| Hotline: 0983.970.780

Mùa vàng trên thung lũng Rục Làn

Thứ Tư 20/07/2011 , 11:50 (GMT+7)

Trên cánh đồng Rục Làn rộng gần 10 ha rực lên màu vàng lúa chín. Hơn chục chiến sỹ đồn biên phòng Cà Xèng cùng bà con hăng say gặt lúa.

Trên cánh đồng Rục Làn rộng gần 10 ha rực lên màu vàng lúa chín. Hơn chục chiến sỹ đồn biên phòng Cà Xèng cùng bà con hăng say gặt lúa. Đứng bên vạt lúa trĩu bông, ông Cao Thuỳnh thốt lên: "Từ nay bà con bản Rục tự túc được gạo ăn rồi. Miềng cũng có trách nhiệm động viên nhiều nhà tham gia làm ruộng để có thóc lúa đựng trong nhà chớ".

>> Thích hang hơn nhà
>> Người Rục và hành trình hồi sinh

1. Thiếu tá, đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng Trịnh Thanh Bình đưa chúng tôi ra cánh đồng Rục Làn. Vừa đi, anh vừa kể: Bội đội biên phòng mời 3 trưởng bản của các bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) tới họp việc làm lúa nước. Cán bộ nói mỏi miệng nhưng các trưởng bản vẫn nghe "chưa lọt lỗ tai", phải nói lại từ đầu. Nói mãi cũng nghe ra. Nhưng khi hỏi ai xung phong làm lúa nước giơ tay đăng ký thì chẳng có ai đưa tay lên.

Ông Cao Văn Đàn, trưởng bản Mò O Ồ Ồ đứng dậy thủng thẳng: Thì cán bộ cứ mần trước cho đồng bào xem rồi đồng bào làm theo thôi. Còn cán bộ làm lúa không hạt thì đồng bào không làm đâu.

Bà con chưa tin là phải, với đồng bào Rục, lúa nước là thứ xa lạ mà tổ tiên họ chưa bao giờ tận mắt thấy. Mấy năm trước đây, Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Bình đưa cán bộ vào cắm bản, cầm tay chỉ việc cho đồng bào, đưa cả máy cày loại nhỏ vào để làm mẫu cho bà con xem; cả bản đứng bên bờ ruộng xem, cười nói rôm rả. Cán bộ cũng vui vì cứ ngỡ bà con hiểu và làm được.

Nhưng rồi sau đó, trên những thửa ruộng nhỏ, cỏ hoang mọc lấn. Khi lên kiểm tra, cán bộ hỏi dân bản sao không nhổ cỏ, chăm bón cho lúa? Bà con thản nhiên trả lời: "Cán bộ trồng lúa thì nhổ cỏ luôn. Miềng coi cán bộ nhổ có được không. Miềng thì chịu thôi. Nhổ cái cây rừng lớn hơn thì được, chứ nhổ cái cỏ nhỏ thì khó làm lắm".

2. Để thuyết phục được bà con, dự án ngăn nước từ Rục Làn và hệ thống kênh mương dẫn về tưới tiêu cho ruộng hoàn thành. Bộ đội chia thành từng tổ vận động bà con tham gia vỡ hoang, làm đất. Ban đầu, bà con nhìn bộ đội, cán bộ làm, sau đó thì được bắt tay chỉ việc. Đến lạ, tiếng là bà con quen với dao rựa, cuốc xẻng nhưng khi trực tiếp cầm vào cuốc, cày thì lạ lẫm và lóng ngóng lắm.

Đám thanh niên khoẻ nhưng không biết làm. Có khi cứ bổ cuốc vào chân đến toé máu. Những đêm trăng sáng, bộ đội lại vận động bà con ra đồng để kịp thời vụ. Việc tập tành cho bà con cày bừa cũng lắm chuyện vui. Người sáng dạ nhất như ông Cao Thuỳnh bị cán bộ kè kè giám sát. Có hôm, bò kéo khoẻ quá, ông Thuỳnh luống cuống la hét. Bò hoảng bỏ chạy kéo luôn cả cày lẫn ông Thuỳnh xuống khe nước. Ông Thuỳnh cứ nắm chặt chuôi cày vì sợ gãy, miệng thì kêu váng: “Xong rồi, xong cày rồi vớ”, làm đám thanh niên cứ cười lăn cười lộn.

Khi có được người cày ruộng rồi, cán bộ đồn tiếp tục vận động bà con làm phân bón ruộng. Trước đây, cả mấy bản lúc nào cũng trong tình trạng phân trâu, bò đầy đường, quanh nhà. Mùi hôi cứ như quánh lại bao vây tất thảy nhà cửa, con người. Thiếu tá Lê Thanh Hà, đồn phó cứ tủm tỉm: “Nói với dân thì phải làm chứ không làm là không xong. Mỗi sáng, bộ đội chia nhau đi các bản xúc hết phân, đào hố xa khu dân cư và ủ cùng với lá rừng. Thấy bộ đội làm cho bản sạch, đường sạch, môi trường không còn hôi thối thì dân bản làm theo. Sau đó, cứ chấm công cho từng hố phân nên bà con tự giác dần lên. Giờ thì không còn cảnh xú uế vì phân trâu bò nữa rồi”.

Để bà con có thói quen đi làm, bộ đội tổ chức bà con thành tổ để dễ quản lý. Thiếu tá Bùi Đức Sử được phân công làm tổ trưởng tổ bản Mò O Ồ Ồ. Anh cho hay, cứ mỗi sáng anh lại về bản đánh kẻng báo cho mọi người dậy đi làm. Hình thức tổ chức tương tự như mô hình đội sản xuất của HTX trước đây. Sáng, phân công việc cho bà con, ai cày bừa, ai be bờ, người đắp đập... và phải chỉ tận tay. Cuối ngày, bà con chấm công ghi vào sổ. Lúc đầu còn khó khăn nhưng dần dà bà con cũng tự giác.

Ông Trần Trực ở bản Yên Hợp được bộ đội hướng dẫn cho nắm bắt kỹ thuật ngâm ủ giống, gieo giống để tiếp tục dạy lại cho bà con. Ngày ra gieo lúa, bà con cả ba bản đều đến xem. Bộ đội cầm thúng giống vãi đều trên ruộng, ông Trần Trực lội theo sau, mắt quan sát tay bộ đội làm, tai nghe lời giải thích. Gieo được rồi, lại tiếp tục hướng dẫn cho bà con tập làm. Bà Cao Thị Nhện ở bản Yên Hợp gieo xong được mấy bụm thóc giống vui lắm, nói không ngớt: “Ui chao, khó hơn ném ngô cho gà à. Làm được rồi à. Thích lắm!”.

3. Khi lúa trổ đồng, bà con bản Rục đứng trên bờ nhìn và chờ xem. Đến giữa tháng 6, lúa đã kết hạt chắc mẩy. Ngày gặt, chiến sĩ đồn biên phòng Cà Xèng đi mua liềm ở chợ huyện về chia cho dân. Dàn hàng ngang trên ruộng, mỗi chiến sỹ kèm một người dân để hướng dẫn cách cầm liềm, gặt sao cho gọn, cho khỏi rơi vãi bông lúa. Lâu lâu lại có người kêu ré lên vì bị liềm cắt vào tay chảy máu. Nhưng chẳng ai sợ. Cứ có người lên bờ nghỉ là có người khác xuống thay. Ai cũng muốn được thử cầm liềm gặt lúa cho biết "sự lạ trong đời". 

Thu hoạch lúa xong, Đồn Biên phòng Cà Xèng tổ chức chia sản phẩm cho bà con theo ngày công. Trung bình mỗi ngày công bà con được nhận 10kg thóc. Nghe tin được chia thóc, bà Cao Thị Lựu (bản Mò O Ồ Ồ) phấn khởi: “Ui dà. Nhà miềng làm được 80 công thì có lúa nhiều không?”. Thiếu tá Bùi Đức Sử đứng bên cạnh tính hộ bà: “Vậy là được 8 tạ thóc đấy, thành 16 bao thóc to mà. Nếu vụ tới mà gia đình tham gia làm ruộng nhiều hơn thì được chia nhiều thóc nữa bà ạ”.

Thiếu tá Trịnh Thanh Bình cho biết:

“Vụ lúa sau, anh em chiến sĩ sẽ động viên bà con khai hoang, mở rộng đất để giúp đồng bào Rục trồng lúa nước. Hướng tới sẽ khai hoang thêm hàng chục héc - ta để đồng bào đủ đất sản xuất. Bài toán lương thực cho người Rục, dù chưa hết khó khăn nhưng đã bắt đầu có lời giải. Chúng tôi cũng đề nghị với chính quyền địa phương phối hợp tổ chức thành lập HTX sản xuất và các tổ, đội sản xuất để dần đưa bà con vào nề nếp, quy tắc trong lao động”.

Riêng gia đình ông Cao Thuỳnh được 180 công thì không giấu được niềm vui: “Nhà mình được 1,8 tấn thóc luôn à. Sướng cái bụng rồi. Chắc phải chia lại cho nhà thằng Cao Vè mấy bao vì nó ốm không được nhiều công mà”. Lần đầu tiên nhiều hộ gia đình nơi đây được nhận gần cả tấn thóc như gia đình Cao Hà, Cao Bàng, Cao Man…cứ rối rít vui, rối rít chuẩn bị bao bì đựng thóc.

"Đây là vụ lúa đầu tiên của bà con người Rục nhưng năng suất lên đến hơn 40 tạ/ha. Với năng suất như vậy, lúa của bà con ở thung lũng này còn cao hơn nhiều nơi khác ở đồng bằng trong tỉnh. Cái đói giáp hạt đời này qua đời khác đã chấm dứt ở đồng bào Rục rồi”, đồn trưởng Trịnh Thanh Bình hồ hởi. Cũng theo anh Bình, cái được lớn lao nhất là thay đổi được tư duy ỉ lại vào hỗ trợ của Nhà nước bằng tư duy lao động tự chủ để có cái ăn của đồng bào Rục.

Mặt trời vừa ló rạng bằng con sào, cả bản Mò O Ồ Ồ như bừng tỉnh bởi tiếng cười, tiếng nói vui trên cánh đồng lúa vàng rực giữa thung lũng dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Nhà có ruộng gặt sớm nhất là ông Trần Trực. Lúa gặt sớm hôm trước lại có nắng phơi nên có gạo ăn. “Trưa nay mời bà con và cán bộ về nhà miềng ăn cơm gạo mới hè”, tiếng ông Trần Trực hể hả oang oang giữa đồng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm