Như Dân trí đã đưa tin, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố. Trong đó quy định công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội làm việc “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đã tạo ra dư luận trái chiều.
Trụ sở Tiếp công dân Thành phố Hà Nội, số 34 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Ảnh: Tiền Phong). |
Quy định chưa đủ độ “chín”?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho rằng, tiếp công dân là hoạt động công khai, trong đó người dân khi làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân sẽ được cán bộ đón tiếp để làm việc và giải thích pháp luật.
“Mục đích của hoạt động tiếp công dân là lắng nghe ý kiến của người dân phản ánh, khiếu nại, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Nếu người dân đến để tố cáo sẽ được Luật Tố cáo bảo vệ bí mật và rõ ràng sẽ không cần thiết phải quay phim, ghi âm” - ông Hậu nói.
Người dân có quyền được quay phim, ghi âm khi phản ánh về chính sách, về cán bộ mà không cần phải xin phép và đây là quyền của công dân.
“Pháp luật chỉ điều chỉnh khi công dân sử dụng tư liệu (nội dung ghi âm, video) để phát tán và xâm phạm tới người khác, và khi đó sẽ bị cơ quan chức năng xử lý. Bộ luật Dân sự quy định đối với cá nhân khi sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được họ đồng ý. Luật An ninh mạng cũng quy định cấm xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người khác” - ông Hậu dẫn chứng.
Từ đó, luật sư Hậu cho rằng quy định này chưa đủ độ “chín”, đồng thời để nhận được sự đồng thuận của xã hội, chính quyền địa phương cần lấy ý kiến rộng rãi, tránh trường hợp khi cụ thể hóa pháp luật bị vấp phải sự phản ứng từ dư luận.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí sáng 8/1, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét, quy định của UBND TP Hà Nội không hoàn toàn “cấm” người dân quay phim, chụp ảnh là phù hợp.
“Về cơ bản thì khi quay phim, ghi âm, chụp ảnh tại Trụ sở Tiếp công dân - cơ quan của nhà nước - phải xin ý kiến của người có thẩm quyền, cụ thể là cán bộ tiếp công dân. Tôi cho rằng quy định này là phù hợp” - ông Xuyền cho hay.
Cũng theo ông Xuyền, đối với cơ quan nhà nước thì việc tiếp công dân phải dựa trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ theo đúng tinh thần của Luật Tiếp công dân.
“Việc người ta ghi âm ghi hình mà người ta xin phép và nhận được sự đồng ý thì việc đó hoàn toàn vẫn thực hiện được chứ không có bị cấm. Sau này, việc sử dụng cái đấy (hình ảnh, video) như thế nào, vào mục đích gì thì đó là trách nhiệm của công dân. Việc người dân sở hữu hình ảnh, video và sử dụng như thế nào sẽ chấp hành theo các quy định của pháp luật tương ứng” - ông Xuyền phân tích.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp trao đổi với người dân khiếu kiện tại Thủ Thiêm, TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn). |
Cán bộ tiếp dân làm đúng, sao phải sợ ghi âm, ghi hình?
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) khẳng định, quy chế không được quay phim, chụp ảnh tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách trụ sở đã được Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành từ lâu.
Điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ công chức khi làm việc với người dân. Qua tiếp xúc, người dân nhận thấy cán bộ cư xử đúng mực sẽ cảm thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết. Đồng thời, mục đích ghi âm, ghi hình của công dân là để phục vụ quá trình giải quyết công việc, tránh trường hợp gây ảnh hưởng tới cơ quan nhà nước và làm mất thời gian của các công dân khác.
Sau khi Dân trí thông tin, rất nhiều độc giả đã comment (bình luận) thể hiện quan điểm với nội quy khi công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Độc giả khác có tên Trương Văn Binh nhận xét: “Quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” tại địa điểm tiếp công dân, muốn quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải “xin phép và được sự đồng ý từ người có thẩm quyền” làm mất tính dân chủ, minh bạch trong giải đáp các thắc mắc của người dân, nên xem xét loại bỏ”.
Theo độc giả Chau Ha, bên cạnh quy định nêu trên đối với công dân, cơ quan tiếp dân cần có camera ghi lại toàn bộ cuộc tiếp dân để làm cơ sở tư liệu cho việc giải quyết các khiếu nại một cách công bằng.
“Đồng thời quy định dữ liệu đó phải được lưu trong khoảng thời gian cụ thể khi cần và phải công khai nó với báo chí khi xử lý khiếu nại tố cáo. Việc làm này ở các nước không chỉ có lợi cho người dân mà đó cũng là biện pháp giám sát rất tốt về thái độ và trình độ của người tiếp công dân” - độc giả Chau Ha chia sẻ.
Còn độc giả Nguyễn Xuân Lâm thì thẳng thắn: “Chỉ có người làm sai mới sợ dân quay phim chụp ảnh ghi hình”.
Chung quan điểm, độc giả Congaway và Trần Văn Cảnh bình luận: “Nếu cán bộ làm đúng thì đâu phải sợ người dân quay chứ?”.