| Hotline: 0983.970.780

Mưa lũ - bài 'test' thực sự đối với hệ thống đê điều Trung Quốc

Thứ Ba 14/07/2020 , 10:50 (GMT+7)

Mạng lưới phòng chống lũ khổng lồ được ca ngợi hiệu quả thuộc hệ thống sông Trường Giang đang trải qua những ngày thách thức thực sự về khả năng chống chọi với thiên tai.

Mưa lũ triền miên

Các trận mưa lớn từ cuối tháng 5 đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng hoặc mất tích và ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ gia đình ở miền nam Trung Quốc.

Mưa lớn kéo dài bất thường còn gây ra đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong vòng vài thập kỷ qua, ước tính sơ bộ thiệt hại đã lên tới 13,5 tỷ USD.

Một ngôi đền cổ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị ngập lút mái vòm do nước lũ trên sông Dương Tử vẫn tiếp tục lên cao trong ngày 13/7. Ảnh: Chinadaily.

Một ngôi đền cổ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị ngập lút mái vòm do nước lũ trên sông Dương Tử vẫn tiếp tục lên cao trong ngày 13/7. Ảnh: Chinadaily.

Phát biểu với báo chí trong nước cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân cảnh báo, lũ lụt không chỉ tiếp tục gây hậu quả nặng nề đối với hệ thống đê điều trên sông Trường Giang (Dương Tử) ở phía nam mà còn đang đe dọa cả hệ thống sông Hoàng Hà và các tỉnh thành miền bắc.

Ông Diệp Kiến Xuân cũng dự báo, Trung Quốc sắp bước vào giai đoạn phòng chống lũ quan trọng và những trận mưa lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều vùng rộng lớn của đất nước từ nay đến đầu tháng 8. 

Từ đầu mùa mưa lũ tới nay, giới chuyên gia trong nước và quốc tế vẫn liên tục đưa ra những phân tích, nhận định khác nhau liên quan đến tính hiệu quả cũng như năng lực phòng chống lũ lụt và tác động của việc xây dựng các công trình thủy siêu khủng đa mục tiêu của Trung Quốc.

Trong đó đáng chú ý nhất là đập Tam Hiệp có chiều dài 2,3 km, cao 185 m, hiện vẫn giữ kỷ lục là đập thủy điện lớn nhất thế giới chặn ngang sông Dương Tử.

Theo ông Ning Lei, quan chức Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang, Trung Quốc hiện có 40 hồ chứa, bao gồm cả đập Tam Hiệp vẫn có thể đủ năng lực điều tiết dòng chảy và ngăn ngừa lũ lụt. “Sau nhiều năm nỗ lực, lưu vực sông Dương Tử hiện có một mạng lưới kiểm soát lũ toàn diện với hệ thống đê kè và đập Tam Hiệp được coi là xương sống chủ đạo”, ông Ning cho hay.

Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Yang Wenfa, một vị quan chức khác của Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang cho biết, đến nay Trung Quốc đã cho xây dựng hơn 30.000 trạm quan trắc nước lũ dọc sông Dương Tử, có thể cung cấp các dữ liệu giúp chính quyền các địa phương đưa ra dự đoán chính xác. “Hiện chúng tôi có thể đưa ra một kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong vòng từ 3 đến 5 phút” ông Yang nói.

Tuy nhiên ông Fan Xiao, kỹ sư trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên lại nhìn nhận  rằng, hiệu quả thực sự của mạng lưới phòng chống lũ còn phải tùy thuộc vào các đập riêng lẻ và mức độ nghiêm trọng của lượng mưa.

“Một khi lũ lụt vẫn nghiêm trọng do mưa lớn không dứt gây thiệt hại tàn khốc tương tự như hồi năm 1998 khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng thì thật khó để nói rằng hệ thống hồ đập chống lũ hoạt động có hiệu quả ra sao, cho dù đến nay chúng vẫn đang vận hành nhưng chúng tôi chưa chứng kiến một cuộc thử nghiệm thực sự nào”, ông Fan nói.

Vị chuyên gia địa chất này cũng nói thêm rằng, lúc này chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn để tăng cường công tác phòng chống lũ lụt, mà cụ thể là các giải pháp phi công trình như lên kế hoạch sơ tán dân cư và hậu cần.

Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận “lũ lụt nghiệt ngã”

Sau những im lặng kéo dài, cuối tuần qua nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải thừa nhận đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng lũ lụt dữ dội, đồng thời kêu gọi lực lượng cảnh sát vũ trang và quân đội tham gia các nhiệm vụ cứu hộ và cứu trợ.

Binh sỹ quân đội gia cố đê bao thuộc hệ thống sông Trường Giang thuộc tỉnh Giang Tô hôm 9/7/2020. Ảnh: Xinhua.

Binh sỹ quân đội gia cố đê bao thuộc hệ thống sông Trường Giang thuộc tỉnh Giang Tô hôm 9/7/2020. Ảnh: Xinhua.

Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc số ra hôm Chủ nhật (12 tháng 7) dẫn lời ông Tập thừa nhận "tình hình phòng chống lũ đang rất khắc nghiệt".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi "huy động mọi nỗ lực" nhằm cung cấp hàng cứu trợ cho những người nghèo đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt để họ không "rơi vào cảnh thiếu đói vì thiên tai".

Phát biểu trên Đài Truyền hình trung ương CCTV, ông Tập cũng cho biết, mực nước lũ trên các sông Dương Tử và Hoàng Hà cũng như hồ Động Đình, Bà Dương… gần đây đã vượt quá dòng cảnh báo sau khi gây ra lụt lội và vỡ đê bao nghiêm trọng ở hàng loạt địa phương gồm Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô và Chiết Giang, dẫn đến nhiều thương vong và thiệt hại tài sản.

Vị lãnh đạo đảng kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương cũng cảnh báo, đất nước đã bước vào "thời kỳ kiểm soát lũ quan trọng” và kêu gọi cả hệ thống chính trị (các cấp) phải "chịu trách nhiệm" chủ động đối phó và nỗ lực kiểm soát lũ lụt.

Ông Tập cũng ra hiệu lệnh cho chính quyền các địa phương phối hợp với ban ngành chuyên môn tăng cường giám sát và cảnh báo sớm, thường xuyên kiểm tra các mối nguy hiểm ở đê bao và hồ chứa, ứng phó khẩn cấp và sơ tán, di chuyển dân kịp thời ở những khu vực nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó kêu gọi tất cả các địa phương và các ban ngành liên quan phải lên kế hoạch cụ thể và khoa học công tác tái thiết sau thảm họa, khôi phục sản xuất và đảm bảo sinh kế của người dân càng sớm càng tốt.

Theo hộp thư thoại Trung Quốc (CGTN), mưa lũ kéo dài tại 27 tỉnh thành đã làm 37,89 triệu người bị ảnh hưởng cuộc sống, khiến 141 chết, 433 con sông đã vượt qua mốc cảnh báo lũ nguy hiểm.  Lũ lụt đã làm 22.000 ngôi nhà sụp đổ, buộc 1, 721 triệu người phải đi sơ tán và ước thiệt hại kinh tế xấp xỉ 13,5 tỷ USD.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.