| Hotline: 0983.970.780

Muôn đời nhà vợ hơn nhà mình thì mình sẽ mặc cảm, phụ thuộc, thụ động, yếu thế!

Thứ Sáu 16/03/2018 , 06:50 (GMT+7)

Thế là nói như chồng tôi, con vẫn lành lặn nguyên vẹn mà cầm bằng như mình mất con. Sau khi chúng cưới, tôi có lên chứ chồng tôi thì giữ ý. Bà thông gia vẫn cứ thơn thớt, chị xem, tiền chúng nó cho thuê nhà góp trả lương ô-sin...

Chị kính mến!

Chắc chị cũng như tôi, khi gả cưới con mình, mình tưởng thế là xong nhưng hoàn toàn không phải thế đúng không chị? Càng có tuổi, càng nhìn vào các con, tôi mới ngẫm thấy đời người chìm ngập trong buồn lo, có lẽ đến hết kiếp mới thôi chị ạ.

Con gái đầu của tôi có chồng không khá nhưng chồng nó tháo vát xoay xở. Con nhà nghèo, được điều khiêm tốn ăn chắc mặc bền. Chật vật mãi rồi chúng nó cũng đã ra riêng, căn hộ tiền tỷ, có ô tô, có tiền nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Nhưng con rể tôi cũng là trai một, nghĩa vụ với bố mẹ khi về già và trách nhiệm với bàn thờ gia tiên rất nặng đấy chị ạ. Thôi, thong dong được lúc nào hay lúc ấy.

Riêng đứa con trai khiến chúng tôi và chị nó nặng lòng. Nó lên Hà Nội học rồi yêu, rồi cưới vợ ở trên ấy luôn. Nhà cô gái nó yêu khá giả, Hà Nội mà mấy ai không khá giả, đúng không chị?

Vì thể diện, chúng tôi có góp với nhà vợ nó mua cho chúng một căn hộ, cũng khiêm tốn thôi. Nhưng nhà bên người ta là nhà biệt thự, con gái người ta con gái rượu (anh trai nó ở nước ngoài), chúng không ở ngày nào mà đã cho thuê. Bà thông gia khéo mồm bảo, nhà có ô-sin, ở riêng chi cho phí.

Thế là nói như chồng tôi, con vẫn lành lặn nguyên vẹn mà cầm bằng như mình mất con. Sau khi chúng cưới, tôi có lên chứ chồng tôi thì giữ ý. Bà thông gia vẫn cứ thơn thớt, chị xem, tiền chúng nó cho thuê nhà góp trả lương ô-sin, hợp lý quá còn gì, thằng rể cứ áy náy, tháng nào cũng góp tiền đầy đủ, chúng tôi xem nó như con trai! Biến rể thành con trai, họ khôn nhỉ, lại được cái nhà kia!

Khi con dâu sinh đẻ cháu trai chị ạ, tôi chỉ lên thăm vài hôm rồi về. Chồng tôi cũng lên đúng một lần đầy tháng. Bây giờ chúng viện con nhỏ, giá rét tết vừa rồi chưa thể đưa cháu về với ông bà nội được.

Vấn đề là con trai mình thay đổi, nhát gừng, lành lạnh, yếm thế. Tôi bảo nhỏ, vợ con chưa về được thì con về, mình hiếu nghĩa người ta sẽ trọng, đừng phụ thuộc rồi thành con chó thực sự dưới gầm chạn. Nó cười gằn bảo, bây giờ nhà nào có gầm chạn nữa mà mẹ lo. Nhưng nó ít nói và cả ít cười chị ạ.

Làm sao gặp con thường xuyên và còn cháu nội nữa chị. Cái chính là con mắc cạn, cứu nó sao được nữa chị?

-------------------

Bạn thân mến!

Tôi cũng nghĩ như chị khi cưới gả cho hai con xong. Nhưng không phải vậy, hoàn toàn không phải vậy. Chưa xong gì cả, kinh tế, hạnh phúc, sức khỏe của chúng nó khiến mình với con như chưa cắt rốn, nó động đậy là mình đau.

Giờ ai cũng chỉ có hai con mà thôi, phổ biến là vậy. Có tâm lý chung của người Việt mình là ôm ấp con và thiên vị. Ôm con bao con thì dễ thấy rồi, đúng không? Thiên vị gì?

Thứ nhất con mình hay, có gì bênh con mình trước hết. Thứ hai, nếu con gái mình được sống với nhà mình và rể phụ thuộc thì khen con gái mình may mắn, rể dễ bảo, hiền, ngược lại, con trai mình được bên vợ chăm sóc, cho chỗ ở, cho tình thương thì bảo nó mất gốc, nó sợ vợ, coi chừng mình mất con…

Việc cụ thể của bạn, là người Bắc, tôi biết bạn rất vui khi con gái đã ra riêng, có nhà có ô tô, nó không sống cảnh làm dâu. Nhưng tôi cũng đồng ý với bạn, con trai người ta sẽ chăm bố mẹ nó, ôm bàn thờ và hãy chuẩn bị tinh thần cho con gái mình song hành với chồng mãi mãi cho trọn đạo hiếu.

Riêng con trai bạn, nó đã ra khỏi vòng tay và cả tầm tay bạn lâu rồi. Khi nó lên đại học, yêu con gái thủ đô và lao vào một gia đình có nhà biệt thự. Mất hay không mất là do quan niệm của ta. Hãy bắt đầu bằng việc chọn yêu của nó, sao nó không tự lập mà yêu con gái nhà giàu? Tính cách của nó không gàn, không nhiều nam tính, không quyết liệt nhìn thấy tương lai của chính nó thì đành vậy. Nói tóm lại, tính cách nào số phận đó, bạn nhé.

Muôn đời nhà vợ hơn nhà mình thì mình sẽ mặc cảm, phụ thuộc, thụ động, yếu thế. Người ta giàu mà văn minh thì con mình nó được ấm thân, có sao đâu. Nhưng vì nó không ở riêng nên vợ chồng bạn thấy như bị cách bức với con.

Có đứa vì vợ neo người, nó ở, nhưng nó không yếu kém, nó làm ra được, nó phán được, cuối cùng nhà vợ phải nghe nó, nể nó, xem nó còn hơn con trai ấy chứ. Mới giai đoạn ngắn, ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay bạn ạ, hãy chờ xem.

Chồng bạn giữ ý, bạn cứ đến nhà họ thăm con thăm cháu đi. Dĩ nhiên mình không tự do, thôi thì con dâu không gần, xem nhau như khách cho dễ ứng xử đi bạn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.