuy nhiên so với niên vụ 2017-2018 (cây vải được mùa kỷ lục trong nhiều năm gần đây), thì tình hình ra hoa trong niên vụ 2018-2019 có diễn biến bất thuận, khó khăn hơn. Quá trình phân hoá mầm hoa vải liên quan chặt chẽ tới nhiệt độ thấp của mùa đông. Cụ thể, ở điều kiện thời gian nhiệt độ từ 0 - 100C, sẽ rất thuận lợi cho cây vải phân hóa mầm hoa; ở điều kiện 11 - 140C cành hoa và lá đều có thể phát triển sớm trở thành các chùm hoa có giá trị kinh tế; ở nhiệt độ 18 - 190C trở xuống vẫn có thể hình thành chùm hoa nhỏ, nhiều lá nhưng không có giá trị về kinh tế.

Trong khi đó, số liệu khí tượng cho thấy, nhiệt độ bình quân tháng 12/2018 và tháng 1/2019 vừa qua cao hơn 1-2 độ so niên vụ 2017-2018; đến hiện nay tổng thời gian nhiệt độ thích hợp cho phân hóa mầm hoa vải mới đạt khoảng 50 giờ, với ẩm độ khá cao (so yêu cầu nhiệt độ cần phải dưới 130C, thời tiết phải khô trong thời gian 200 giờ trong tháng 12/2018, tháng 1/2019), khiến việc phân hóa mầm hoa gặp bất thuận. Cùng với thời tiết ấm hơn mọi năm, trước các đợt rét hồi tháng 12/2018 và tháng 1/2019, cũng đã xuất hiện một số đợt mưa, càng tạo điều kiện cho việc vải bật lộc mạnh hơn.

15-45-43_img_1275
Nhiều vườn vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) không ra hoa

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm đối với cây vải thì cứ “năm ăn quả, năm trả cành”, thường sau một năm được mùa lớn sẽ là năm ra hoa và năng suất giảm. Vì vậy, niên vụ năm 2017-2018, vải được mùa lịch sử cũng khiến cây vải bị yếu, phần nào ảnh hưởng tới việc ra hoa của năm nay.

Ông có thể chia sẻ giải pháp, khuyến cáo nào cho nông dân trong chăm sóc cây vải thời gian tới để đảm bảo hạn chế tối đa bất lợi, cho vụ vải năng suất cao nhất có thể?

Với diễn biến thời tiết và tình hình ra hoa của cây vải hiện nay, thời gian tới, nông dân nên triển khai một số giải pháp sau:

Đối với trà vải chín sớm, đã ra thoát hoa: Cần tưới nước trên những diện tích khô hạn giúp thụ phấn thụ tinh đậu quả tốt; kết hợp bổ sung các loại phân bón lá nhằm kéo dài chùm hoa, tăng chất lượng hoa, giúp quá trình thụ phấn, thụ tinh được thuận lợi và tăng cường khả năng giữ quả (như Multi - K, Botrac, Thiên nông, Master Gro,…). Phòng trừ tốt các loại sâu, bệnh hại hoa quả non như sâu đo, bệnh sương mai.

Với trà vải chính vụ: Cần tiếp tục theo dõi tình hình ra hoa trong 10 - 15 ngày tới, nếu các cây ra hoa ít (dưới 15% và kèm theo lộc nhiều) nên ngắt bỏ toàn bộ hoa để tập trung nuôi cây cho vụ quả năm sau. Với các cây ra hoa đồng đều, cần tập trung chăm sóc tương tự như với vải chín sớm. Đối với vườn vải vừa ra hoa, vừa ra lộc, không tưới nước nhằm hạn chế quá trình hình thành lộc, với những cây có tỷ lệ hoa nhiều, có lá kèm theo thì dùng biện pháp thủ công ngắt bỏ các lá mọc kèm ngay khi lá non vẫn còn đỏ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất