| Hotline: 0983.970.780

Mức hỗ trợ hơn 10 ngàn lao động về từ Libya: Vẫn bế tắc

Thứ Ba 05/04/2011 , 10:16 (GMT+7)

Đến thời điểm này, mặc dù đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhưng Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa “gút” xong phương án hỗ trợ .

Sáng qua 4/4, chiếc tàu mang tên ANK LINES của Hy Lạp đã chính thức cập Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh mang theo 1.019 lao động Việt Nam cuối cùng từ Libya về nước sau 30 ngày lênh đênh trên biển.

Thời hạn thanh lý hợp đồng cho hơn 1 vạn lao động trở về từ Libya đã tới rất gần, tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV NNVN, đến thời điểm này, mặc dù đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhưng Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa “gút” xong phương án hỗ trợ .

Tiền hỗ trợ: Cứ chờ!

 Đoàn tụ gia đình hơn 1 tháng rồi, thế nhưng hàng ngàn lao động vẫn đang phải ngóng dài cổ chờ DN nhắc đến chuyện thanh lý hợp đồng. Anh Nguyễn Thanh Hoàng, quê Vĩnh Phúc có mặt trước Cty Việt Thắng, chi nhánh Hà Nội từ rất sớm để hỏi về việc thanh lý hợp đồng. Anh cho biết, dù rằng đây là tai nạn không mong muốn (kể cả chủ lao động lẫn người đưa đi) thế nhưng theo như lời của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cty cũng phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng sau 2 tuần lao động trở về nước. Vì vậy, dù có nhiều nơi gọi đi làm thêm nhưng anh vẫn chưa quyết định vì sợ lỡ Cty gọi điện sẽ không gặp được ngay.

Vừa qua, khi trả lời PV NNVN, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định: Sau khi lao động về nước 2 tuần, các DN phải tiến hành thanh lý hợp đồng theo quy định cho các lao động này vì đây là rủi ro bất khả kháng (!). Vậy nhưng, theo tìm hiểu của PV, hiện chưa có bất cứ DN nào đứng ra thanh lý hợp đồng cho các lao động. Có 1 số DN đã trấn an người lao động rằng có thể chỉ được nhận lại tiền phí dịch vụ thu trước (khoảng 8 triệu đồng) và một khoản hỗ trợ của doanh nghiệp. Tổng hai khoản này không quá 10 triệu đồng.

Như vậy, so với hơn 40 triệu chi phí lao động đã nộp thì khoản 10 triệu này quá thấp (nhất là với những lao động mới sang từ 1 tháng tới 6 tháng). Những khoản khác như phí môi giới (khoảng 500 USD/người) và tiền lương chủ sử dụng còn nợ người lao động đang là những khoản nợ khó đòi bởi trong tình hình chiến sự hiện nay tại Libya, chủ sử dụng cũng như các công ty môi giới không thể thanh toán khoản tiền này cho DN Việt Nam để DN trả lại cho người lao động.

Cần cơ chế đặc thù

Cũng theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, TP đang tiến hành phân loại để triển khai các biện pháp, thủ tục xử lý nợ rủi ro đối với các trường hợp phải về nước trước hạn. Cụ thể, người lao động được phép kéo dài thời hạn trả nợ theo cam kết trong hợp đồng tín dụng không quá 12 tháng hoặc không quá 1/2 thời hạn cho vay. Đối với những lao động sau khi vay chưa được Ngân hàng CSXH thu nợ (trường hợp mới sang Libya) sẽ được xem xét áp dụng biện pháp khoanh nợ, thời gian khoanh nợ (không trả gốc, lãi) tối đa 3 năm, chưa kể khoanh nợ bổ sung.

Hơn 1 vạn lao động về nước, gánh nặng không chỉ trên vai các DN đưa đi mà còn là gánh nặng của nhà nước. Ông Nguyễn Vạn Xuân- Giám đốc VTC Corp cho biết, phương án tốt nhất là Cục Quản lý lao động ngoài nước trình Chính phủ cơ chế đặc thù hỗ trợ cho lao động theo thời gian thực đi. Ông nhẩm tính: giả sử nếu mức hỗ trợ khung là 10 triệu đồng thì người lao động sẽ được nhận theo mức: nếu lao động làm được 11 tháng sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng, lao động mới đi 1 tháng được hỗ trợ 9 triệu đồng…Bình quân nhà nước sẽ hỗ trợ 5-6 triệu đồng/lao động, nhân với con số hơn 10 ngàn lao động, số tiền nhà nước hỗ trợ sẽ lên tới 50-60 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được lấy từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước của Bộ LĐ-TB-XH.

 Như vậy, với số tiền lao động đã được nhận khi mới sang làm việc khoảng 8 triệu + 10 triệu nhà nước hỗ trợ là 18 triệu, doanh nghiệp hỗ trợ tiếp khoảng 5 triệu nữa là họ được trả lại hơn 20 triệu. Trung bình, mỗi lao động chỉ bị thiệt hại hơn 10 triệu (vì là rủi ro không muốn nên cũng phải chấp nhận). Cũng theo lãnh đạo của VTC Corp, đây là bài toán sơ bộ mà ngành lao động cần nghiên cứu sớm để có hướng dẫn cụ thể cho các DN thực hiện. Chứ nếu kéo dài quá lâu, không có phương án hỗ trợ hợp lý thì lao động sẽ bức xúc và gây áp lực lên các DN với chiều hướng xấu đi.

Lo lắng của ông Xuân cũng cùng suy nghĩ với lãnh đạo DN chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động như Việt Thắng, Vinaconex.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.