| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 16/04/2015 , 06:10 (GMT+7)

06:10 - 16/04/2015

Mua dưa kiểu phát động giải quyết được gì?!

Chừng nào mà người dân trên cả nước còn phải nghe những lời kêu gọi “ăn giúp”, “mua giúp” những thứ nông sản giúp cho người trồng, thì chừng đó, những người trồng ra những thứ nông sản đó còn phập phồng lo sợ.

Nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin: Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương vừa phối hợp với Công đoàn Bộ tổ chức mua dưa hấu giúp nông dân miền Trung. Kết quả là CB-CNV trong cơ quan Bộ đã mua được 14 tấn dưa hấu.

Theo ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, thì những ngày qua, cơ quan này đã liên hệ với Sở Công thương một số tỉnh nhằm giải tỏa ùn tắc ở cửa khẩu thông qua việc tìm đầu mối tiêu thụ dưa ở thị trường Hà Nội. Hy vọng chương trình cũng là “lời nhắc nhở” các địa phương liên quan sớm có giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tránh lặp lại tình trạng nông sản hàng hóa bị ách tắc tại vùng biên.

Còn Chủ tịch Công đoàn Bộ Công thương Nguyễn Thị Hoa thì cho rằng hành động mua 14 tấn dưa giúp nông dân cũng là để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Năm ngoái, khi tình trạng vải thiều ùn tắc tại khu vực biên mậu, khiến nông dân phải bán rẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đã đứng ra kêu gọi người dân mua vải ủng hộ nông dân: “Nhiều người dân phía Nam vẫn chưa được ăn vải thiều. Nếu mỗi người chỉ cần ăn mấy lạng vải, thì cũng giúp được người trồng vải thiều tiêu thụ hết sản phẩm”.

Tấm lòng của Bộ Công thương thật đáng quý. 14 tấn dưa hấu, chỉ vài ba ngàn quả. CB-CNV trong cơ quan Bộ Công thương rất đông, mỗi người chỉ cần mua giúp vài quả là hết.

Nhưng xin hỏi: 14 tấn dưa hấu kia đáng là gì so với hàng chục vạn tấn dưa hấu đang ùn ứ trong những ngày qua? Điều mà người trồng dưa trông chờ ở Bộ Công thương không phải là việc cơ quan Bộ đứng ra “mua giúp” chừng đó.

Việc của Bộ Công thương là đi tìm thị trường mới giúp người dân tiêu thụ dưa, là khơi thông dòng xe chở dưa hấu hàng ngàn chiếc phải chờ đợi nhiều ngày liền ở cửa khẩu Tân Thanh, khiến dưa chảy nước, đến khi sang đến nơi lại bị thương lái Trung Quốc ép giá, số dưa không bán hết do hỏng vì phải chờ đợi, chở về đổ đầy đường.

Còn tại nơi trồng thì giá dưa quá rẻ, chỉ từ 500 đến 1.000 đồng mỗi ký, người trồng chán nản để mặc dưa cho trâu bò ăn. Không biết bao nhiêu là nước mắt đã đổ ra trong vụ dưa này, và rất có thể còn đổ ra trong những vụ dưa sắp tới nữa, nếu tình trạng này cứ tái diễn. Bởi qua mỗi vụ dưa, người trồng lại nợ nần ngập cổ.

Việc khơi thông này, điều cần là phải chủ động trước, phải dự báo được sản lượng dưa, dự báo được tình trạng cơ sở hạ tầng ở cửa khẩu mà chủ động điều tiết, không để đến khi hàng ngàn chiếc xe ùn ứ tại cửa khẩu thì mới xuất hiện.

Tóm lại, việc của chúng ta là làm thế nào để 1 tỷ 300 triệu người dân Trung Quốc, 315 triệu người dân Mỹ, rồi dân Nhật và dân châu Âu nữa “ăn hộ” dưa, “ăn hộ” vải thiều cho nông dân Việt Nam.

Tại Nhật, một hộp vải thiều 5 trái có giá đến 10 USD, tương đương với trên 200 ngàn VND. Một cặp xoài qua đấu giá, giá lên đến trên 1.000 USD, chứ không phải lại quanh quẩn đi “tìm đầu mối tiêu thụ dưa ở Hà Nội”.

Chỉ có thế, thì người trồng dưa, trồng vải mới sống được.

Chừng nào mà người dân trên cả nước còn phải nghe những lời kêu gọi “ăn giúp”, “mua giúp” những thứ nông sản giúp cho người trồng, thì chừng đó, những người trồng ra những thứ nông sản đó còn phập phồng lo sợ.

Bình luận mới nhất