| Hotline: 0983.970.780

Mượn danh 'xây dựng nông thôn mới' để phá rừng đặc dụng!

Thứ Hai 20/08/2018 , 07:15 (GMT+7)

Giữa rừng đặc dụng Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên), bỗng dưng hiện ra một con đường bê tông rộng 6m, thẳng tắp chạy về khu mỏ khai thác vàng của Cty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long.

Từ ngày doanh nghiệp đầu tư về đây, rừng đã trở thành phố, giữa rừng lại mọc lên quán karaoke phục vụ công nhân mỏ. Chủ mỏ cư xử giống như “chúa rừng”, tự ý xây đền, chùa ngay sát khu văn phòng hoạt động của doanh nghiệp mà không cần xin phép.

Hệ sinh thái rừng đặc dụng Thần Sa đang bị đe dọa bởi sự hợm hĩnh quyền lực của… vàng (!).

14-23-23_img_20180809_0936206
Đường bê tông chạy xuyên lõi rừng đặc dụng


"Đô thị hóa rừng" đặc dụng

Đã từ lâu, các địa danh như Xuyên Sơn, Bản Ná, cánh đồng Khắc Kiệm… luôn gợi nhắc đến vùng rừng núi hoang vu với những mỏ vàng thổ phỉ, những giang hồ cộm cán, nghiện nghẽo vật vờ. Trước kia, để đi từ ngã 3 Ngọc Sơn vào xóm Xuyên sơn, thuộc xã Thần Sa, người dân huyện Võ Nhai phải vượt núi băng rừng, đi trên những lối mòn, dốc dựng đứng toàn đá hộc lổng chổng. Một thời nhân dân xã Thần Sa kiếm sống bằng cách gùi gạo, muối, thực phẩm vào Bản Ná bán cho những bưởng vàng. Đoạn đường 7km qua khe núi Cô Tiên đã trở thành giai thoại.

Nói như vậy để hiểu, cả một vùng rộng lớn này đa phần đều thuộc diện tích rừng đặc dụng, thuộc diện được bảo tồn, nên cho dù biết rõ khu vực Bản Ná và cánh đồng Khắc Kiệm chính là cái “rốn vàng” cũng không ai dám nghĩ đến việc bạt rừng để làm đường vào bản. Vậy nhưng, thời gian gần đây xã Thần Sa, huyện Võ Nhai đã cho phép Cty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long mở một con đường bê tông rộng 6m chạy thẳng vào khu vực mỏ vàng đang khai thác.

Tất nhiên con đường này đã được khoác lên chiếc áo “xây dựng nông thôn mới” và Cty Thăng Long đóng vai trò nhà hảo tâm tài trợ.

14-23-23_img_20180809_0900476
Máy xúc dàn hàng ngang hoạt động suốt ngày đêm

Cty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Bản Ná và cánh đồng Khắc Kiệm. Để khai thác vàng, doanh nghiệp này đã đưa hàng chục máy xúc ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động đào đãi suốt ngày đêm. Gọi là khai thác lộ thiên nhưng với quy mô lớn nên moong đánh vàng của Cty Thăng Long cũng khoét sâu xuống lòng đất hàng trăm mét tạo thành những hủng khổng lồ. Mỗi moong, hủng rộng tới vài hecta. Đứng trên đỉnh núi Cô Tiên nhìn xuống Bản Ná thấy nơi đây như một đại công trường máy móc, phương tiện hoạt động rầm rập…

Khác hẳn cái thời “bưởng” vàng thổ phỉ thường chỉ dùng cuốc, thuổng đào xới lem nhem, nếu có huy động đến hàng vạn con người làm quần quật quanh năm cũng chẳng bằng dàn máy xúc của doanh nghiệp đào bới một ngày. Chẳng thế mà chỉ sau vài năm doanh nghiệp được cấp mỏ, rừng đã thành bãi đất, núi đã thành hủng sâu!

Mặc dù xe tải đã có thể bon bon chở hàng hóa vào tận chân công trường nhưng đoạn đường 7km đèo dốc qua khe núi Cô Tiên vẫn còn quá xa và tốn kém nhiều nhiên liệu nên Cty Thăng Long cùng sự ủng hộ của chính quyền cơ sở đã san đồi, bạt núi kẻ thẳng một con đường bê tông vào Bản Ná. Có đường sá giao thông thuận tiện người dân nơi đây cũng xây nhà, mở quán. Thậm chí còn mở hẳn dịch vụ giải trí karaoke…!

Chưa dừng lại ở việc làm đường vào mỏ, doanh nghiệp còn xây dựng một khu văn phòng 3 tầng nom khang trang, rộng rãi hơn cả UBND xã. Phía sau khu văn phòng, là một quần thể kiến trúc tâm linh gồm: Đình thờ tướng Dương Tự Minh, Chùa thờ Phật và Đền thờ Mẫu nằm sát cạnh nhau. Phố đang dần hình thành! Được biết, khi xây dựng khu thờ phụng tâm linh này doanh nghiệp cũng tự ý làm không thông qua các cơ quan quản lý, chính quyền sở tại.

14-23-23_img_20180809_0905098
Khu vực moong khai thác của doanh nghiệp


Moi ngân sách hay hợp thức hóa sai phạm?

Trao đổi với Báo NNVN, ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết con đường từ ngã ba Ngọc Sơn 2 chạy vào xóm Xuyên Sơn là đường nông thôn mới, có tài trợ của Cty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long. Tài liệu UBND xã cung cấp thể hiện xã có đầu tư một đoạn đường bê tông rộng 3,5m, nền đường 6m, dài 530m với tổng mức đầu tư 748 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách là 521 triệu đồng. Toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan đến con đường đều do UBND xã kí không thấy có ý kiến của các cơ quan cấp huyện, tỉnh. Xã không cung cấp bản đồ quy hoạch nông thôn mới. Chủ tịch xã Thần Sa cũng không giải thích được vì sao xã bỏ tiền ra làm đường nông thôn mới trên sổ sách chỉ làm có 530m nhưng thực tế con đường dài 1,3km và vừa chạm tới khu vực khai thác mỏ của Cty Thăng Long thì dừng lại?

Cần lưu ý thêm rằng, lối mòn đi vào xóm Xuyên Sơn vẫn còn một đoạn dài chừng 2km và ở giữa đoạn đường bị đứt đoạn vì Cty Thăng Long đã tổ chức khai thác khoáng sản lấn vào. Người dân xóm Xuyên Sơn muốn về nhà lại phải đi vòng qua lối mở tạm phía bên kia moong khai thác khoáng sản của doanh nghiệp. Vậy mục đích xây dựng con đường này là để phục vụ nhân dân xóm Xuyên Sơn hay phục vụ doanh nghiệp khai thác khoáng sản?

Ban quản lý rừng buông trách nhiệm

Điểm đầu của con đường là ngã ba Ngọc Sơn 2, có Trạm Kiểm lâm ngày đêm canh gác và cách đó không xa là một Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa nhưng cả Kiểm lâm và Ban quản lý Khu bảo tồn đều làm ngơ để doanh nghiệp ngang nhiên làm đường vào mỏ. Trả lời Báo NNVN, ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết, con đường từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào xóm Xuyên Sơn là đường nông thôn mới kết hợp với phục vụ khai thác khoáng sản. Theo ông thì “hình như” con đường chỉ đi qua khu vực rừng phòng hộ chứ chưa xâm hại đến vùng rừng đặc dụng nên không cần phải xin ý kiến Bộ NN-PTNT.

Còn ông Nguyễn Quang Lịch - GĐ Ban Quản lý Khu bảo tồn thì khẳng định phần đường bê tông đi qua “trước đây là rừng đặc dụng nhưng huyện, xã đã trình UBND tỉnh xin chuyển đổi thành rừng sản xuất và hiện nay toàn bộ hồ sơ đang nằm ở tỉnh”. Quanh co là vậy nhưng ông Lịch cũng không đưa ra được Quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng thành rừng sản xuất, đặc biệt trên bản đồ 3 loại rừng của ông Lịch vẫn thể hiện con đường bê tông chạy vào mỏ Bản Ná chạy xuyên qua phần diện tích rừng đặc dụng chứ không có sự thay đổi như ông nói.

Về nội dung doanh nghiệp xây cả một khu quần thể kiến trúc tâm linh ngay sát chân núi đá, GĐ Lịch cũng chưa xác định được quần thể kiến trúc này có xâm hại đến khu rừng đặc dụng mà ông đang quản lý hay không.

14-23-23_img_20180815_1438466_1
Doanh nghiệp tự ý xây dựng một quần thể kiến trúc tâm linh ngay sát núi đá
14-23-23_img_20180815_1519421
Khu văn phòng của doanh nghiệp hoành tráng giữa rừng còn khang trang hơn UBND xã Thần Sa

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm