| Hotline: 0983.970.780

Mùa lên núi nhặt vàng

Thứ Ba 11/05/2010 , 10:11 (GMT+7)

Vùng quế Văn Yên (Yên Bái) mùa này mọi nhà đang nhộn nhịp bóc quế, phơi quế, chẻ quế, nạo vỏ quế… mọi nhà đều vắng tanh...

Đang là mùa thu hoạch quế, có hai vụ thu hoạch, vụ tháng 3 và vụ tháng 8. Vùng quế Văn Yên (Yên Bái) mùa này mọi nhà đang nhộn nhịp bóc quế, phơi quế, chẻ quế, nạo vỏ quế… mọi nhà đều vắng tanh chỉ có những đứa trẻ lít nhít không đi học thì ở nhà, hỏi bố mẹ đi đâu? Chúng đều trả lời: Bố mẹ lên núi bóc quế... Phải rồi, bây giờ đang là mùa người dân lên núi nhặt vàng…

>> Người phát động trồng ''đồi quế nhớ ơn Bác Hồ''

Con đường vào thôn I xã Đại Sơn be bét bùn đất, trận mưa đêm qua càng khiến cho con đường trơn nhầy nhụa. Mọi nhà đều vắng ngơ vắng ngắt, nhà nào cũng ngổn ngang quế. Quế phơi ngoài sân, trên hè, bên lề đường hay trên các bãi cỏ…đâu cũng thấy quế. Vợ anh Hoàng Văn Hoan đang phơi quế ở sân bảo: Mùa này bà con lên núi thu hoạch quế rồi bác ạ. Đang là mùa bóc quế mà…

“Tháng ba ngày tám” là mùa nông nhàn, nhưng người dân ở vùng quế thì lại là ngày mùa. Đối với họ, khái niệm mùa nông nhàn không còn nữa, bởi tháng 3 (âm lịch) là mùa thu hoạch quế, tiếp đến là gặt lúa vụ xuân, rồi mùa cày cấy, tháng 8 lại vào mùa bóc vỏ quế…mùa tiếp mùa như thế. Vụ quế năm nay được giá, từ đầu vụ tới nay giá quế loại B,C đều có giá từ 12.500-13.000đ/kg. Đấy là giá quế xô, còn quế chẻ thanh thì phải 13.500đ/kg, quế bào vỏ giá cao chót vót, hiện đang ở mức 22.000đ/kg. Tuy nhiên, quế bào vỏ người ta thường chọn quế loại B, vỏ dày dễ bào và đỡ tốn công. Còn quế vụn, quế cành thì giá cũng được 8.000-9.000đ/kg. Giá quế năm nay khá cao và ổn định từ đầu vụ tới giờ, không phập phù lên xuống như nhiều năm trước. Năm nay trời nắng lâu, nên người dân vùng quế đã dốc toàn lực ra thu hoạch, chỉ ít ngày nữa, sau những trận mưa đầu mùa khi quế ra chồi non thì vỏ quế sít lại không bóc được nữa.

Năm nay khách chỉ mua quế loại B trở xuống, chẳng thấy ai hỏi quế loại A, thành thử mọi nhà chỉ tỉa thưa cũng đủ ốm rồi. Trước đây mỗi ha quế chỉ trồng 2.500-3.000 cây, nay bà con trồng dày 5.000 - 6.000 cây/ha, có nhà trồng tới 7.000 cây/ha. Theo bà con trồng mau như vậy vừa đỡ tốn đất, lại ít phải làm cỏ, chỉ ba năm là quế khép tán, nhất là khi quế to bằng bắp tay là được tỉa thưa, có tiền tiêu đều đều mỗi năm. Còn trồng thưa thì phải đợi 7-8 năm mới được thu, suốt thời gian đó chả biết làm gì ra tiền. Nhà anh Hoàng Văn Hoan năm nay cũng chỉ tỉa thưa, vợ anh chả nhớ từ đầu vụ tới giờ gia đình đã bán được bao nhiêu tấn, bốn tấn hay năm tấn, khi nào có khách đánh xe vào là bán thôi.

Quế nhà anh đã thu hoạch phơi khô còn nhiều lắm, quế chất đầy nhà, chật cứng trên hè ngổn ngang ngoài sân. Mấy anh em nhà anh Hoan mỗi lần xuất bán đều đầy ứ một xe tải cỡ 8-10 tấn, nếu trời nắng thì mỗi tuần một xe, có khi chỉ 3-4 ngày đã được một xe rồi. Con đường vào thôn I ngập ngụa bùn đất bởi xe chở quế và xe chở vật liệu xây dựng của gia đình anh Hoàng Văn Minh. Có lẽ nhìn mấy đứa em đã lên ở “vi la”, nên ông anh cả sốt ruột quá đã quyết định xây nhà mặc dù mùa mưa đã cận kề. Cứ nhìn những ngôi nhà mới xây của những người con ông Hoàng Văn An đều cỡ tiền tỷ, thì chẳng mấy chốc thôn I hình thành khu “phố trong rừng”, phố gia đình ông An? Điều đó chắc không quá xa với người dân ở đây.

Mọi ngả đường vào vùng quế tôi thấy cơ man là quế, quế phơi khắp mọi nơi, trong sân, ngoài vườn và dọc các lối đi…tất cả chỉ thấy quế là quế. Trên rừng thì quế xanh ngằn ngặt, dưới đất thì quế nhiều như củi. Vợ chồng anh Vũ Văn Thiệu đang gia công quế, chị vợ thì bê vỏ quế ra phơi, còn chồng thì nạo vỏ, chẻ thành từng thanh. Anh chị Thiệu bảo tôi: Nhà em trồng được ít quế thôi, số quế này em mua về phơi bán mà anh…Tôi hỏi từ đầu vụ quế đến giờ vợ chồng anh đã bán được mấy tấn quế rồi? Anh Thiệu lắc đầu: Em cũng chả ghi chép, nên chẳng nhớ đã bán được bao nhiêu, vài ba chục tấn gì đấy. Nói thế thôi, chứ làm quế vất vả lắm, cũng may giá năm nay được nên chúng em còn ham…Bà Phạm Thị Huệ người xã Mậu Đông đang bóc vỏ quế cười như bắt được vàng: Khổ, dân miền núi chúng em đẻ nhiều quá, vợ chồng em sinh được 4 cháu, đông quá hả anh? Cũng may mà nhờ có đồi quế nên vợ chồng em nuôi các cháu học hành tử tế, hai cháu đã có ông ăn việc làm, hai cháu đang đi học. Ông xã nhà em đang trên đồi, tỉa quế về cho em bóc đây. Đôi lúc em nghĩ, vợ chồng em đông con, nếu không có đồi quế chắc là gay lắm…

Anh Đỗ Văn Hồng, người dân Yên Phú hàng ngày đi xe máy vào vùng sâu vùng xa của các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng…thu mua quế về nạo vỏ chẻ quế thanh. Nhìn chiếc xe bê bết bùn đất đã thấy kinh hãi, anh Hồng bảo tôi: Mỗi ngày em mua chừng dăm ba tạ thôi, đường khó đi quá, ô tô không vào được nên mới còn đất cho cánh xe máy chúng em làm ăn. Quế này là quế loại B,C giá 6.500đ/kg, chúng em mua về cho người nhà nạo vỏ, giá quế nạo vỏ chẻ thanh thì anh đã biết, bán ở đâu cũng chỉ được 22.000đ/kg. Nông dân chúng em lấy công làm lãi mà, mùa nông nhàn có việc là mừng rồi…

Cây quế chẳng bỏ thứ gì trừ gốc và rễ. Theo ông Phạm Văn Tiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Yên: Vỏ quế bán được giá đã đành, thân quế cây nào to thì bán cho các cơ sở chế biến gỗ, còn lá thì bán cho các các lò chưng cất tinh dầu quế. Hai cơ sở chưng cất tinh dầu quế Đông Cuông và Hoàng Thắng mỗi năm chưng cất 200 tấn tinh dầu, còn hàng chục lò chưng cất nhỏ mỗi năm cũng chưng cất khoảng 60 tấn tinh dầu. Giá lá quế dao động từ 80.000-100.000 đ/tạ.

Trước đây bà con thu hoạch xong thì lá quế đem đốt hoặc để bừa bãi trong rừng, nay lá quế cũng bán được giá, thành ra cây quế chả bỏ đi thứ nào. Ông Tiến cho hay: Đã lâu rồi chúng tôi không thống kê, nhưng ước tính mỗi năm có khoảng 7.000 - 8.000 tấn quế vỏ được xuất bán ra ngoài. Giá trị của mỗi ha quế ngót 200 triệu chu kỳ 10-12 năm…

Mùa thu hoạch, cả vùng quế đều trở nên tưng bừng, chiều chiều xe thu mua quế đủ các loại biển số: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… nối đuôi nhau chạy kìn kìn khắp các ngả đường. Anh Phạm Văn Tuấn, một đầu mối thu mua quế ở xã Mậu Đông chẳng cần giấu giếm bảo tôi: Gia đình em chuyên thu mua quế tươi rồi phơi khô để bán. Bà con mùa này đang tranh thủ nắng để thu hoạch quế, chỉ ít ngày nữa là hết mùa bóc vỏ. Cũng chẳng mấy hộ phơi khô hết số quế đã bóc, nên họ phải bán quế tươi.

Nếu có nắng, mỗi ngày nhà em cân được chừng hai tấn, tính ra vụ này gia đình em tiêu thụ cho bà con ngót nghét năm, sáu chục tấn. Em cũng chẳng rõ họ xuất quế đi đâu, sang Trung Quốc hay Ấn Độ. Cánh lái xe chiều nay chở hàng xuôi thì chiều mai họ lại có mặt ở đây, có người chở về Bắc Ninh, có người chở lên tận Bắc Giang hoặc về Quảng Ninh, Hải Phòng. Có lần em hỏi, quế xuất đi đâu, họ lắc đầu không biết. Kỳ thực, chúng em chẳng quan tâm việc họ bán đi đâu, giá cả thế nào, chúng em chỉ quan tâm mỗi giá ở đây thôi, được giá là bán. Từ đầu vụ tới giờ, giá ổn định nên cũng mừng cho bà con…

Đối với đồng bào vùng cao, chẳng cây gì mang lại giá trị to lớn như cây quế, bởi thế họ ví cây quế là cây vàng, mùa thu hoạch quế là mùa nhặt vàng trên núi… (Hết)

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm