| Hotline: 0983.970.780

Mùa hoa buồn

Thứ Tư 12/02/2014 , 09:33 (GMT+7)

Thị trường hoa Tết vừa qua bán rất chậm và kém vui, sau Tết ở một số vườn vẫn còn tồn nhiều hoa không kịp bán.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại 2 vùng trồng hoa lớn của tỉnh Đồng Nai là Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) và Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) chủ yếu trồng hoa cúc Đà Lạt, mào gà, vạn thọ, lay ơn và huệ… thì thị trường hoa Tết vừa qua bán rất chậm và kém vui, sau Tết ở một số vườn vẫn còn tồn nhiều hoa không kịp bán.

Gặp chúng tôi, ông Vũ Đình Chung, ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 buồn rầu nói: “Tôi trồng 5 ngàn chậu cúc Đà Lạt, đến Tết mới chỉ bán hết hơn phân nửa số hoa, nhưng giá cũng chỉ bằng năm trước nên thu bị hụt hơn Tết năm ngoái khoảng 15 triệu đồng”. Theo ông Chung, nếu cây mai năm nay nhà vườn không bán được thì chờ năm sau bán, còn với hoa cúc nếu bán không kịp, hoặc không hết thì coi như trắng tay!

Tương tự, tại vùng hoa Bảo Hòa, thương lái đến tận vườn mua hoa để vận chuyển ra Bắc và các tỉnh thành khác nhưng giá cũng chỉ nhích hơn khoảng 5% so với năm trước. Nhiều nhà vườn ở đây cho hay, sở dĩ cúc năm nay bán chậm là do khí hậu cuối năm diễn biến bất thường, nhiều vườn cúc bị “ngậm bông” không chịu nở khiến có gia đình gần như mất trắng mùa hoa Tết.


Tết vừa qua nhiều hộ trồng hoa bị thất thu do hoa nở kém

Để có hoa cúc bán Tết, người dân phải bỏ rất nhiều công chăm sóc nhưng chất lượng hoa vẫn kém, cây thấp nên người mua chê ỏng chê eo. Chị Nguyễn Thị Hương, ở Bảo Hòa than vãn: “Gia đình tôi trồng gần 1.000 chậu cúc, bán sỉ cho thương lái được phân nửa, còn lại tính để nhà bán lẻ nhưng đến hết Tết cũng chỉ bán được 15 chậu, coi như lỗ vốn!”.

Theo chị Hương, năm ngoái, dù sức mua có chậm nhưng vẫn còn bán được chứ không tệ như năm nay. Nếu như năm ngoái, giá bán sỉ đã từ 160- 170 ngàn/chậu thì năm nay chỉ còn 100-110 ngàn đồng/chậu mà khách hàng còn chê lên chê xuống.

Anh Phan Thanh Hân, một trong những hộ chuyên trồng hoa Tết ở tổ 28, khu phố 4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cũng nhận định, do cuối năm ở khu vực phía Nam thời tiết trở lạnh và có sương mù khiến hoa bị nở kém hoặc nở trễ nên rất khó bán. Gia đình anh Hân trồng được 4.000 chậu hoa gồm cúc đại đóa, cúc pha lê và hoa cát tường.

Tuy nhiên, trong dịp Tết vừa qua ráng lắm cũng chỉ bán được 3.500 chậu với giá 300.000đ/chậu cúc lớn và 30.000đ/chậu cát tường nhỏ. Số hoa còn tồn sau Tết khoảng 500 chậu gia đình anh đành phải ráng tiếp tục chăm sóc để chờ cắt bán bông vào dịp rằm tháng giêng nhằm kéo lại vốn đầu tư. Tính đến nay, gia đình anh Hân đã trồng hoa được 20 năm, mới chuyển từ tỉnh Khánh Hòa vào trồng hoa ở khu vực TP.Biên Hòa (Đồng Nai) được 2 năm nay.

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn, anh Hân tâm sự: “Mặc dù hoa Tết bán được bằng giá mọi năm nhưng do chi phí đầu tư tăng nên tiền lời không đáng kể. Hy vọng dịp rằm tháng Giêng này gia đình tôi sẽ tiêu thụ được hết số hoa trong vườn!”.

Theo anh Hân, những ngày thường vườn của gia đình anh vẫn trồng hoa bán rằm để lấy ngắn nuôi dài, còn chủ yếu vẫn nhắm đến thị trường Tết. Dịp Tết vừa qua, nhận định thị trường tiêu thụ, gia đình anh quyết định đầu tư trồng 4.000 chậu hoa (tăng hơn Tết năm trước 2.000 chậu).

Tuy nhiên, do mua phải giống hoa Đà Lạt kém chất lượng khiến cây bị chết nhiều (tỉ lệ chết chiếm trên 50%) nên phải trồng đi trồng lại, cộng thêm đợt cuối năm thời tiết lạnh khiến hoa không kịp nở nên bị trễ. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư đã hết khoảng 600 triệu đồng, gồm tiền giống hoa, phân bón, công chăm sóc và điện nước…

Dù là “vựa hoa” lớn có tiếng trong tỉnh Đồng Nai, nhưng cũng như nhiều địa phương khác, vườn hoa ở các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc hay TP.Biên Hoa cũng không thoát khỏi cảnh bí đầu ra, thị trường tiêu thụ thất thường. Những chậu hoa của người dân nơi đây còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, biến động giá cả của thị trường và chịu nhiều rủi ro dễ bị các thương lái ép giá vào mùa thu hoạch.

Để có những chậu hoa sum suê, nở rộ phục vụ tới tay người tiêu dùng trong những ngày Tết, những người trồng hoa đã đổ biết bao công sức và tâm huyết. Tuy nhiên, cuối năm qua do thời tiết không ủng hộ, năng suất hoa thấp nên dù giá có ổn định hay tăng cũng không bù lại được…

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm