| Hotline: 0983.970.780

Muôn kiểu vay vốn làm giàu: Chắp cánh những con tàu 67

Thứ Sáu 21/08/2015 , 08:15 (GMT+7)

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá theo NĐ 67 của Chính phủ./ Sung sức nhờ biết kết hợp

* "Tàu 67" ra khơi chuyến đầu đã có lãi

Chỉ trong một thời gian ngắn, chủ trương lớn đó đã được các Chi nhánh Agribank hai tỉnh này sớm vào cuộc, giúp bà con ngư dân có vốn đóng tàu ra khơi.

Những chuyến biển đầu tiên

Ông Nguyễn Văn Bình - GĐ Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay đã có 6 chủ tàu được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt vay vốn đóng mới bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo NĐ 67, trong đó có 3 tàu vỏ gỗ được vay vốn của Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế.

Thông qua những ngư dân được vay vốn đóng tàu, Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế đã góp phần đem đến một luồng gió mới cho chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67 ở địa phương này.

Chúng tôi gặp ngư dân Trần Quân, ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An. Anh Quân cho biết được Agribank huyện Phú Vang cho vay hơn 7 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ gỗ theo nguồn vốn tín dụng ưu đãi NĐ 67. Cty TNHH đóng tàu An Thuận sau bốn tháng tập trung mọi nguồn lực với đội ngũ thợ lành nghề đã sớm hoàn thành con tàu gỗ cho anh Quân, như kế hoạch ban đầu để ra khơi.

Tàu cá vỏ gỗ của ngư dân Trần Quân có chiều dài 25m, rộng 7m, cao 3,2m, công suất 700CV. Tổng kinh phí đóng mới và trang bị ngư lưới cụ hơn 9,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay theo NĐ 67 là 70%, số còn lại 30% vốn là của ngư dân tự bỏ ra làm đối ứng.

Ngư dân Trần Quân cho biết dù đã sở hữu hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ, nhưng khi có chính sách hỗ trợ của Chính phủ, gia đình anh mạnh dạn vay vốn đóng mới chiếc tàu cá công suất lớn và lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để bám biển dài ngày.

Trước đó, cũng tại thị trấn Thuận An, hai chiếc “tàu 67” đầu tiên của ngư dân huyện Phú Vang được hỗ trợ đóng mới bằng vốn vay ưu đãi qua Agribank huyện Phú Vang. Đó là tàu dịch vụ nghề cá kết hợp đánh bắt xa bờ của ngư dân Nguyễn Văn Hóa, thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An, có công suất 480CV, với tổng chi phí 4,1 tỷ đồng, cũng được hạ thủy, ra khơi đánh bắt cá chuyến đầu tiên.

Còn tàu cá vỏ gỗ công suất 700CV, của ngư dân Phan Văn Chinh, trú thôn Vinh Hải, thị trấn Thuận An, có tổng kinh phí đầu tư gần 7,9 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng 2,3 tỷ đồng) được đóng hoàn thành vào đầu năm 2015. Tàu dài 22 m, trở thành chiếc “tàu 67” bằng gỗ có công suất lớn đầu tiên không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà của cả nước.

Tàu cá của anh Chinh đã có chuyến biển đầu tiên. Chỉ hơn 10 ngày ra khơi, tàu đánh bắt được gần 20 tấn cá các loại. Cá đưa vào bờ còn tươi nhờ bảo quản tốt, bán được giá, thu chừng 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, xăng dầu, anh Chinh còn lãi gần 200 triệu đồng.

Anh Chinh nói chuyến biển vừa rồi chỉ là thử nghiệm nên chưa thật sự vươn khơi. Những chuyến sau sẽ cho tàu vươn khơi đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hiệu quả hơn. 

Tàu dịch vụ lớn nhất

Với tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Minh Thông - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Trị cho biết NĐ 67 là cú hích để Agribank phát triển mạnh hơn nữa trong đầu tư vào nông nghiệp, nhất là thủy sản.

Ngay từ khi NĐ 67 ra đời, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với ngân hàng có vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Sau mấy tháng triển khai thực hiện NĐ 67, Agribank Chi nhánh Quảng Trị đã ký hợp đồng cho vay đối với 3 dự án đóng mới tàu vỏ thép và 1 dự án đóng tàu vỏ gỗ cho khách hàng hai huyện Gio Linh và Triệu Phong.

Chủ tàu Võ Văn Hữu ở thị trấn biển Cửa Việt, huyện Gio Linh được vay 95% của dự án, số tiền 18,25 tỷ đồng, đóng tàu vỏ thép công suất 1.200 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Tàu được đóng tại Cty TNHH Đóng tàu Cửa Việt.

Đây là chiếc tàu cá vỏ thép lớn nhất tỉnh Quảng Trị và có thể lớn nhất nước với những chiếc tàu được đóng theo NĐ 67. Theo thiết kế tàu dài đến 35m, rộng 7,2 m, riêng 3 khoang chứa cá có 3 thể tích gần 300m3, tầm hoạt động 1.500 hải lý, dự trữ nhiên liệu hoạt động đến 30 ngày trên biển. Ông Hữu là khách hàng truyền thống của Agribank huyện Gio Linh, có kinh nghiệm khai thác biển hơn 20 năm nay.

Hai chủ tàu còn lại là anh Võ Minh Bình ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, vay 12,45 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Anh Nguyễn Văn Hóa ở thị trấn Cửa Việt vay 12,45 tỷ đồng cũng đóng tàu vỏ thép. Ngư dân Võ Minh Bình cho biết anh là khách hàng lâu năm của Agribank huyện Gio Linh. Làm nghề biển luôn sóng gió, không có sự vào cuộc của ngân hàng thì một mình ngư dân không thể thực hiện được ước mơ đổi đời.

16-40-12_tu-2
Tàu vỏ thép của anh Minh Bình đang được đóng tại Cty Đóng tàu Cửa Việt

Với ngư dân Đinh Văn Trinh ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, vay vốn của Agribank huyện Triệu Phong 4,5 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ gỗ, nghề lưới chụp, trị giá 8 tỷ đồng. Mới đây, tàu của anh Chinh đã hạ thủy ra khơi đánh bắt cá.

Cả 4 dự án đóng tàu mà Agribank tỉnh Quảng Trị ký hợp đồng cho vay vốn thời gian qua là bước khởi động đầu tiên trong tiến trình đầu tư tín dụng theo NĐ 67 mà ngân hàng này thực hiện trên địa bàn.

Đồng hành cùng ngư dân

Quá trình tìm hiểu sự vào cuộc của Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế và Agribank Chi nhánh Quảng Trị trong quá trình triển khai thực hiện NĐ 67 của CP, chúng tôi thấy dù vẫn còn một vài băn khoăn về vướng mắc thủ tục của các ban, ngành, cơ quan chức năng liên quan như vấn đề thuế, bảo hiểm... nhưng với Chi nhánh Agribank hai địa phương này thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy nhất cho ngư dân.

Để có được kết quả ban đầu như hôm nay, Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã chủ động bố trí nguồn vốn, chỉ đạo chi nhánh các huyện ven biển chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tiếp xúc với ngư dân có đủ điều kiện vay vốn, giúp ngư dân làm thủ tục đảm bảo đồng vốn đến sớm và hiệu quả với ngư dân.

Ông Hoàng Minh Thông - GĐ Agribank Chi nhánh Quảng Trị cho biết sẽ tiếp tục cho thêm nhiều chủ tàu vay vốn đóng tàu vỏ thép cũng như cải hoán tàu cá theo NĐ 67 hiện đại nghề biển. Ngoài ra, còn tiếp tục hỗ trợ vay vốn đối với các hộ ngư dân khai thác biển, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, thu mua, xuất khẩu hải sản...

UBND tỉnh Quảng Trị đến nay đã phê duyệt cho 25 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn đóng mới theo NĐ 67. Trong đó có 8 dự án đóng tàu được triển khai với 6 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ.

Đến tháng cuối 7/2015, đã có 6 chủ tàu đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt vay vốn đóng mới bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo NĐ 67 với nguồn vốn vay hơn 21 tỷ đồng.

Không chỉ riêng việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67, Agribank Chi nhánh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế suốt mấy chục năm qua đã đồng hành cùng bà con nông ngư dân, luôn gắn bó với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông dân.

Agribank đã tiếp nhận gần 100 hồ sơ vay vốn theo NĐ 67

Theo Agribank Việt Nam, đến 18/8, thông qua các chi nhánh trên toàn quốc, ngân hàng này đã tiếp nhận 99 hồ sơ vay vốn đóng tàu theo NĐ 67.

Trong đó có 27 tàu thép; 2 tàu composite; 70 tàu gỗ. Hiện tại, trong số hồ sơ trên đã có 54 khách hàng ký hợp đồng tín dụng, trong đó có 38 khách hàng đã được giải ngân với tổng vốn 166 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ giải ngân hết các hợp đồng tín dụng đã ký với số vốn đến 434 tỷ đồng.

Theo đó, các Chi nhánh Agribank triển khai cho vay NĐ 67 trên toàn quốc gồm Bình Thuận, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vũng Tàu, Sóc Trăng.

 

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất