| Hotline: 0983.970.780

Mùa vàng ở dự án "treo"

Thứ Hai 25/03/2013 , 10:07 (GMT+7)

Nửa năm sau khi Dự án sân gôn ở xã Mỹ Phú (Thủ Thừa, Long An) được xóa bỏ, 4 tháng sau khi dự án Cụm công nghiệp Gemadeft ở xã Nhơn Thạnh Trung (TP Tân An, Long An) bị thu hồi, những hộ nông dân từng có đất bị quy hoạch vào những dự án trên đang tận hưởng niềm vui từ một vụ lúa "vàng".

Nửa năm sau khi Dự án sân gôn ở xã Mỹ Phú (Thủ Thừa, Long An) được xóa bỏ, 4 tháng sau khi dự án Cụm công nghiệp Gemadeft ở xã Nhơn Thạnh Trung (TP Tân An, Long An) bị thu hồi. Những hộ nông dân từng có đất bị quy hoạch vào những dự án trên đang tận hưởng niềm vui từ một vụ lúa đông xuân trúng mùa và không còn phấp phỏng nỗi lo mất đất.

Trúng mùa trên “sân gôn”

Cánh đồng ấp 4, xã Mỹ Phú, nơi từng được quy hoạch làm sân gôn, đã vào cuối vụ thu hoạch lúa đông xuân. Phần lớn các mảnh ruộng đã thu hoạch xong, trên mặt ruộng chỉ còn trơ lại những gốc rạ. Tìm mãi, tôi mới thấy một đám ruộng đang thu hoạch. Mặt ruộng phẳng và khô, nên chiếc máy gặt đập liên hợp chạy qua chạy lại khá nhẹ nhàng. Chẳng mấy chốc, lúa trên đồng đã không còn một cây nào.

“Đất này tốt lắm, là đất thịt nạc, lại bằng phẳng. Trồng lúa tốt mà lúc thu hoạch cũng thuận tiện, dễ dàng. Dân cắt lúa tụi tôi khoái cắt ở những ruộng như thế này lắm”. Đó là lời của anh Ba Thạch, một người trong nhóm thợ cắt lúa.

Tôi hỏi: “Ruộng này năng suất lúa đạt không anh?”. Anh Thạch gật đầu: “Đạt chứ. Mỗi công 900 ký, một mẫu là 9 tấn”. Đang đứng xem nhóm thợ cắt lúa làm việc, anh Trần Văn Vũ, nông dân ấp 4, hồ hởi chen vào câu chuyện: “Đất ở đây mà làm lúa, vụ đông xuân nhà nào đạt năng suất thấp cũng phải 8 tấn một ha. Nhiều nhà đạt tới 9-10 tấn”.

Tôi tạt vô một gia đình nông dân gần đó. Đó là gia đình ông Ngô Bửu Điền (ấp 4). Cả nhà ông Điền đang cùng sửa sang nhà cửa. Tôi thắc mắc: “Nhà chú thu hoạch lúa xong chưa mà đã sửa nhà rồi?”. Ông Điền cười: “Thu hoạch xong hết từ mấy ngày trước rồi. Nhà tui có nhiều ruộng đâu, chỉ 8 công thôi à. Mướn máy gặt đập liên hợp tới cắt một lúc là xong thôi”. “Năng suất cao không chú?”. “Cũng được, mỗi công lúa tôi thu 40 giạ, là 800 ký. Một ha đạt 8 tấn lúa. Nhà tui vậy là thấp hơn mấy nhà khác quanh đây. Họ toàn trên 9 tấn không à”.

“So với khi vẫn đang là đất quy hoạch sân gôn, năng suất vụ này ra sao?”. Ông Điền nói liền: “Thì vẫn thế, năm nào cũng trúng mùa, kể cả trước khi vô quy hoạch, khi bị quy hoạch hay khi đã bỏ quy hoạch trả lại đất cho dân. Đây là đất thịt nạc, lại sẵn nguồn nước của rạch Chanh dẫn vô đến tận ruộng, trồng lúa lúc nào chẳng trúng. Mà cũng may là hệ thống thủy lợi nội đồng, đường đào đắp suốt từ sau năm 1975 đến trước khi quy hoạch sân gôn được phê duyệt, vẫn còn được giữ nguyên vẹn nên trồng lúa vẫn thuận lợi như xưa”.


Thu hoạch lúa trên “sân gôn” xã Mỹ Phú

“Nhưng khi đất đã hết bị quy hoạch rồi, chú có thấy gì vui hơn không?”. “Có chứ. Mấy năm trước, khi đất ruộng của mình nằm trong quy hoạch sân gôn, tuy vẫn được làm lúa bình thường vì người ta mới chỉ kê biên mà chưa bồi thường, thu hồi, nhưng vừa làm vừa lo chẳng biết vụ tới có còn được làm lúa nữa hay không. Bởi vậy, tuy năm nào cũng trúng mùa, nhưng trong lòng chẳng vui vẻ gì mấy. Còn bây giờ, ruộng đất không còn bị quy hoạch nữa, đương nhiên là niềm vui trúng mùa được nhân lên nhiều vì biết chắc rằng những vụ sau cả nhà vẫn tiếp tục được làm lúa, tiếp tục trúng mùa như vầy”.

Nói rồi, ông Điền chỉ tay vô ngôi nhà mà cả nhà ông đang bận bịu sửa sang: “Mấy năm qua, do bị quy hoạch, cái nhà này có nhiều chỗ hư hỏng mà chẳng sửa sang gì được. Bây giờ quy hoạch bị xóa rồi, tôi mới yên tâm bỏ tiền bạc ra sang sửa lại ngôi nhà này đấy”.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú cũng vui lây với niềm vui của những hộ nông dân vừa được gỡ cái “ách” sân gôn ở ấp 1 và ấp 4. Chẳng cần phải giở sổ sách, ông Tịnh nói ào ào: “Vùng ruộng đất từng bị lấy vào quy hoạch sân gôn là đất 2 vụ lúa. Ở đó đều là đất ruộng tốt, tốt không kém gì so với những vùng trồng lúa khác trong xã. Vụ này, năng suất lúa ở khu vực đó từ 8 đến 8,3 tấn/ha. Nhiều ruộng đạt tới 10 tấn/ha. Vụ này, do đã hết bị quy hoạch treo nên nông dân yên tâm đầu tư hơn vào sản xuất lúa. Đại đa số diện tích được bà con trồng nếp.

Năm nay, dù giá lúa thường xuống thấp, nhưng giá nếp vẫn cao, khoảng 6.100 đ/kg. Vì thế, nông dân có lợi nhuận lớn. Nhà nào có 1 ha đất ruộng cầm chắc khoản lời 30 triệu đồng. Cũng vì đã được xóa quy hoạch, dân không còn bị cấm xây cất, sửa sang nhà cửa, chuồng trại như trước nữa nên sau khi thu được nhiều tiền từ vụ nếp đông xuân trúng mùa, được giá, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà cửa, làm chuồng trại, làm ao để nuôi heo, nuôi gà, thả cá. Bởi vậy, theo tôi, việc xóa quy hoạch sân gôn, trả lại đất cho dân ấp 1, ấp 4 yên tâm làm ruộng lâu dài là một quyết định sáng suốt”.

Và trên đất công nghiệp

Dự án Cụm công nghiệp Gemadeft có diện tích 80 ha, nằm trên địa bàn xã Nhơn Thạnh Trung (TP Tân An, Long An) là một dự án “treo” vào hàng “cựu trào” ở tỉnh này. Nó “treo” lâu tới nỗi cả cán bộ xã lẫn người dân ấp Bình Trung (nơi bị quy hoạch vào cụm công nghiệp này) chẳng ai nhớ rõ thời gian “treo” đã bao lâu. Có người ước khoảng chục năm, có người lại bảo đã mười mấy năm rồi.

Vì thế, hồi cuối năm ngoái, khi tỉnh Long An quyết định thu hồi cái dự án “treo” này, người dân ấp Bình Trung ai cũng thở phào như vừa thoát khỏi vòng “kim cô”. Họ càng vui hơn nữa khi chính quyền địa phương đã cho tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc nên trả lại đất để dân tiếp tục sản xuất lúa ổn định, lâu dài hay tiếp tục giữ quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư khác. Và ý kiến của hầu hết người dân là mong tỉnh xóa hẳn dự án, trao trả lại đất cho dân làm ruộng lâu dài.

“Đương nhiên chúng tôi muốn được trả lại đất để tiếp tục làm ruộng như trước đây. Đất ruộng ở đây toàn là đất thịt nạc, làm lúa 3 vụ tốt lắm, vụ nào cũng đạt năng suất cao. Đã thu hồi dự án thì tỉnh nên trả lại đất cho dân tiếp tục yên tâm làm ruộng. Đất này mà đem làm công nghiệp thì phí lắm”. Đó là lời của ông Mai Văn Nhường, một người dân ở ấp Bình Trung.

Ông Thái Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh Trung: “Đất lúa bị lấy vào 2 dự án treo nói riêng cũng như đất lúa ở Nhơn Thạnh Trung nói chung, đều là đất tốt, năng suất lúa cao, bình quân trong vụ đông xuân là 7-7,5 tấn/ha. Vì thế, khi họp lấy ý kiến dân, hầu hết người dân đã đồng tình đề nghị tỉnh xóa hẳn quy hoạch này, trả lại đất cho dân tiếp tục làm lúa lâu dài. Chúng tôi đã gửi đề nghị ấy lên trên. Đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức, nhưng qua thông tin mà tôi nghe được thì ở trên đã đồng ý sẽ xóa hẳn quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn xã, trả lại đất cho dân”.

Lúc ấy, ông Nhường đang đứng bên cánh đồng từng thuộc cái dự án “treo” mang tên Gemadeft, mà trong đó có mảnh ruộng rộng 1,4 ha của gia đình ông. Lúa trên đồng đã thu hoạch gần xong. Cũng như bên xã Mỹ Phú (Thủ Thừa), mặt ruộng ở đây phẳng và khô ráo nên những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động khá dễ dàng.

Đưa tay nâng lên vài bông lúa vàng sậm, trĩu hạt, ông Nhường nói: “Chú xem, bông nào cũng đầy hạt nè. Ruộng này năng suất phải tới gần một tấn trên mỗi công đất, không thua gì những ruộng đã thu hoạch xong. Nhờ trúng mùa như thế, nên dù giá lúa năm nay xuống thấp, chỉ gần 5.000 đ/kg, nhưng nông dân ở đây vẫn có lời, mỗi công lời khoảng trên 1 triệu đồng. Nếu giá lúa mà vẫn ngon như vụ đông xuân trước, thì còn lời lớn hơn nữa”.

Ông Bảy Nhưỡng, một nông dân đang đứng gần đó, góp chuyện: “Dù vẫn còn chưa biết tỉnh có đồng ý xóa hẳn dự án cụm công nghiệp ở đây hay không, nhưng khi hay tin cái dự án treo Gemadeft bị thu hồi là chúng tôi đã mừng, đã có hy vọng rồi. Bởi thế, vụ lúa này, ai cũng thấy vui hơn trước. Nói thiệt với chú, nếu được tỉnh trả lại đất để làm ruộng lâu dài, niềm vui có khi còn lớn hơn cả trúng số, vì như vậy là không còn phải lo di chuyển đi nơi khác, là vẫn còn đất ruộng rất màu mỡ để sinh sống từ đời này qua đời khác”.

Ông Thái Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh Trung, cho biết, ngoài Cụm công nghiệp Gemadeft, trên địa bàn xã cũng có một dự án “treo” đã bị thu hồi, đó là khu tái định cư Nhơn Thạnh Trung, có diện tích gần 20 ha. Cả hai dự án “treo” vào loại lão làng này đều “ăn” vào đất lúa 3 vụ. 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm