| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/01/2021 , 18:23 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 18:23 - 28/01/2021

Mùi vải mới

Mong Tết và mong chị là hai nỗi mong nhịp nhàng, thúc bách mỗi khi trời thanh hơn, gió chướng lao xao và những thứ trái trong vườn lúc lỉu chờ ra chợ.

Năm cháu mới mười sáu tuổi, ông nội mua cho chiếc Mitsubishi, chiếc máy may đầu tiên của dân ấp. Ba nó đi vắng suốt, vì sao đứa cháu nội đầu đàn phải có máy may? Là để cho cháu có nghề may, thợ nhà, tự chăm người nhà, cũng đã lời lắm.

Những đứa em nhỏ lớn lên cùng với tiếng máy may rồ rồ của chị cả những đêm thâu. Hình như chị sinh ra là để cho những việc tỉ mẩn này. Không, không chỉ nhờ hoa tay. Là vì chị hiểu ý nghĩa đầu xuôi thì đuôi lọt. Ông bà nội là mái nhà, cháu nội gái nấu nướng vá may đứng ngồi một chỗ đều có thể quán xuyến được mấy việc trọng: chăm ông bà và thay ba thay má chăn dắt đám em, cô Tư, người cô góa ở vậy để cáng đáng gia tộc đã kỳ vọng thế đó.

Tiếng lành đồn xa. Khách hàng tìm tới. Dân xóm và cả dân các ấp khác. Khi thợ có tiếng về áo dài thì ông nội vô cùng mãn nguyện. Cô Tư còn mãn nguyện hơn. Rồi ba bị tù đày sớm, những đứa con nhỏ của ba vẫn mãi nhỏ trong mắt ông bà nội và chị cả. Khóc lóc, ích gì. Ông ra một chủ trương thấu suốt: chị Hai mang máy may ra thành, ở đậu nhà bà con để may mướn, lấy tiền nuôi em trai, tức là đích tôn của ông ăn học. Nó phải được ăn học rồi sau đó, tính sau. Chị Hai gạt nước mắt dắt em trai đi, cùng với chiếc Mitsubishi nổi tiếng với dân xã.

Các em dưới trướng của cô ruột, vẫn vô lo, quen tiếng máy may như một thứ âm nhạc, thứ nhịp điệu của gia đình, thấy hẫng. Mỗi năm chỉ được gặp chị cả và anh trai vào dịp hè. Việc của chị khi ấy là khâu vá quần áo rách cho cả nhà. Người lớn toàn đồ lụa, biết giữ nhưng vẫn dễ rách. Trẻ con đồ bằng vải, chúng mau lớn lại hay chạy nhảy leo trèo, chật bung và rách tươm ở những chỗ hiểm. Chị làm bằng tay, thâu đêm, bên chiếc đèn ống khói đặt trên bàn ăn. Không có thời giờ rảnh, bởi vì sẽ phải trở ra thành với những chiếc áo dài của khách đang xếp hàng chờ. Những câu chuyện và nước mắt giữa chị và người cô là ký ức của các em, thay cho tiếng máy may là tiếng họ rì rầm, tiếng cây kéo lách cách và tiếng ngọn đèn phập phù bởi gió khuya từ mặt sông lướt lên. Ấy là những khoảnh khắc đượm âu lo: ba bị án khổ sai, ông bà nội suy sụp, đám em ăn và học, vượt qua cách nào đây?

Tiếng khen nết ăn nết ở của chị với bà con ngoài thành được người cô mang về làm quà cho nội và làm bài học cho đám cháu nhỏ. Mong Tết và mong chị là hai nỗi mong nhịp nhàng, thúc bách mỗi khi trời thanh hơn, gió chướng lao xao và những thứ trái trong vườn lúc lỉu chờ ra chợ. Nghĩa là chị cả và anh trai sẽ về vào lúc ấy, với cô Tư và với má trên chiếc ghe tam bản nhà sau bữa chợ cuối năm. Nếu khi đó cô Tư đem được đứa con gái duy nhất gửi cho ăn học ở bên nội nó về được nữa thì bữa khóc sum vầy sẽ đầy đặn hơn. Ba vẫn là tù khổ sai, ấy là đề tài của nước mắt, luôn luôn, nhưng con trai duy nhất của ông đã hoàn chỉnh dậy thì, giống ba như đúc và luôn giành được học bổng ngoài đó.

Sau khi ôm hôn ông bà nội và không quên khóc kể nhớ thương, thấy các em không rời mình, chị biết chúng đang hóng gì. Không để chúng chờ lâu, Bảy đâu, cưng mau lớn quá chị cứ ang áng, không biết đồ có chật không nữa, thử đi cưng. Tám đâu, vẫn nhái béng ha, nhiều vải vụn để nối đồ cho Tám còi, được ba bộ nhưng bớt leo trèo cho đỡ rách đồ nghe, chị cưng. Út đâu, tóc nhiều quá, để chị cắt tóc như búp bê cho, Út có cả quần sa tanh trắng từ vải dư của khách,Út mặc quần trắng thấy cưng lắm nè nội ơi. Ba đứa, thử chớ không được mặc nghen, Hai giặt ủi hết rồi, để dành tối ba mươi mới được mặc nghen.

Đêm trừ tịch, mỗi đứa một việc giúp người lớn xong xuôi mọi thứ rồi chạy ù xuống bến sông. Quần áo mới đi trình diện người lớn. Từng đứa xoay trước xoay sau cho ông bà và cô và má ngắm. Rồi cũng giao thừa. Chiếu mới mua, mùng gối đã giặt còn thơm mùi nắng, mấy đứa em cuộn mình bên nhau hít hà mùi vài thơm, không gì thơm hơn mùi vải mới sau khoảnh khắc thiêng liêng có mùi nhang trên bàn thờ.

Ba bộ quần áo cho ba ngày Tết. Các em tung tăng đường làng, tiếng tấm tắc đuổi theo “Nhà có thợ may, khác hẳn”. Nhưng rồi ba mất trong tù. Nội tiễn đích tôn vào Cứ tận U Minh. Chị Hai về lại vườn nhà, lấy chồng gần để còn chăm sóc nội, má và cô. Rồi chị góa, như má như cô. Các em vẫn có quần áo mới nhưng tuổi thơ của chúng đã chấm dứt tức tưởi rồi chị ơi.

Giờ chị đã ngoài tám mươi. Chiếc Mitsubishi vẫn còn như một chứng nhân ngậm ngùi. Các em cũng không còn trẻ nữa. Nhưng chừng như mùi vải mới đã sống dậy, ngày mỗi đậm hơn, vừa tinh khôi vừa thấm thía.