| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân ngược phố sương mù thăm bản người Mạ

Thứ Bảy 30/01/2021 , 10:02 (GMT+7)

Người Mạ còn được gọi là Châu Mạ. Con đèo Bảo Lộc chính là đường biên chia người Mạ thành hai phần thượng và hạ.

Nhà dài của người Mạ.

Nhà dài của người Mạ.

Đoàn xe chúng tôi đi như rùa bò trên đèo Bảo Lộc. Nghe nói phía trước có mấy chỗ núi lở vì cơn mưa cuối mùa. Ai nấy sốt ruột.

Người lái xe nói lát nữa lên tới miếu Ba cô phải thắp mấy nén nhang cầu cho mọi sự thuận lợi. Đường đèo bên thì núi cao bên vực thẳm chả biết thế nào. Có người đột nhiên hỏi chuyện về ngôi miếu Ba cô. Người lái xe chắp tay vái lên trời rồi kể. Mọi người xúm quanh lắng nghe

Thì ra đây là con đèo đã có nhiều người bị rơi xuống vực. Xưa cứ cách vài chục mét lại có môt miếu thờ kẻ xấu số. Đèo chỉ dài chừng hơn 10 cây số nhưng có tới 108 chỗ ngoặt tay lái.

Tuy chỉ ở độ cao chừng hơn 900 mét nhưng nhiều vòng cua tay áo nên đèo đã gieo tai họa cho không ít cánh lái xe. Trước đây đèo chưa được mở rộng không ngày nào không xảy ra tai nạn. Chỉ cần một chút lơ là trong sương mù là con xe chệch hướng dễ đâm vào núi hay rơi xuống vực sâu.

Người lái xe nhớ hồi đầu năm 1975 có một xe khách vì tránh xe đi ngược phía trước mà bị rơi xuống vực. Mấy chục người đều chết thê thảm. Trong số đó có ba cô gái trẻ ở độ tuổi hai mươi.

Họ là sinh viên đi lên Đà Lạt học và đã bị tử nạn. Ai nấy đều tiếc thương cho ba cô gái trẻ trung xinh đẹp. Câu chuyện ngỡ như đã qua đi. Nhưng ít lâu sau hồn ma các cô đã hiện về trong đêm tối.

Không ít những đoàn xe đang đi trong đèn pha chiếu sáng nhưng đều bị khựng lại vì có ba cô gái mặc áo trắng phía trước. Khi bác tài mở cửa xe bước tới thì bóng các cô gái biến mất.

Bác bất ngờ phát hiện ra phía trước có người bị tai nạn nằm bên đường. Vậy là các cô thường hiện lên báo cho các đoàn xe biết những gì đang xảy ra phía trước. Nhất là việc núi sạt lở như ngày hôm nay. Cũng nhờ thế mà cánh lái xe đi thận trọng hơn và tránh xảy ra đụng độ.

Từ đó những người làm việc trên đèo cùng đoàn lái xe lập miếu thờ ba cô để cầu không gặp hiểm nguy. Miếu được xây đúng nơi đã xảy ra tai nạn của ba cô năm nào.

Vừa hay lúc đó phía trước các đoàn xe bấm còi inh ỏi. Đó là tin thông xe trên đèo. Chúng tôi tiếp tục lên đèo hướng về thành phố Bảo Lộc. Sương mù tan loãng theo ánh sáng mặt trời le lói trên cao. Hai bên đèo hoa lau trắng xóa xen lẫn rặng hoa chuông vàng rung rinh trong gió núi.

Biểu tượng văn hóa của người Mạ.

Biểu tượng văn hóa của người Mạ.

Khi nhập vào con đường Trần Phú trục đường chính của thành phố Bảo Lộc người lái xe tăng tốc. Con xe như được thở phào nhẹ nhõm sau chuyến vượt đèo ngoạn mục. Đoàn xe đưa chúng tôi vào điểm đầu tiên nổi tiếng của du lịch Lâm Đồng. Đó là thác Đămbri huyền diệu.

Đây là con thác cao nhất trong hệ thống thác của Lâm Đồng. Dòng suối lớn đổ nước xuống từ độ cao 60 mét tạo nên thác nước dữ dội. Bọt tung trắng xóa cả môt vùng rộng lớn. Mấy anh em ở hội văn nghệ Lâm Đồng đi cùng đều phải đứng từ phía xa tới 50 mét mà bụi nước từ thác vẫn bắn tới ướt hết cả tóc. Phía dưới chân thác là con hồ đá rộng cho cánh trẻ bơi lội tung tỏa vui thích.

Nhà văn Khuất Thanh Chiểu (Hội Văn nghệ Lâm Đồng) người đã gắn bó với thành phố Bảo Lộc từ 1975 đến nay. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về ngọn thác hùng vĩ này. Đó là câu chuyện cổ tích của người Mạ về tình yêu giữa chàng K’Đăm và nàng B’Ri.

Nhưng tình yêu của họ đã bị ngăn cấm. Bởi lẽ mỗi người thuộc một bộ tộc luôn kình địch và thù hằn. Theo tục lệ họ không được yêu thương và kết hôn. Nhưng hai người vẫn tìm đến nhau và thắm thiết mộng mơ. Mọi người hai bộ tộc tìm cách chia rẽ và trừng phạt họ.

K’Đăm bị dòng tộc đầy vào rừng sâu qua năm núi bảy đèo. Suối reo cùng hùm beo thú dữ K’Đăm không thể tìm đường về. Hay tin cô gái xinh đẹp B’ri trốn khỏi nhà đi tìm người yêu. Nhưng càng đi càng hoang mang bao nỗi.

Vượt bao đèo cao suối sâu B’ri càng thêm thương nhớ K’Đăm. Đi mãi đi mãi mà không thấy bóng người. Kiệt sức B’ri gục ngã và khóc than ai oán. Rồi từ xa có đàn chim bay tới réo tên gọi B’ri báo tin K’Đăm đã mất tích. Tuyệt vọng trong nỗi đau khổ. Tiếng gào than của B’ri tắt ngấm giữa không trung bao la điệp trùng mây núi.

Nàng đã hóa đá trên ngọn núi cao. Nước mắt cùng suối tóc nàng đã biến thành con thác từ trên cao. Thác suốt ngày đêm gào thét với tiếng gọi tình yêu. Dường như trăm nguồn suối đều tụ về đây tạo nên thác dữ.

Tình yêu của hai người đã cảm hóa cộng đồng hai bộ tộc. Mọi người đều lấy đó mà thay đổi mọi hủ tục khắt khe. Hai bộ tộc trở bên hòa thuận từ đó. Họ cùng gọi con thác bằng cái tên ghép của cặp đôi tình nhân này là Đămbri.

Dòng nước luôn xối ào quanh năm suốt tháng. Một bản nhạc tha thiết mãnh liệt về tình yệu luôn vang lên trên đại ngàn đất đỏ bazan. Đó cũng là vẻ đẹp của suối nguồn mãnh liệt mà con thác luôn đem lại niềm vui ngập tràn cho mọi người mỗi khi đến đây.

Vẻ đẹp cồng chiêng trong đời sống người Mạ.

Vẻ đẹp cồng chiêng trong đời sống người Mạ.

Người Mạ còn được gọi là Châu Mạ. Họ ở tập trung tại mấy huyện dưới cao nguyên Di Linh. Dân số đông nhất hàng chục ngàn người tập trung ở Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Con đèo Bảo Lộc chính là đường biên chia người Mạ thành hai phần thượng và hạ.

Cộng đồng người Mạ ở trên cao tập trung ở Bảo Lâm và gắn bó với thành phố Bảo Lộc từ xa xưa. Một bộ phận sống gần với thác Đămbri cách thành phố chừng 18 cây số. Nơi đây vẫn còn giữ được những tín ngưỡng và nét văn hóa độc đáo của người Mạ.

Chúng tôi được hướng dẫn vào một bản văn hóa người Mạ ở cách thác Đămbri không bao xa. Một già bản chào đón chúng tôi cùng với đội nhạc cồng chiêng rộn ràng.

Theo già bản nói người Mạ là dân tộc duy nhất trong cộng đồng người Tây Nguyên theo tập tục phụ hệ. Hàng trăm năm trước người Mạ ở tập trung thành một tiểu vương quốc riêng giống như dân tộc Chăm. Sau do tranh giành của các bộ tộc và cuộc chiến giữa các triều Việt, vương quốc Mạ luôn phải di cư rạn vỡ. Đặc biệt khi thực dân Pháp đô hộ các bộ tộc Mạ rút sâu vào rừng.

Tiểu vương quốc Mạ tan rã từ đó. Hiện còn chừng hơn 30.000 người sinh sống tập trung ở mấy huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng. Số còn lại chừng hơn 10.000 sống rải rác ở Đăk Nông, Bình Phước và Đồng Nai…

Đây chính là dân tộc có tục “Cà răng căng tai” từ xưa. Cho đến nay không còn nữa nhưng tục lệ hôn nhân và cưới xin vẫn còn gìn giữ và được coi trọng. Chúng tôi được già bản cho biết các đôi trai gái Mạ sau khi ăn hỏi cấm được ăn nằm với nhau.

Nếu không sẽ khó làm lễ kết hôn vì bị phạt nặng. Hoặc hai chàng trai cùng yêu một cô gái thì sẽ phải thách đấu võ nghệ. Ai thắng sẽ được chính thức yêu cô gái. Tất nhiên để thành đôi lứa còn phụ thuộc cô gái có yêu thương hay không.

Đặc biệt thủ tục “cụng đầu” bảy lần trong chăn vẫn giữ không bao giờ bỏ. Già bản giải thích trong lễ cưới họ lấy chăn chùm lên cô dâu và chú rể. Hai họ sẽ chứng kiến và đủn lưng cho cô dâu, chú rể phải cụng trán nhau bảy lần. Như vậy mới chứng tỏ là tâm đầu hợp ý. Hạnh phúc sẽ bền lâu. Sau đó hai người mới được chính thức động phòng.

Hay có nơi còn giữ tục ăn cơm chung một bát. Cô dâu, chú rể sẽ được người lớn tuổi trong họ đưa cho một bát cơm và một chén rượu trước bàn thờ tổ tiên. Hai người cùng nhau ăn hết bát cơm và uống cạn chén rượu để chứng tỏ đồng cam cộng khổ.

Vui sướng hay đói no vợ chồng cùng chịu đựng và chăm sóc lẫn nhau. Cuộc sống gia đình một vợ một chồng được người Mạ đề cao đầu tiên. Quy định ấy coi là luật tục từ rất sớm. Thậm chí cách đây không bao lâu người Mạ còn có luật riêng rất khắc nghiệt.

Nếu người vợ bắt quả tang người chồng ngoại tình có quyền giết chết mà không mắc tội. Hoặc ngược lại người vợ bị bắt quả tang quan hệ ngoài luồng sẽ bị phạt nặng. Khi đó cả bản phải ngừng sinh hoạt lễ giáo trong một tuần. Họ còn cắm cành lá cấm người lạ vào bản.

Người dân tộc Mạ coi trọng lòng thủy chung tình nghĩa vẹn tròn. Do vậy việc ly hôn trong cộng đồng người Mạ hiếm khi xẩy ra.

Chính vì những quy ước khắt khe luật tục người Mạ chỉ hướng tới sự bền vững và gắn bó trong từng gia đình và cộng đồng. Những sinh hoạt văn hóa họ đều thể hiện nét phóng khoáng và lành mạnh. Nét độc đáo của người Mạ nằm ở những làn điệu dân ca cùng bộ sử thi và hát lễ mừng lúa mới.

Sau khi trò chuyện với chúng tôi già làng cho đội văn nghệ trình diễn những cung điệu Tăm Pớt trên sân nhà văn hóa cộng đồng. Lời hát đối đáp vang lên trong tiếng cồng chiêng và tiếng tù và âm u vang vọng cả núi rừng.

Một giọng nữ Tăm Pớt trầm ấm cất lên: “Hỡi chàng trai Mạ sao khéo thế. Xuống suối mò cua bắt ốc. Lên rừng bẫy thú bắt chim. Ra biển căng cơ giăng lưới. Suối Đa R’Nga có cá rô…”.

Già làng cho biết người Mạ có những ngạn ngữ độc đáo được trình diễn trong lễ hội. Nói về tình yêu hãy đừng bao giờ đánh mất người Mạ nói: “Đừng mang cồng chiêng chôn trong lòng đất”.

Hay nói về sự cô đơn người Mạ ví von: “Đừng để màn đêm lạnh bao phủ mối tình”, hay họ thường truyền tai nhau câu ca: “Đừng để cán rìu không có người sử dụng”…

Đúng lúc này một giọng hát da diết của một chàng trai làm rung động mọi người. Lời ca thiết tha bày tỏ: “Đừng cách xa nữa nàng ơi! Vì từ nay tôi sẽ đến an ủi nàng để nàng không còn rơi lệ. Thân hình nàng như búp măng vừa ló lên từ mặt đất, thật tròn và tươi trẻ. Mọi người xin giúp tôi bảo về búp măng được nguyên hình hài. Để hai đứa luôn gặp nhau. Tay trong tay với nhau”.

Bản trường ca về tình yêu kéo dài vô tận. Người Mạ hát thâu đêm suốt sáng trong những ngày lễ mừng lúa mới. Trong lễ hội mọi người đón chào nhau cũng bằng làn điệu Tăm Pớt.

Mọi người hồ hởi “Chào khách bằng tiếng nói như gà con chip mẹ”, hay “Như chim sẽ ca hát nhảy nhót vui đùa”; hoặc mọi người “Sửa soạn như con chim nhồng môi đỏ”…Tình yêu và thiên nhiên hòa quyện với từng lời ca tiếng hát. Người Mạ luôn luôn sống với âm nhạc như hơi thở miếng ăn.

Người Mạ vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm.

Người Mạ vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm.

Sau khi rời bản văn hóa người Mạ chúng tôi được làm quen những vùng trồng dâu nuôi tằm của xã Đămbri. Đây là vùng cung cấp nguyên liệu cho Công ty tơ lụa Bảo Lộc rộng tới 300 ha.

Những cô gái người Mạ vẫn bền bỉ bên những khung dệt thổ cẩm. Nhưng giờ đây họ lại thêm công việc mới để làm nên những tà áo dài quê hương đi khắp năm châu bốn biển. Khi vào khu du lịch Tâm Châu bên thác Đămbri chúng tôi thực sự bất ngờ với những tấm lụa đủ màu sắc được dệt nên từ khung gỗ nhịp nhàng.

Đã từ lâu “Tơ lụa Bảo Lộc” trở thành một thương hiệu. Nơi đây là thủ phủ tơ lụa Việt duy nhất ở nước ta. Những cánh đồng người Mạ giờ đã chuyển hướng. Các cô gái Mạ xúng xính trong tà áo dài biểu diễn trên sân khấu. Đó là hình ảnh của lễ hội Festival tơ lụa Lâm Đồng được tổ chức hai năm một lần.

Những người đẹp thật bất ngờ bay bổng trong cung điệu “Một thoáng quê hương”. Lời ca náo nức rộn ràng: “Đẹp biết bao. Quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu. Dù ở đâu. Paris, Luân Đôn hay ở miền xa. Thoáng bay áo dài. Bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó. Em ơi…”.

Một mùa xuân đã đến với Đămbri. Những vạt áo dài đủ sắc màu tạo tung bay tạo nên một vườn hoa chào xuân. Phía trước những cánh hoa mai vàng rực rỡ lan tỏa khắp khu công viên. Nhìn những cô gái Mạ quay tơ và cất tiếng hát mới thấu hiểu vì sao miền đất bao la của người Mạ đã sinh ra dòng thác đợi chờ cùng những ngọn nguồn suối tình yêu đầy thơ mộng và đắm say.

(Kiến thức gia đình số 4)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những chuyến xe 'giải khát' cho người dân miền Tây

Trước thực trạng người dân ven biển tỉnh Tiền Giang vật lộn với hạn mặn, nguy cơ thiếu nước ngọt hiện hữu, ngày càng nhiều chuyến xe chở nước nghĩa tình giúp dân vượt hạn.