| Hotline: 0983.970.780

Mưa to lại gây ra lũ ống ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Thứ Tư 16/08/2017 , 13:27 (GMT+7)

Do mưa lớn, nhiều thủy điện tại hai huyện Bắc Hà và Bảo Yên là: thủy điện Bắc Hà, thủy điện Vĩnh Hà (Lào Cai) đã phải xã lũ...

Lào Cai: Mưa lớn, nhiều thủy điện phải xả lũ

Ngày 16/8, ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 15/8, nhiều nơi tại Lào Cai có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa trung bình đo được từ 40mm, huyện Mường Khương mưa rất to 120,8mm. Mực nước trên sông Hồng và sông Chảy ở dưới mức báo động 1.

12-53-29_2
Nhiều tuyến đường tại Lào Cai bị sạt lở, gây ách tắc giao thông

Do mưa lớn, nhiều thủy điện tại hai huyện Bắc Hà và Bảo Yên là: thủy điện Bắc Hà, thủy điện Vĩnh Hà đã phải xã lũ với lưu lượng lần lượt 1235 m3/s – 1380 m3/s.

Mưa lớn khiến 16 nhà dân tại hai huyện Mường Khương và Si Ma Cai bị đất đá sạt lở vào gây hư hỏng, ngập nước. Về SXNN, thiệt hại nặng nhất là huyện Mường Khương: lũ cuốn trôi 11ha lúa, gần 100ha lúa bị ngập cục bộ, nhiều diện tích ngô của người dân cũng đang bị ngập úng.

Mưa lớn cũng gây lũ ống, đổ xuống cắt ngang quốc lộ 4D, làm ách tắc giao thông tại khu vực xã Thanh Bình, huyện Mường Khương. Các phương tiện và người tham gia giao thông tại đây bị ngừng trệ cục bộ, do nước lớn chảy qua ngầm chìm rất nguy hiểm. Nhiều giáo viên và học sinh đã không đến được trường học để chuẩn bị cho ngày tựu trường, khai giảng năm học mới. Cũng tại huyện này, mưa lớn đã làm sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá, vùi lấp đường liên xã Nậm Chảy, gây ách tắc giao thông.

Tại huyện Si Ma Cai, nước mưa từ các sườn núi đổ xuống làm ngập úng Trường THCS Si Ma Cai, khiến các giáo viên và học sinh tại đây phải rút lên tầng cao “cố thủ”, chờ nước rút mới dời khỏi trường để bảo đảm an toàn.

12-53-29_1
Trường THCS Si Ma Cai (Lào Cai) chìm trong lũ bùn

Tổng thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
 

Sơn La: 100% số học sinh tại Mường La sẽ đến trường đón năm học mới

Theo báo cáo của huyện Mường La, tỉnh Sơn La, trận mưa lũ khủng khiếp đầu tháng 8 vừa qua đã làm gần 600 hộ dân bị ảnh hưởng, 419 nhà phải di chuyển. Trong đó, 179 hộ dân đã bị cuốn trôi hoàn toàn.

Tính đến ngày 14/8, đã tìm được 12 thi thể, hiện đang tiếp tục tìm kiếm 3 người bị mất tích do lũ cuốn. 13/15 người bị thương điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường La đã xuất viện. Cầu Nặm Păm – nơi từng bị lũ cuốn phăng đã thông xe trở lại. Hệ thống điện, viễn thông cấp cho thị trấn Ít Ong và các xã Hua Trai, Chiềng Lao, Mường Trai, Pi Toong… đã được khắc phục, bảo đảm thông tin liên lạc.

Tại xã Nặm Păm, nơi thiệt hại nặng nhất sau cơn lũ, 57 hộ dân bản Hốc đã được bố trí tái định cư. Bản Hốc có 52 hộ dân bị cuốn trôi hoàn toàn, 3 người chết do lũ cuốn trôi và 10 hộ phải di dời khẩn cấp. Hiện nay, các đơn vị thi công đang tiến hành lắp ghép nhà cho 57 hộ dân. Mỗi căn nhà có diện tích 42 m2 trên tổng nền 250 m2, tổng giá trị mỗi căn là 70 triệu đồng.

Hiện nay, ngành giáo dục huyện Mường La cũng đang ngày đêm nỗ lực khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, trường lớp để ít ngày nữa đón năm học mới 2017 – 2018.

12-53-29_3
Các đoàn cứu trợ mang đồ dùng học tập cho học sinh tại Mường La (Sơn La)

Ông Nguyễn Hữu Niên, Phó Phòng GD-ĐT huyện Mường La cho biết, lũ quét qua làm sập đổ hoàn toàn Trường Tiểu học Nặm Păm và một số điểm trường lẻ; gây sạt lở, sập đổ tường, tràn đất đá vào sân trường THCS Nặm Păm, Mầm non Nặm Păm. 10 đơn vị trường ở các xã: Chiềng Công, Ít Ong, Chiềng Lao, Chiềng San, Chiềng Muôn, Chiềng Ân… cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ.

Phòng đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành chia làm 3 lực lượng cùng với các hộ dân sở tại khắc phục hậu quả sau lũ. Đồng thời, cử hơn 300 giáo viên của huyện Mường La đến các bản bị ảnh hưởng, bị cô lập để động viên các em học sinh đến trường.

Để đảm bảo các điều kiện năm học 2017 – 2018, Phòng GD-ĐT huyện Mường La bố trí tạm thời giãn lớp đối với Trường Tiểu học Nặm Păm về học tại các điểm lẻ. Bố trí 61 học sinh trường Mầm non Nặm Păm ở điểm trường bản Piệng bị lũ cuốn trôi học tạm tại Nhà văn hóa bản Piệng.

Huyện đang tập trung sửa chữa, gia cố lại nhà bán trú nhà lớp học của Trường THCS Nặm Păm để phục vụ cho việc dạy và học của 2 đơn vị trường. Đối với các đơn vị trường còn lại, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị dọn dẹp đất đá tràn vào sân trường, dựng tạm tường rào bị đổ và xây lại tường bao... Hiện, các nhà trường đã có thể tổ chức khai giảng năm học mới theo đúng kế hoạch.

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Để đảm bảo kế hoạch khai giảng năm học mới, huyện đã chỉ đạo các trường học khẩn trương khắc phục cơ sở vật chất trường, lớp và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công 19 phòng học lắp ghép tại các điểm trường trung tâm và điểm bản. Đối với sách vở, đồ dùng học tập, huyện đã vận động các nhà tài trợ giúp đỡ và vận chuyển đến các trường, điểm trường. Ông Thành khẳng định, lễ khai giảng năm học 2017 – 2018, 100% số học sinh tại Mường La sẽ đến trường đúng kế hoạch.
 

Điện Biên: Cứu 3 người dân bị cô lập trên lán

Đêm 15/8, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Điện Biên đã cứu được 3 người dân bị cô lập vì ngập lụt tại bản Na Ten, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Được biết, do trận mưa lớn kéo dài từ sáng 15/8 làm mực nước suối Nậm Núa dâng cao thêm 2 mét và chảy xiết khiến 3 người dân đi làm nương về bị cô lập tại lán ven suối từ khoảng 16 giờ cùng ngày.

Nhận được thông tin, huyện Điện Biên đã huy động lực lượng, phối hợp với chính quyền xã Pom Lót, Lữ đoàn 82 (Quân khu II) dùng xuồng máy tìm kiếm và cứu được 3 người dân.

12-53-29_4
Đất đá sạt vào nhà dân gây vùi lấp tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên)

Cũng theo thống kê của huyện Điện Biên, mưa lớn ngày 15/8 đã gây ngập lụt và lũ ống, lũ quét trên sông, suối khiến 1 nhà dân tại bản Hua Pe, xã Thanh Luông bị sạt lở. Cầu Nà Nhạn, xã Nà Nhạn bị sập mặt cầu. Nhiều diện tích SXNN của người dân các xã: Noong Hẹt, Pom Lót, Thanh Luông, Nà Nhạn, Mường Phăng, Nà Tấu... bị ngập úng sâu.

Tại huyện Tuần Giáo, do mưa lớn kéo dài, vào khoảng 16h30 ngày 15/8, tại thị trấn Tuần Giáo đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất nghiêm trọng. Gần 100 m3 đất, đá đã sạt lở vào nhà 2 hộ gia đình Ông Lường Văn Tiến và ông Đặng Xuân Khang làm thiệt hại bếp, công trình phụ, phòng ngủ và nhiều tài sản khác. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 200 triệu đồng.

Ngay sau đó, 2 hộ dân này được di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Hiện đơn vị này đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục chủ động phòng ngừa sạt lở và tránh xa khu vực nguy hiểm vì vẫn đang có mưa lớn kéo dài.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.