| Hotline: 0983.970.780

Mùa đông sợ bầy lá rụng

Thứ Tư 27/07/2011 , 14:15 (GMT+7)

Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) có lẽ anh Phạm Công Liên là người lạc quan nhất. Liệt một nửa người vẫn chụp ảnh, viết thơ, lướt web và gửi bài đăng báo.

Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) có lẽ anh Phạm Công Liên quê Quỳnh Phụ, Thái Bình là người lạc quan nhất. Liệt một nửa người vẫn chụp ảnh, viết thơ, lướt web và gửi bài đăng báo.  

>> Duyên tình xin hẹn kiếp sau
>> Họ đã yêu và sống

1. Thơ của thương binh nặng Phạm Công Liên đau đáu những nỗi niềm riêng mà rất chung rằng:

Làng tôi làng thương binh

…Chị hai đêm nào cũng thức

Ôm gối vào lòng như con

Vật vã, giường cá nhân

Tóc pha sương, không chồng

Làng tôi, những liền anh

Tuổi đôi mươi chết non lời ước

Không nhà, không vợ, không con

Mùa xuân sợ hoa tươi, mùa đông sợ bầy lá rụng.

Anh lý giải mùa đông sợ lá rụng là lẽ thường tình của con người còn ở đây. Thương binh còn sợ hoa tươi bởi nó đại diện cho cái đẹp, cho niềm hạnh phúc mà họ thường thiếu thốn. Nói về dư luận cho rằng một thời có phong trào vận động lấy thương binh, anh Liên cực liệt phản đối bởi chỉ có hai trái tim đến với nhau chứ làm gì có chuyện lấy vợ theo nghị quyết, theo sắp xếp chỉ đạo của số học khô khan.

Thủa ấy anh an dưỡng ở Bắc Giang, chị là thành viên đoàn xã. Hai chi đoàn kết nghĩa rồi lửa tình nhen nhóm lên trong tim anh lúc nào cũng không hay. Biết phận mình tàn tật không đủ can đảm để tỏ tình trực tiếp, dịp về phép ở quê, Liên rụt rè viết mấy dòng: “Anh và em có thể vượt qua tình bạn được không?”. Thư gửi đi trong sự hồi hộp. Ngày nhận được hồi âm, anh lại càng hồi hộp bội phần. Trong thư cô gái viết: “Em đồng ý”.

 Chỉ có mấy câu đơn sơ mà anh thấy người lâng lâng như đi trong cõi mộng. Biết chuyện tình cảm của hai người, bố mẹ cô lạnh lùng chối bỏ. Ngày hợp hôn, đoàn nhà gái không có bố mẹ cô dâu, chẳng người anh em ruột thịt mà chỉ độ mươi người phần đa trong Chi đoàn xã. Cô dâu đạp xe 120 km từ Bắc Giang về Thái Bình rồi ở lại căn phòng hạnh phúc nơi quê lúa của chồng.

Thời bao cấp, thương binh vỏn vẹn tháng 37 đồng trợ cấp. Nghèo, thương tật lại còn đèo bòng, anh làm nghề sửa đài điện, dán phong bì, quấn biến áp kiếm thêm đồng thu nhập. Chị quanh năm mưa nắng, tất tả với ruộng trũng, đồng sâu. Đã thế, những vết thương cũ, bệnh mới mắc ngày ngày hành hạ. Đã bao lần Liên bị nhồi máu cơ tim, mười phần tưởng chết chín, ba bốn đêm ròng chị thức trắng, hốc hác mắt canh chồng, gọi anh xa rời bến lú.

Nhiều bận vào viện, tiếng là thương binh vẫn phải đút phong bì mới được tiêm, được cấp cứu, chị lần ruột tượng những đồng bạc đầm đẫm mồ hôi, cay xè nước mắt, những đồng bạc chắt chiu từ hạt lúa, củ khoai, con lợn, con gà đắp đổi sức khỏe cho chồng. Lần lần, hai đứa con khôn lớn cũng một tay người vợ hiền ngược xuôi bươn bả. Một đứa học cao đẳng, một đại học đã ra trường, có công ăn, việc làm, thỉnh thoảng lại vào trại thăm bố mẹ. Trong những ngày nằm giường bệnh, cảm kích vì có một người vợ đảm đang, anh Liên mới bật ra những vần thơ rằng:

Bấy nhiêu lần cõng chồng vào viện

Gió thị trường xô đẩy dáng em nghiêng…

Anh viết bài thơ ơn thầy, ơn mẹ

Đã nuôi em khôn lớn để nuôi đời

2. Cả một ngày ở Trung tâm, tôi đi lang thang khắp các khu và thấy trong những ô đất trống dưới các gốc cây, bồn hoa là xanh mướt mát rau má cùng mướp đắng. Các vạt rau đó do chị Nguyễn Thị Chính vợ thương binh Nguyễn Văn Mão trồng. Anh chị đều quê ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Năm 1975, anh bị thương cột sống, kể từ bấy cuộc đời chị cũng đổi thay. Quê chị đồng cao, nước hiếm chẳng cày nổi toàn phải cuốc ruộng đến chai tay. Hễ ngơi công việc đồng áng chị lại gò lưng đạp xe trên 100km xuống Trung tâm thăm chồng.

 Mấy chục năm chị cắn răng chịu đựng cảnh không có đời sống vợ chồng thực sự, không có tiếng trẻ con khỏa lấp nỗi trống nhà. Chị lấy ruộng đồng làm niềm an ủi, lấy việc chăm mẹ chồng, chăm chồng là niềm vui. Tận đến khi mẹ chồng mất chị mới cất nếp nhà riêng cho những tháng ngày còn lại. Chị giản dị bảo chị sống với anh không chỉ là tình yêu mà còn là đạo vợ chồng. Anh bị bệnh tiểu đường nặng phải kiêng khem rất kỹ chị tự làm đậu phụ, bánh trái. Để chồng vui ăn thêm vài xêu cơm, chị thường xuyên cùng anh ăn nhạt.

Trong căn bếp tập thể nhỏ xíu, tôi nhìn thấy một cái lồng có mấy chú gà đang chiu chít, một con gà mái bị buộc chân vào một sợi dây đang cựa quậy cục tác. Đó là cách chị Chính nuôi gà để cải thiện cho chồng qua những buổi kiêng khem nhạt mồm, đắng họng. Sáng sáng chị cần mẫn xoa bóp cơ bắp toàn thân cho anh đỡ mỏi, nhất là đôi chân kẻo hoại tử, thối da. Nghe lời các thầy lang ở bản mách, chị còn lần mò lên các ngọn núi ở dãy Tam Đảo quê nhà tìm đủ loại thuốc xông, thuốc bóp cho đôi bàn tay vốn còng queo vì ngấm chất độc chiến trường, thường xuyên đau nhức của anh.

3. Anh Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành kể với tôi những mối tình như trong truyện cổ như thương binh Bế Văn Nhót, người dân tộc Tày, đã động viên vợ mình đi lấy chồng thế này: “Em cứ đi lấy chồng khác đi, khổ quá thì quay lại với anh”. Mỗi lần chị xuống chơi, anh còn đùm một bọc quà về cho con riêng của vợ.

Cách đây chừng mươi năm, cứ sau mỗi đợt 27/7, đài báo viết về các hoàn cảnh thương binh là Trung tâm nhận được hàng chục lá thư, cuộc gọi của phụ nữ khắp các tỉnh tình nguyện làm vợ. Người thiết tha viết dăm bảy lá, người nhiệt tình đến tận nơi bày tỏ gan ruột thực lòng. Lúc ấy lãnh đạo Trung tâm chỉ còn nước chuyển thư, chuyển đề nghị cho hội đồng thương binh của đơn vị để tập hợp xem ai có nguyện vọng lấy vợ không rồi lên một danh sách.

 Không chỉ viết thư, gọi điện, nhiều người còn xung phong đến sống thử cả tuần, cả tháng với thương binh, cơm bưng, nước rót. Như trường hợp một chị ở Hà Nội cứ chiều thứ Bảy lại lịch kịch mua đồ ăn, sữa, hoa quả phóng xe máy về Trung tâm để gặp anh Nguyễn Đức Toàn rồi chiều Chủ nhật mới đi. Ròng rã chăm sóc như thế tới 6 tháng trời nhưng vẫn không nhận được cái gật đầu của anh.

Thực tế, đa số ước mong gán nghĩa, ghép tình hết sức cao cả, hi sinh này đều bất thành. Bởi lắm anh thương binh tủi phận tàn không chịu lấy vợ vì sợ khổ lây cho người khác. Bởi lắm cô gái sau nhiều ngày mỏi mòn chờ phút giây hạnh phúc đời thường không bao giờ có được cũng lặng lẽ khăn áo rời Trung tâm không một lần ngoảnh lại.

Anh Dư còn nhớ mãi một buổi chiều, anh gặp một người phụ nữ ngoại ba mươi, trông khá xinh xắn dắt theo một cháu nhỏ cứ ngập ngừng ngoài cổng. Hỏi mới hay tên chị là Liên ở Sóc Sơn (Hà Nội) muốn lên gắn nghĩa, tình nguyện làm vợ thương binh. Những thương binh nổi tiếng như anh Bế Văn Nhót, như anh Nguyễn Đức Toàn được nhiều phụ nữ "chấm" ngay làm chồng, đề đạt thẳng nguyện vọng còn không đa số chỉ mong làm vợ một anh thương binh bất kỳ, do trung tâm sắp xếp.

“Em tên là Nguyễn Thị X, 32 tuổi, giáo viên tiểu học, nhà ở Hà Nam, hoàn cảnh giường đơn gối chiếc. Được biết Trung tâm có nhiều thương binh nặng không có điều kiện xây dựng gia đình, muốn tình nguyện chăm sóc một thương binh, nâng khăn, sửa gối để cuộc sống họ thêm ý nghĩa”. Thành phần tình nguyện làm vợ thương binh này hết sức đa dạng, người là giáo viên, người y sĩ, người soát vé, người gắn bó ruộng đồng.

 Lắm người còn cẩn thận tả nhà mình mấy gian, ruộng mấy sào, trâu bò mấy con để chứng tỏ kinh tế hoàn toàn ổn định, chỉ cần gán nghĩa với các anh vì tình.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.