| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân, mơ về hoa Bioóc Cà

Thứ Ba 24/01/2012 , 11:32 (GMT+7)

Loài hoa đặc trưng cho núi rừng Pác Bó là gì? Tôi có thể trả lời ngay: Đó là hoa Bioóc Cà và tôi sẽ “khẳng định” chắc chắn điều đó đúng ở dưới đây.

Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Pắc Bó
Xuân về muôn hoa đua nở. Mỗi một vùng miền có một loài hoa đặc trưng riêng góp vào vườn hoa đất nước muôn sắc, ngàn hương: Miền Bắc là hoa đào đỏ thắm, miền Nam có mai vàng rực rỡ, miền Tây Bắc có hoa ban, miền Đông Bắc có hoa mận, hoa mơ... Nhà thơ Tố Hữu đã viết về mùa xuân năm 1941, giờ phút Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó - Cao Bằng) trong sắc hoa xuân rực rỡ.

Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

(Theo chân Bác)

"Trắng rừng biên giới nở hoa mơ” - Đọc thơ, nhiều người nghĩ, loài hoa đặc trưng cho vùng Pác Bó và có thể là của Cao Bằng là hoa mơ! Không hẳn thế, đó chỉ là sự đặc trưng trong... thơ mà thôi! Vậy thì, loài hoa đặc trưng cho núi rừng Pác Bó là gì? Tôi có thể trả lời ngay: Đó là hoa Bioóc Cà và tôi sẽ “khẳng định” chắc chắn điều đó đúng ở dưới đây.

Thượng tướng Đàm Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Phó Chủ tịch nước), người con của núi rừng Pác Bó đã nói về hoa Bioóc Cà của quê mình khi kể về ngày đón Bác Hồ về thăm Pác Bó vào tháng 2/1961: “Bioóc Cà là một thứ hoa mà đồng bào các dân tộc miền núi rất quý. Cây hoa thuộc họ vạn niên thanh. Mỗi cây một năm chỉ nở một chùm hoa vào dịp đầu Xuân, trông giống như hoa loa kèn, nhưng có một màu trắng kỳ lạ, tươi rói, mùi thơm ngan ngát rất dịu, rất đằm. Đối với đồng bào miền núi, Bioóc Cà là loại hoa quý nhất, tinh khiết nhất. Tết này nhà nào cũng có hoa Bioóc Cà cắm ở cửa. Cả bản ai cũng được tắm nước hoa Bioóc Cà, mặc những bộ quần áo mới đẹp nhất, cất giữ từ lâu để đi đón Bác. Dọc đường từ cửa hang ra đến con đường huyện cũng được cắm nhiều hoa Bioóc Cà”. (Hồi ký "Có Bác trong tim").

Đồng chí Lê Quảng Ba, cũng là một người con của núi rừng Pác Bó, người cùng Bác Hồ về nước năm 1941, từ cột mốc 108 đã nhận ngay ra hoa Bioóc Cà quê mình: “Thấp thoáng dưới xa một cụm nhà nhỏ trong lũng ngô, hoa đào, hoa mai, hoa Bioóc Cà trắng thơm mùi huệ tô điểm cho những cây mạy rầy, mạy tơ, cây báng, cây ổi, cây chuối rừng...” (Hồi ký "Bác Hồ về nước").

Trên cơ sở thực tế đó, Bioóc Cà “thăng hoa” vào những trang viết của các nhà văn, nhà thơ. Đây là một đoạn trong tiểu thuyết "Mặt trời Pác Bó", tả Bác Hồ và các đồng chí của mình từ cột mốc 108, đi xuống đầu nguồn Pác Bó, bất chợt gặp hoa Bioóc Cà: “Mọi người bước theo Cụ, vượt qua ranh giới, theo con đường dốc thoai thoải đi xuống. Những bụi lau phơ phất bên đường, những cành lá phản chiếu ánh vàng... Vượt qua một khúc ngoặt, chợt gặp một khóm hoa xuân bừng nở một màu trắng, phơn phớt tím, lá giống lá dong riềng, mùi thơm nhẹ thoảng đến. Phùng Chí Kiên chợt reo, khe khẽ:

- Trắng quá. Hoa huệ!

Làm gì có hoa huệ giữa rừng này, đó chỉ là một sự liên tưởng xa, một sự so sánh thuộc về cảm nhận của mỗi người.

- Dạ, thưa Cụ, hoa này gọi là Bioóc Cà - Lê Quảng Ba nhanh nhẩu thưa.

- Ở vùng Sóc Giang, Cốc Xâu cũng có nhiều hoa này - Thế An đi sau nói vọng lên - Ngày Tết hái về cắm trên bàn thờ, gài hai bên cửa ra vào.

- Lá và hoa cây này đun nước gội đầu rất thơm, lại còn dùng làm thuốc - Đặng Văn Cáp góp lời.

- Thầy lang biết kỹ cây cỏ vùng này quá nhỉ - Ông Cụ nói rồi quay sang hỏi Hoàng Văn Lộc:

- Chú Lộc, quê chú gọi hoa này là hoa gì?

- Dạ, vùng Nghệ Tĩnh hình như không có hoa này, nhìn thoáng như... hoa huệ!

Cánh hoa huệ trắng muốt, hương nồng, tinh khiết chợt hiện về trong tâm tưởng. Ông Cụ đưa mắt dõi về phương Nam. Ba mươi năm rồi. Bến Nhà Rồng năm 1911. Người con gái trong tà áo trắng... chưa lúc nào quên".

Tôi không biết nhà thơ Chế Lan Viên "gặp" hoa Bióoc Cà là lúc nào mà ông "cất tiếng" gọi hoa Bioóc Cà thân thương đến thế:

Mùa Bioóc Cà ơi, mùa Bioóc Cà ơi!

Trắng hoa núi khắp sườn cao biên giới

Thơm lá, thơm hoa, thơm rừng, thơm suối...

Thơm ngát hồn ta, xuân lắng đợi Người.

(Nắm đất biên thuỳ)

Đã bao mùa xuân trôi qua kể từ mùa xuân năm 1941, với hình ảnh hoa Bioóc Cà đón Bác đẹp như mơ, tôi đã về Pác Bó để tìm hoa Bioóc Cà đem về trồng tại khu nhà cạnh Hang đầu hổ, bên bờ suối Lê Nin, dưới chân núi Các Mác. Hỏi những người dân Pác Bó, nhiều người lắc đầu, có lẽ đã lâu người dân Pác Bó không cắm hoa Bioóc Cà trước cửa mỗi độ xuân về, không còn đun nước hoa Bioóc Cà tắm gội vì ngày nay có bao nhiêu loại dầu gội, sữa tắm cao cấp thay thế. Bioóc Cà rơi dần vào quên lãng và đang trên đường... tuyệt chủng!

Ngày 19/5/2011, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó khánh thành rất hoành tráng với một rừng hoa đủ loại, thi nhau khoe sắc nhưng phần nhiều là hoa nhựa. Tôi không thể tìm thấy một cánh hoa hay chỉ là cây hoa Bioóc Cà trong rừng hoa buổi ấy mà chạnh lòng quay đi.

Sau dịp ấy, tôi lại quay về cố tìm giống cây Bioóc Cà đem trồng, nhưng nơi tôi ở đã bị  chiếm đoạt. Ước mơ trồng hoa Bioóc Cà ở Pác Bó với tôi có lẽ chỉ là ước mơ mà thôi! Tôi bỏ công lập một dự án để trình lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng gây giống, trồng lại, nhân rộng cây Bioóc Cà để vùng Pác Bó trong vài ba năm tới sẽ là vùng hoa Bioóc Cà - phục vụ khách tham quan khu di tích Pác Bó, dâng hoa Bioóc Cà lên bàn thờ trong nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lúc đấy cây hoa Bioóc Cà sẽ trở thành cây xoá đói, giảm nghèo của người dân Pác Bó. Tôi đem dự án này tới gặp những người bạn tôi ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng không gặp, lại sợ bạn cho mình là lẩn thẩn nên tôi cất cái dự án "lẩn thẩn" ấy vào trong cặp!

Rất nhiều người thuộc lòng câu: Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng khi hỏi bản sắc của dân tộc anh là gì? Quê anh có những nét văn hoá nào là đặc sắc, là bản sắc... là họ ấp úng ngay, do đó nhiều việc làm chỉ mang tính hình thức, tốn tiền, tốn của. Họ không nghĩ bản sắc là những gì thân thiết, nhiều khi rất đơn giản, đó chỉ là một cánh hoa rừng, một sắc chàm pha màu núi...

Nhớ lại trong năm 2011, dự án thả cá trên đầu nguồn Pác Bó của tỉnh nọ tốn nhiều tỷ đồng. "Biểu diễn" rực rỡ trên truyền hình là thế mà nay thật khó tìm được một con cá nào của ngày ấy, rồi dự án trồng trúc ở đầu nguồn và cả cây si cổ thụ ở cột mốc 108 bị chặt trụi cũng không ai để ý tới...

Mùa xuân này, lên Pác Bó, tôi vẫn luôn mơ về dự án trồng hoa Bioóc Cà, mơ về rừng hoa Bioóc Cà trắng muốt, ngát thơm mùi hoa huệ trải dài từ cột mốc 108 dọc theo bờ suối Lê Nin, ra đến nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cánh hoa Bioóc Cà làm mát dạ người. Và tôi cũng mơ thấy những vạt cải xoong xanh mướt dọc bên suối Lê Nin phát triển từ giống cải xoong Bác trồng năm 1941, cả cây si cổ thụ trên cột mốc 108 bị chặt trụi sẽ được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng "hồi sinh". Tất cả cùng góp tâm sức để tạo nên những cảnh đẹp riêng có của một vùng Pác Bó lịch sử - Pác Bó thơ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất