| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 09/07/2017 , 07:31 (GMT+7)

07:31 - 09/07/2017

'Mừng chảy nước mắt' khi đếm người tham nhũng!

Theo báo cáo sơ bộ công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ từ nay tới cuối năm 2017 của Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng đã được công khai theo đúng quy định pháp luật.

Các bộ ngành, địa phương kiểm tra trên 1.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch nhưng chỉ phát hiện 22 đơn vị vi phạm.

Báo Dân trí, bài “Chỉ có 77 trường hợp được xác minh tài sản trong năm 2016” cho biết chỉ có 77 người thuộc diện kê khai được tiến hành xác minh tài sản, thu nhập trong tổng số trên 1 triệu người kê khai năm 2016.

6 tháng đầu năm 2017 chỉ có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; xử lý kỷ luật 4 người do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 3 người vi phạm phát hiện từ kỳ trước.

Tổng số vụ tham nhũng mà ngành thanh tra đã phát hiện được là 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Nhận xét trước Chính phủ, ngành thanh tra tự thấy, “số vụ việc phát hiện còn ít”. Ô hay! Ít là tốt chứ! Rất đáng để mừng! Mừng vì hóa ra, “lượng hóa” tham nhũng lại chẳng đến nỗi “nghiêm trọng” như người ta cảm nhận.

Hồi tháng 4 vừa rồi, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016 của Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 bảng xếp hạng toàn cầu, nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là “nghiêm trọng”.

Nhưng nói “nghiêm trọng” mà số vụ việc bị phát hiện, số người chịu trách nhiệm… như báo cáo của ngành thanh tra vừa nêu trên thì có vẻ hơi… thái quá!? Vậy, rốt cuộc, tham nhũng bị phát hiện ít là do cán bộ, công chức ở ta trong sạch, hay vì công tác tố giác, phát hiện còn hạn chế?

Mới chỉ cách đây 3 tháng, tại một xã thuộc tỉnh Hà Nam, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh này đã khởi tố và bắt tạm giam đối tượng có tên là Mai Hiển Dũng – một cán bộ lao động thương binh xã hội ở địa phương. Lý do là cán bộ này đã lợi dụng chức vụ để “ăn chặn” tiền trợ cấp các hộ chính sách trong nhiều năm liền.

Hay như hồi đầu năm (tháng 2/2017), Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết cơ quan này vừa ban hành quyết định kỷ luật đối với 13 cán bộ, cá nhân có liên quan đến vụ sai phạm trong việc chi tiền hỗ trợ người dân vùng hạn, mặn trên địa bàn.

Trong đó, ông Đặng Văn Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy và bà Phan Thị The, chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cùng bị khiển trách về mặt Đảng và chính quyền vì để thuộc cấp chi sai, bỏ sót hàng trăm hộ dân hoặc chiếm dụng tiền hỗ trợ hạn, mặn cũng như tiền cấp bù quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.

Bòn rút, ăn chặn tiền trợ cấp cho người nghèo, những người bất hạnh, những người đang lao đao, khốn khó vì thiên tai… đến mức như thế thì chưa nói đến sĩ diện, tự tôn làm người mà lương tâm của những cán bộ kia chắc cũng đã mục ruỗng, bỏ đi mất rồi!

Lại nhớ đến câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vài năm trước: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.

Tham nhũng, hay nói cách khác là “dụng công vi tư”, là lạm dụng vị trí, quyền hạn để lấy của công “đút túi” làm của riêng. Vậy, những trường hợp nêu trên không tham nhũng thì gọi là gì?!

Rồi gần đây, có những sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra và chờ đưa ra kết luận, như dinh thự, chung cư, xe sang… của Giám đốc Sở TNMT Yên Bái, những băn khoăn quanh nguồn gốc của khối tài sản cổ phiếu hàng trăm tỷ đồng của một vị Thứ trưởng đương chức. Người dân thực sự đang nóng lòng nhận được câu trả lời: Từ vi phạm “nghiêm trọng” cụ thể như thế nào đến mức độ kỷ luật ra sao?

Còn nhớ, hồi tháng 10 năm ngoái, báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực (!).

Cho nên, để đấu tranh và ngăn chặn tham nhũng, phải nhìn thẳng vào thực tế quy định pháp luật có lỗ hổng để các cá nhân lợi dụng hay không? Đã có phương án “vá” những lỗ hổng đó với những chế tài thực sự đủ mạnh hay chưa? Chứ nói thật, chỉ dựa vào sự trung thực của cán bộ, đảng viên khi kê khai tài sản, chỉ “khiển trách”, “cảnh cáo” trong các mức án kỷ luật… thì chuyện đẩy lùi tham nhũng được hãy còn xa.

 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm