| Hotline: 0983.970.780

Mùa thu Nga - Cảm& luận: Trong nguy nga tráng lệ

Thứ Sáu 02/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Không chỉ bị mê hoặc bởi mùa thu vàng tha thướt nước Nga, tôi còn sững sờ trước vẻ kỳ vĩ của hệ thống tàu điện ngầm Matxcơva - "cung điện dưới lòng đất"./ Nghĩ ngợi dọc đường

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa

Matxcơva lại đã thu rồi

(Mùa lá rụng - Olga Bergon)

196 nhà ga trên hệ thống tàu điện ngầm dài 310km là 196 bảo tàng nghệ thuật.

Chúng tôi xuống tàu điện ngầm từ ga Giải phóng, nơi có quần thể tượng những bà mẹ. Hệ thống thang cuốn đưa hành khách xuống sâu 80m dưới lòng đất. Ngửa cổ ngắm nhìn họa tiết hoa văn, tranh vẽ đủ sắc màu. Làm sao 100 năm trước người ta lại có thể xây được công trình vĩ đại đến thế.

Mỗi nhà ga có một phong cách nghệ thuật khác nhau. Có nhà ga như một thánh đường. Có nhà ga như bảo tàng tranh tượng. Như nhà ga chúng tôi dừng chân có tên Ploshchad Revoluyti được xây dựng từ năm 1938 có những bức tượng khổng lồ, sống động. Có tượng một người và 2 con gà trống mái dưới chân.

Lại có pho tượng người đàn ông nửa đứng nửa ngồi trầm lặng. Tôi thấy ai đi qua cũng xoa tay vào đầu gối pho tượng. Đến nỗi lớp mạ đồng đen ở ngoài đã mòn nhẵn để lộ màu đồng nguyên vàng bóng. “Để cầu may”, bạn tôi vừa giải thích vừa hối chúng tôi làm theo…

Nếu Matxcơva nổi tiếng bởi "cung điện dưới lòng đất" thì Saint Petersburg lại tráng lệ bởi Cung điện lâu đài trên mặt đất và những nhà thờ chóp nhọn củ hành được dát bằng vàng thật; đôi khi trong các căn phòng của nhà thờ, cung điện ta gặp hiện vật là vàng nguyên khối.

Nhà thờ mang tên thánh Isaac Dalmatskiy, thần hộ mệnh của người đã sáng lập ra thành phố Saint Petersburg - Pie Đại đế, là một điển hình. Nhà thờ có độ cao 101m với khoảng 3.000 bức họa được làm bằng cách ghép từng mảnh đá nhỏ vào với nhau. Đặc biệt mái vòm được dát bằng vàng thật (khoảng gần 100kg) ở độ cao gần 100m, với 112 cây cột lớn, cao vút rất điển hình của kiến trúc châu Âu thế kỷ 18-19.

Khởi công xây dựng vào năm 1703, Saint Petersburg toạ lạc trên 42 hòn đảo của châu thổ sông Neva. Sông Neva có hơn 40 chi lưu và gần 20 kênh đào chằng chịt, được nối liền nhau bằng gần 300 cây cầu cổ kính. Toàn bộ bờ sông Neva dài 150km và các kênh đào đều được lát đá hoa cương. Và có lẽ chỉ ở đây mới có thuật ngữ “trễ cầu”. Ấy là khi anh đi về muộn lúc nửa đêm, chiếc cầu Hoàng Cung khổng lồ từ từ tách ra làm đôi, nâng bổng lên hai phía cho tàu bè qua lại và khách bộ hành phải đợi vài tiếng đồng hồ.

Saint Petersburg, nổi tiếng nhất về tráng lệ nguy nga phải kể đến Cung điện Mùa Hè, được xây dựng vào năm 1710. Tại đây có các lâu đài nguy nga lộng lẫy, các khu rừng xanh ngắt với hơn 10 nghìn cây xanh các loại, các công viên tráng lệ trải dài trên một diện tích rộng hàng trăm héc ta.

Đặc biệt, với hệ thống 3 thác nước, 144 đài phun nước muôn hình muôn vẻ, ốp vàng độc nhất vô nhị trên thế giới, hơn 200 tượng trần truồng như tạc bằng vàng ròng ôm đài phun nước. Nước đổ xuống sông đào thông ra vịnh Phần Lan. Không hiểu bằng cách nào mà 300 năm trước người ta đã thiết kế được hệ thống phun nước này.

Nước được dẫn từ đỉnh núi, không dùng máy móc thiết bị, theo nguyên lý bình thông nhau không bao giờ khô hạn, cấp cho đài phun nước suốt ngày đêm phủ bức màn trắng tinh khôi lên những bức tượng vàng đã trăm năm. Không có gì là trọc phú, xa hoa, lãng phí. Không có gì là kiêu bạc, lạnh lùng. Tất cả chỉ toát lên vẻ kiêu sa, diễm lệ, khiến du khách phải thẫn thờ, ngả mũ vái lạy tiền nhân.

Không thua kém Cung điện Mùa Hè là Cung điện Mùa Đông được xây dựng vào những năm 1754 - 1762, đây là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của St.Petersburg trên khuôn viên rộng đến 90.000 m2. Công trình được xây bằng đá hoa cương của Ý, Phần Lan. Nội thất trong cung điện là những căn phòng có kiến trúc độc đáo. Giờ đây, Cung điện Mùa Đông là tòa nhà chính trong bảo tàng Ermitage.

Viện bảo tàng nghệ thuật lớn nhất nước Nga và thứ ba thế giới. Ermitage trưng bày 3 triệu hiện vật, gồm những tác phẩm nghệ thuật qua các thời đại và những cổ vật của các nền văn hoá xa xưa.

Dẫu được cảnh báo muốn xem hết các phòng phải đi chặng đường dài 24km. Dừng lại trước mỗi hiện vật một phút phải mất 6 năm. Và nếu có niềm đam mê nghệ thuật thì khi vào đây 18 tuổi, nghiên cứu xong các hiện vật, bước ra khỏi bảo tàng, râu tóc mình đã bạc phơ ở tuổi bát tuần. Kinh! Nhưng ít nhất đã có 8 người như thế.

Tôi cứ đi. Nửa ngày chìm trong không gian nghệ thuật, nghe giảng giải về các trường phái, các thời kỳ Phục hưng, Khai sáng; phong cách các danh họa lừng danh. Choáng ngợp trước sắc màu biếc xanh phòng khổng tước; vàng đỏ chói chang trong u trầm cổ kính của tranh tượng, tôi bỗng sững sờ trước màu trắng tinh khôi của váy cưới cô dâu đang khoác tay vị hôn phu của mình hân hoan cùng bè bạn ngắm xem các kiệt tác nghệ thuật của bảo tàng. Nghệ thuật giao thoa với hiện thực đời sống sang trọng đến thế là cùng.

Chúng tôi thuê một chuyến tàu chạy dọc sông Neva để ngắm toàn cảnh bảo tàng Ermitage trải dài chừng 200m. Ánh ngày đang xuống. “Ngôi sao cháy bùng trên sóng Neva/ Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà” - Olga Bergon. Nữ thi sĩ Olga Bergon - Nàng thơ của thành Len (tên gọi cũ của Saint Petersburg) trong những năm chiến tranh Vệ quốc 1941-1945.

Giọng đọc chân thành của chị trên đài phát thanh thành phố đang bị bao vây đã nâng được những con người kiệt sức đứng lên cầm cự với giặc suốt 900 ngày đêm trong đói khát, đạn bom và dịch bệnh. Bây giờ tôi đến đây để cảm nhận những gì chị viết về mùa thu Nga, về tình yêu đất nước, con người: “Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi/ Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất”.

Nước Nga, tôi sẽ còn trở lại!

Tháng 9/2015

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm