| Hotline: 0983.970.780

Mua mới hơn 1.700 xe công: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ Sáu 30/05/2014 , 09:26 (GMT+7)

Trong khi Chính phủ kêu gọi phải cắt giảm chi tiêu, nhưng năm 2012, nhiều Bộ, ngành đã mua mới trên 1.700 xe công, mỗi xe trị giá hàng tỷ đồng.

Chiều qua (29/5), dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, nghị trường tiếp tục “nóng” bởi những góp ý thẳng thắn của các đại biểu (ĐB) khi cho rằng, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 của Chính phủ còn quá nhiều khiếm khuyết, chưa làm rõ nguyên nhân sai phạm kéo dài.

Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN năm 2012 tăng 1,9% so với dự toán được QH quyết định, trong đó thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 127.093 tỷ đồng, đạt 82,6% dự toán.

Chi thường xuyên năm 2012 vượt dự toán 8,3% nhưng một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được QH quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH và gây lãng phí NSNN, như chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 93,5% dự toán;

Chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình đạt 96,4%; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 82,7%; chi sự nghiệp kinh tế đạt 97,1%; chi Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 88%. Đây là các khoản chi trong nhiều năm liên tục không đạt dự toán và đã được QH thường xuyên đề cập trong các kỳ họp.

Không hài lòng bản báo cáo nên ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đã cho rằng, Chính phủ cần rút kinh nghiệm khi làm báo cáo, nhất là con số phát sinh về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 89.689 tỷ đồng nhưng Chính phủ mới đưa vào quyết toán số hoàn thuế GTGT là 70.000 tỷ đồng, thấp hơn số thực tế phát sinh 19.689 tỷ đồng. “Chính phủ cần bổ sung nguyên nhân, lý do khiến cho nhiều năm vẫn để xảy ra tình trạng trốn, nợ đọng kéo dài”, ông Thụ nói.

Đồng quan điểm với nhận định trên, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, nền kinh tế khó khăn nhưng người dân vô cùng bức xúc khi không biết đến bao giờ Chính phủ mới khắc phục được tình trạng thu - chi NSNN chưa nghiêm và tình trạng tiêu cực, trốn thuế xảy ra nhiều địa phương.

Nhất là trong khi Chính phủ kêu gọi phải cắt giảm chi tiêu, nhưng năm 2012, nhiều Bộ, ngành đã mua mới trên 1.700 xe công, mỗi xe trị giá hàng tỷ đồng. Tại sao Chính phủ không làm rõ những khoản chi này liệu có vi phạm kỷ luật chi không, ai chịu trách nhiệm?

Cũng theo bà Võ Thị Dung, hiệu quả đầu tư chưa hiệu quả, có những chương trình đầu tư cả tỷ đồng mà không giải quyết được nhu cầu. Hay tình trạng có địa phương chi vượt tới 30% nhưng có địa phương kết dư ngân sách rất lớn. Chi xã hội đạt thấp, cho giảm nghèo chỉ đạt 52%, khắc phục ô nhiễm môi trường chỉ đạt 17%.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đã đặt ra hàng loạt câu hỏi khiến nhiều ĐB đồng tình. Đó là Chính phủ nói sao khi đây là “bài ca” sai phạm, thiếu sót muôn thuở, năm này đến năm khác? Tại sao nguyên nhân chồng nguyên nhân, sai sót chồng sai sót như vậy? Chính phủ có biết người dân đang mong đợi điều gì từ những chính sách không? Kêu thì cứ kêu, trong khi ngân sách thì giải ngân không hết. Hiện tượng chi sai, chi khống ở nhiều địa phương, trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao cứ để tình trạng thành tích thuộc về tôi, còn sai sót thuộc về chúng ta? Chính phủ hãy làm rõ?

Nhìn nhận ở góc độ người quản lý đã giao việc không đúng đối tượng, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thẳng thắn nói: Chính phủ phải xem lại báo cáo kế hoạch chi tiêu bằng tiền ngân sách hằng năm. Năm nào cũng giao tăng, cuối năm đều hoan hỷ hoàn thành kế hoạch. Phải chăng, Chính phủ chỉ tổng hợp từ những báo cáo đẹp của các địa phương mà không kiểm tra lại?

“Tôi rất băn khoăn khi đi nhiều địa phương đều thấy chỗ nào cũng nói phải bán đất để đầu tư sang lĩnh vực khác. Vậy, tiền NSNN cấp hằng năm theo từng khoản cho các địa phương có chính xác không? Điều này Chính phủ cần tính toán lại và trả lời rõ cho nhân dân được biết”, ông Nam nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển: Sai đối tượng, sai mục đích

Khi thẩm tra về Báo cáo quyết toán NSNN năm 2012 của Chính phủ, ông Phùng Quốc Hiển nhận thấy, Chính phủ đã chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 là 17.669 tỷ đồng, đạt 88% (giảm 2.437 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó có 7/16 chương trình không đạt dự toán được giao; đặc biệt, chương trình khắc phục hậu quả và ô nhiễm môi trường chỉ đạt 27% dự toán. 

Ngoài nguyên nhân do nhiều nhiệm vụ, khối lượng đã thực hiện nhưng chưa đủ thủ tục quyết toán thì một số chương trình tiến độ triển khai chậm, dẫn đến sử dụng NSNN kém hiệu quả. Hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng, sai mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn xảy ra, trong đó có một số chương trình đang là vấn đề bức thiết như giảm nghèo bền vững, ô nhiễm môi trường, việc làm.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.