| Hotline: 0983.970.780

Mùa hái chít

Thứ Sáu 29/01/2010 , 10:40 (GMT+7)

Tháng Chạp gió núi thổi ngằn ngặt, rét như cắt da cắt thịt, đấy là khi những vạt rừng chít nở bông. Người khắp các thôn trên, bản dưới lũ lượt kéo nhau đi hái chít.

Tháng Chạp gió núi thổi ngằn ngặt, rét như cắt da cắt thịt, đấy là khi những vạt rừng chít nở bông. Người khắp các thôn trên, bản dưới lũ lượt kéo nhau đi hái chít. Những bông chít nhỏ nhoi, lơ thơ trong gió không giúp cho người ta giàu có, nhưng cũng đủ cho họ sắm sửa một cái Tết đạm bạc…

Năm nào cũng vậy, cứ vào trung tuần tháng mười một âm lịch người ta lại kéo nhau đi hái chít. Mấy năm nay chít bán được giá, mỗi cân chít tươi giá tương đương một cân lúa. Bởi thế, dẫu có phải leo đèo, lội suối hay len lỏi xuống các thung sâu nhưng người ta vẫn đi. Chít giúp cho lũ trẻ có quần áo mới, sách vở học hành, chít giúp cho nhiều gia đình có Tết.

Lò Thị Lả đặt bó chít dựa vào gốc cây lau mồ hôi chảy đầm đìa trên má, dường như em chẳng cảm thấy cái lạnh hun hút từ trong các hốc núi tuôn ra khi trời đã tắt nắng. Em cùng những người đi hái chít lội ào ào xuống dòng sông Nậm Mu khoả nước vã lên mặt, dòng suối trong xanh ồn ã tiếng người. Lả đang học lớp 8 trường Trung học cơ sở Mường Khoa (Tân Uyên, Lai Châu), đã ba ngày nay em nghỉ học theo người lớn lên núi hái chít, em chả cần giấu: Cháu đi hái chít nốt ngày hôm nay, mai cháu lại đi học mà. Lớp cháu có nhiều bạn cũng nghỉ học như cháu đi hái chít, cả năm cháu đi học, còn chít chỉ ra hoa hơn một tháng thôi. Từ đầu vụ chít đến giờ cháu hái được hơn năm mươi cân rồi, bán được gần hai trăm ngàn, không phải xin tiền bố mẹ may áo mới đâu…

Thầy giáo Nguyễn Khắc Toàn lắc đầu bảo tôi: Dạy học ở vùng cao sợ nhất là không có học sinh, các em nghỉ học nhiều nhất vào thời gian gặt lúa vụ mùa, tiếp đến là mùa hái chít, sau đó là Tết nguyên đán. Có hôm lớp học nghỉ đến nửa lớp, cũng chả dám to tiếng với các em, có em nói thẳng với thầy giáo thế này: Không có cơm ăn mới chết, không học chữ thì chẳng chết đâu.

Chít là loài cây hoang dại mọc khắp các triền núi, lòng thung. Khắp vùng Tây Bắc bạt ngàn chít, chít chỉ mọc trên những mảnh đất khô cằn và ưa nắng gió. Nơi nào cây rừng xanh tốt thì chít không có đất sống, chúng mọc lẫn với loài cỏ tranh và cây bụi, rễ chít khoẻ cứng như rễ tre, bám chặt vào lòng đất dẫu gió bão thế nào cũng không bứt chúng lên được.

Chít ra bông từ giữa tháng mười một âm lịch, sau Tết nguyên đán thì bông nửa xoè, đấy là khi bông chít đã già. Bông chít chỉ dùng làm chổi, chổi chít mềm và dai, quét nhà rất sạch. Chổi chít được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới: Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ…Theo một số người buôn bông chít, nghề làm chổi chít xuất khẩu hiện nay ở các tỉnh: Hoà Bình, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình…

Mùa hái chít người ta bắt gặp khắp các nẻo đường trên vùng Tây Bắc, chít thu mua phơi khắp nơi. Huyện Tân Uyên (Lai Châu) có hàng trăm người thu mua chít. Anh Công Văn Tuấn ở thôn Ngọc Lại, xã Phúc Khoa mới bắt đầu vào nghề thu mua chít, nhưng đã trở thành một ông chủ có tiếng ở vùng này. Tuấn cho biết: Em mới chính thức bước vào nghề thu mua chít khô từ năm 2008. Chít chỉ thu hái trong vòng 2 tháng, từ giữa tháng mười một âm lịch đến mùng mười tháng giêng thì thôi. Thời gian này chít ra bông, khi bông mới nhú hái là vừa, nếu để bông chít nở xoè thì cọng già dễ gãy, khách hàng không mua. Cứ ba cân chít tươi thì được một cân chít khô. Giá chít vụ này em đang mua là 3.500-4.000đ/kg, giá chít khô khoảng 13.000đ/kg.

Năm ngoái giá chít khô rẻ, chỉ 8.000đ/kg, em mua được hơn 20 tấn, bán được giá 12.000đ/kg, lời trên 80 triệu đồng. Chị gái em tên là Vân là đầu mối thu mua bán cho các cơ sở làm chổi chít ở Hoà Bình, cũng có nhiều người mua xuất khẩu cả bông sang Trung Quốc, họ mua chọn giá lại rẻ nên em không bán. Năm nay nhiều người mua nên giá chít đội lên cao quá, nhưng vẫn phải mua, nếu mình không mua thì người khác họ mua mất… Nhờ mua bán chít khô nên Tuấn xây được ngôi nhà hai tầng, tầng một Tuấn dùng làm kho chứa chít khô. Dự kiến năm nay Tuấn mua khoảng 30-40 tấn, bởi Tuấn ứng tiền trước và thu mua trả tiền ngay nên bà con tập trung bán cho Tuấn.

Lò Thị Bun, người Khơ Mú ở bản Nà Lại năm nay bắt đầu thu mua chít. Vợ chồng Bun từng đi đào vàng ở khắp các bãi vàng dọc sông Nậm Mu, cũng chẳng giàu có gì, tiền đào vàng chỉ xây nổi ngôi nhà mái bằng. Hai năm nay vợ chồng Bun gác máng về bản buôn bán nhì nhằng, Bun bảo: Vợ chồng đào đãi vàng mãi chẳng khá lên được, con cái bỏ cho ông bà nuôi nhếch nhác quá, chúng cháu về làm ăn ở gần nhà để trông nom các cháu chú ạ. Năm nay cháu bắt đầu mua bán chít, giá chít ở đây chúng cháu không mua nổi phải vào tận Nậm Cần, Nậm Sỏ đặt bà con trong đó. Mình mới làm thì phải đi xa chú ạ…

Mùa hái chít cũng bận rộn như mùa thu hoạch lúa, buổi sáng những người đi hái chít phải dậy từ rất sớm, từ khi còn tờ mờ đất, họ lên các sườn núi ngắt những bông chít để thành đống rồi mới bóc lấy bông, khi mặt trời đứng bóng thì xuống núi. Nếu đi xa, họ phải mang theo cơm nắm đến chiều mới trở về nhà. Người khoẻ và gặp bãi chít lớn thì cũng hái được 25-30 cân chít tươi, thông thường mỗi ngày họ chỉ hái được 20 cân. Nếu hôm nào trời nắng thì họ tranh thủ mang về phơi, gặp đợt mưa dầm chít lấy về không phơi được màu chít không sáng thì giá bán chỉ được nửa. Vì thế, hôm nào trời nắng thì mọi người ở khắp các bản rồng rắn nhau đi hái chít.

Rất nhiều học sinh bỏ học đi hái chít, mùa hái chít là mùa hái ra tiền để mọi người sắm sửa quần áo cho cái Tết đang đến gần. Thầy giáo Nguyễn Khắc Toàn nhiều hôm đứng ở đầu đường kéo tay các em về học, các em bảo: Thầy đừng bắt em học khi em không muốn học. Em đi hái chít nghỉ học hai ba ngày thôi, mai kia em lại về học mà…

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất