| Hotline: 0983.970.780

Mùa sứa "mang tiền" đến với ngư dân

Thứ Sáu 06/09/2019 , 10:58 (GMT+7)

Những ngày gần đây, sứa xuất hiện với mật độ dày tại các vùng biển ven bờ Bình Định, ngư dân các làng chài ven biển nô nức đổ xô ra biển đánh bắt sứa kiếm tiền.

Theo ngư dân các làng chài, loài sứa thường xuất hiện từng đợt trong tháng 7 và tháng 8 âm lịch. Từ giữa tháng 7 âm lịch đến nay, sứa sen, loại sứa có màu xanh dương, thân tròn như búp sen, xuất hiện nhiều tại các vùng biển ven bờ. Mỗi đợt sứa xuất hiện là những chiếc thuyền máy, thuyền thúng, cả những chiếc ghe chèo ở các làng chài đều được ngư dân sử dụng hết “công suất” để ra biển tranh thủ vớt sứa.

Ngư cụ dùng để vớt sứa cũng rất đơn giản, chỉ cần vợt, phao, nếu vớt sứa vào ban đêm thì cần thêm chiếc đèn đội trên đầu. Có người hiện đại hơn, dùng thiết bị lặn có gắn bình ô xy để lặn bắt sứa ở tầng nước sâu. Sứa thường xuất hiện vào 2 thời điểm trong ngày, từ giữa đêm đến sáng, hoặc từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

Sứa đưa vào bờ chuẩn bị sơ chế. Ảnh: Đình Thung.

Nhiều ngư dân ở thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cho biết: 3 năm gần đây, sứa xuất hiện đều đặn và rất dày. Sứa đi gần bờ nên vớt chúng rất dễ. Ai có thuyền máy, di chuyển nhanh thì bắt chúng được nhiều hơn; ai bắt sứa bằng phương pháp thủ công như dùng phao, kính lặn thì bắt được ít.

“Dù bắt sứa bằng phương pháp thủ công nhưng có ngày tui cũng vớt được tới 50 - 70kg, có bữa gặp đàn sứa lớn tui đánh bắt được cả gần 2 tạ sứa. Ngư dân các làng chài quan niệm là năm nào sứa xuất hiện nhiều, là năm đó người dân làm ngư nghiệp gặp nhiều may mắn. Do đó, khi sứa xuất hiện, người dân làng chài không chỉ vui vì có cơ hội kiếm được tiền, mà đó còn là niềm vui tinh thần”, ông Trung ở thôn Chánh Lợi phấn khởi nói.

Vụ sứa hàng năm tuy không kéo dài nhưng cũng giúp cho ngư dân các làng chài ven biển Bình Định có thêm khoản thu nhập kha khá. Sứa tươi hiện có giá từ 15.000đ - 20.000đ/kg, sứa muối (đã qua sơ chế) được thương lái thu mua giá cao hơn, từ 50.000đ - 60.000đ/kg. Sứa không chỉ được tiêu thụ tại các chợ trong tỉnh mà còn được các thương lái đưa đi bán ở các tỉnh lân cận và lên Tây Nguyên.

Sứa tươi vừa được ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) đánh bắt. Ảnh: Đình Thung.

Năm nay, vùng biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) là nơi sứa xuất hiện nhiều và liên tục từ giữa tháng 7 âm lịch đến nay. Đưa chiếc thúng chai chứa đầy sứa vào bờ để sơ chế, anh Điền ở thôn Hải Bắc (xã Nhơn Hải) cho biết: “Mọi năm sứa thường xuất hiện ở vùng biển này từ tháng 8 âm lịch trở đi, nhưng năm nay sứa “đến” sớm hơn mọi năm cả tháng, lại xuất hiện nhiều nên bà con làng chài rất  phấn khởi vì kiếm được bộn tiền. Đầu mùa, lúc sứa còn hiếm, sứa đã qua sơ chế có giá 90.000đ/kg, giờ sứa nhiều nên giá giảm còn 60.000đ/kg”.

Sơ chế sứa là phần việc tốn khá nhiều công. Sau khi đưa vào bờ, sứa được cắt phần tai và phần chân riêng ra. Sứa chân có giá cao hơn sứa tai. Sau đó, sứa được phơi ngoài nắng vài giờ, sau đó dùng nước biển rửa sạch, chà hết nhớt, cho vào thùng ướp. Sứa được ướp với phèn chua, để khoảng 1 tuần là dùng được. Sau khi sơ chế, sứa bị hao hụt nhiều, nhưng thịt sứa săn chắc, ăn ngon hơn.

Bún sứa, món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Ảnh: Đình Thung.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, sứa biển là loài nhuyễn thể thân mềm, chỉ xuất hiện ở những vùng biển ven bở và những vùng nước lợ. Tại Bình Định, sứa thường xuất hiện nhiều ở vùng đầm Thị Nại, vùng giao lưu giữa sông và biển và vùng đầm Đề Gi và các khu vực ven biển.

“Ở Quy Nhơn thì sứa thường xuất hiện nhiều ở vùng biển các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý; vùng đầm Đề Gi thì sứa xuất hiện ở vùng biển xã Cát Khánh của huyện Phù Cát và vùng biển các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An của huyện Phù Mỹ.

Ở huyện Hoài Nhơn thì sứa thường xuất hiện ở vùng biển các xã Hoài Hương, Hoài Thanh và Tam Quan Bắc. Mùa vụ chính của sứa bắt đầu từ tháng 8 kéo dài  đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Đến mùa vụ, sứa đi thành đàn, có những đàn lớn nếu ngư dân đánh bắt trúng có thể thu được cả 5 – 6 tạ sứa”, ông Vinh cho biết.

“Người tiêu dùng cho rằng sứa không chỉ có thể chế biến thành nhiều món ngon thú vị, mà còn được cho là bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Sứa có thể chế biến thành món gỏi, nộm sứa, bún sứa… được nhiều người ưa chuộng. Loại sứa này là món đặc sản biển, nhưng hiếm, bởi đến mùa vụ mới có. Bởi vậy, lúc nào sứa cũng bán “đắt như tôm tươi”, bà Hà Thị Nương, một người mua bán sứa ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) chia sẻ.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất