| Hotline: 0983.970.780

Muốn mãng cầu xiêm có nhiều trái

Thứ Sáu 12/11/2010 , 10:22 (GMT+7)

Nếu được thụ phấn nhân tạo cây sẽ đậu trái rất nhiều so với cứ để tự nhiên phó mặc cho cây “tự lo” (người có kinh nghiệm thụ phấn, tỷ lệ đậu trái có thể đạt tới 80-90%).

Hỏi: Gia đình tôi có trồng một số cây mãng cầu xiêm ghép Bình bát, cây phát triển rất tốt, ra nhiều bông, nhưng chỉ đậu rất ít trái, trái đậu được thì lại méo mó, không mẩy đều, nhìn xấu xí. Xin cho biết cách nào làm cho cây có nhiều trái, trái to và mập?

Huỳnh Văn Chín (Mỹ Phước, Tân Phước, Tiền Giang) 

Trả lời: Khác với hoa của nhiều loại cây ăn trái, nhị cái của hoa mãng cầu xiêm lại trưởng thành trước nhị đực. Khi cánh hoa trong nở, nhị cái đã tươm mật sẵn sàng cho thụ phấn thì nhị đực vẫn chưa già để sẵn sàng tung phấn thụ cho nhị cái. Khoảng 3-4 ngày sau, khi nhị đực già sẵn sàng tung phấn thì nướm của nhị cái đã bắt đầu héo. Chính vì sự “lệch pha” này mà qúa trình tự thụ phấn của hoa mãng cầu xiêm rất khó xẩy ra, như vậy mãng cầu xiêm đòi hỏi phải có thụ phấn chéo (nhờ côn trùng hay những tác nhân khác).

Nhưng hoa của mãng cầu xiêm lại không có mùi thơm để dẫn dụ côn trùng, cánh hoa lại dầy và khi nở lại hé ra rất ít, khiến cho các loài côn trùng rất khó chui vào. Mặt khác hoa lại mọc chúc xuống ... nên rất trở ngại cho việc giúp sức của côn trùng, chỉ có kiến (chủ yếu là kiến đen) mới chui vào được để hút mật và qua đó giúp thụ phấn cho hoa. Do đó rất ít hoa được thụ phấn để đậu trái, những hoa không được thụ sẽ bị đen và rụng.

Mặt khác với cách thụ phấn trên đây, phấn sẽ không được phân bố đều trên nướm của nhị cái, chỗ nào không có phấn các múi ở đây sẽ không phát triển được, sẽ làm cho trái phát triển không đều, méo mó xấu xí như bạn đã thấy.

Để khắc phục tình trạng này bạn phải thụ phấn nhân tạo. Bằng cách chọn những hoa nhỏ, hoa có cuống nhỏ, hoa phát triển không cân đối, hoa ở ngoài chóp cành, hoa trên cành nhỏ... là những hoa thường khó đậu trái (nếu có đậu trái thì trái cũng nhỏ, chất lượng kém) để lấy phấn. Giữ lại những hoa to, hoa có cuống to, hoa phát triển cân đối, không bị sâu bệnh mọc ra từ thân, cành chính để thụ phấn tạo trái.

Khi thấy hoa cần lấy phấn sắp nở (cánh đã phát triển dài, có mầu trắng vàng, các cánh đã tách rời nhau, túi phấn của nhị đực đã chuyển dần từ mầu vàng đậm sang mầu xám nhạt (quan sát kỹ sẽ thấy các túi phấn hơi gồ ghề hơn so với trước đó) là có thể thu hái được.

Thời gian thu hái hoa tốt nhất là vào buổi chiều mát. Sau khi hái, đặt hoa trên giấy trong một cái hộp kín để khỏi mất nước và không bị gió làm bay mất phấn. Sáng hôm sau bao phấn nứt thì tách bỏ cánh hoa, giũ cho túi phấn rơi hết xuống giấy, rồi dùng một que nhỏ (trên đầu có gắn bông gòn) chà nhẹ lên túi phấn để tách hạt phấn ra khỏi bao phấn (lượng phấn của một hoa có thể thụ cho 6-7 hoa cái).

Những hoa có ba cánh trong đã mở, nuốm nhị cái có mầu trắng, đầu nuốm đã tiết ra nhiều chất dính là thụ phấn được. Cách thụ phấn như sau: tay phải cầm cây cọ mềm chấm vào bột phấn, tay trái kẹp bông hoa muốn thụ phấn vào kẽ ngón tay, đầu ngón cái banh cánh hoa rộng ra, tay phải nhẹ nhàng quét lông của cây cọ (đã có dính sẵn phấn hoa) đều khắp nướm của nhị cái (nếu quét không đều, sau này trái sẽ bị lép, không mẩy đều).

Muốn có kết qủa cao, nên thụ phấn vào lúc 8-9 giờ sáng. Vào thời điểm ra hoa rộ khoảng 3-4 ngày thụ phấn cho vườn một lần. Nếu được thụ phấn nhân tạo cây sẽ đậu trái rất nhiều so với cứ để tự nhiên phó mặc cho cây “tự lo” (người có kinh nghiệm thụ phấn, tỷ lệ đậu trái có thể đạt tới 80-90%).

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất