| Hotline: 0983.970.780

Muộn phiền vì con gái vô tâm, con rể như khách

Thứ Hai 06/07/2020 , 15:33 (GMT+7)

Hãy trò chuyện thẳng với các con và ai về nhà nấy, sẽ tốt hơn, tôi tin chàng rể sẽ hoan hô và có khi, con gái của ông anh cũng thấy ra vấn đề.

Chị thân mến!

Tôi biết tôi nhiều hơn chị một ít tuổi, nhưng chị Dạ Hương là một danh xưng. Tôi buồn và cảm thấy bế tắc, tôi phải tâm sự với chị cho dù chuyện có thể phơi bày trên mặt báo.

Nhà chúng tôi là nhà tiếp đất hai lầu. Khi về hưu thì tôi lập tức biến thời gian trống thành vườn rau trên sân thượng. Vợ tôi xưa nay chỉ thuần nội trợ nhưng khi vào tuổi sáu mươi thì sức khỏe xuống thấy rõ. Cô ấy cứ đau đáu là đem con gái về ở chung, cho vui tuổi già. Tôi đã nói rồi, độc lập tự do không gì quý bằng, coi chừng hối hận.

Viện lý do mẹ già yếu, con gái đành nghe theo. Nhưng có chàng rể nào chịu phép với nhà vợ đâu. Đến khi vợ tôi 65 tuổi, tôi vào thất thập thì con rể như là xếp giáp quy hàng, nghe lời vợ. Nhà của nó cho thuê, lấy tiền thuê lại người đưa đón các con chúng nó học hành xa hơn. Tôi linh cảm sẽ không yên ổn.

Không ngờ người nhiều tuổi nhất lại là người phải gánh vác nhất. Đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, phơi phóng, giặt giũ… đến tay hai người già mà cụ thể là đến tay tôi.

Vì tôi khỏe chân, lên sân thượng bấm máy, phơi rồi canh đồ để lấy vô. Trồng rau đã cực, thu hoạch, làm rau và nhiều lúc nấu nướng luôn. Tính tôi hay làm, hay giúp vợ, tôi đâu có ngại, vì vậy với con cái thì tôi quá hoàn thiện, khỏe mạnh, giỏi giang, miễn bàn.

Vấn đề ở chỗ, rể là khách, một gã đàn ông sống như khách, thì có thỏa đáng và công bằng không? Bởi tội gì nó mó tay vô trong khi ba vợ quá hoàn hảo, nhanh nhẹn, kỹ tính, tuyệt vời.

Và không gian sống của tôi bị đảo lộn kinh khủng bởi 4 thành viên nữa ăn uống, ra vào, bày biện, bỏ mặc. Thấy ba mẹ rảnh rỗi, bàn đến chuyện thuê người, chúng gạt đi, đứa phản đối nhất lại là con gái tôi.

Tôi không trách chúng nó mà chỉ trách vợ tôi. Vì sao phải đưa đầu vào cái bẫy mấy thế hệ chung đụng này? Vui ư, xưa rồi, có vui không khi chồng mình già mà vẫn lọm cọm như lão bộc? Tôi bực bội, tôi bực bội thường xuyên với vợ vì đã đưa mọi người vào tình thế đi cũng dở mà ở không xong.

Vì sao con như thể vô tâm, vì sao rể như ngấm ngầm “chơi” lại chúng tôi, hai kẻ đã hết lòng hầu hạ gia đình nhỏ của nó? Vì sao hậu quả lại ngược với mong muốn tốt đẹp như vậy hả chị?

Chào ông anh!

Rất lâu mới có một người đáng tuổi anh tôi mà lại muốn viết thư tâm sự với chị Dạ Hương. Vinh hạnh cho tôi quá. Cảm ơn ông anh đã tín nhiệm tôi.

Ông anh ạ, tôi cũng rất giống ông anh ở chỗ, độc lập là tự do, có tự do sẽ có tất cả, niềm vui tự nhiên, sự sở hữu thời gian của mình, ăn uống của hai người già theo sở thích và tuổi tác, cuối cùng, những thứ ấy cộng lại thành sức khỏe mà đã có sức khỏe về già, ấy là hạnh phúc lớn nhất.

Có lẽ trong một giai đoạn mềm yếu của người đàn ông, anh đã nghe vợ vô điều kiện. Rất nhiều người ở xứ văn minh, khi một người mất đi, người còn lại vẫn sống ở đó, một mình.

Phải quan niệm không gian sống của mình nó như cái ổ, nó cần được giữ gìn, được bảo trọng. Anh và vợ đang chưa già, mà nghe vợ, làm như đã già. Thế là nì nèo con gái cho bằng được, về sống cùng đi, cho vui.

Chắc chắn sẽ vui ít buồn nhiều. Thời nay con người bận rộn, con người đi làm là quen sống ngoài đường, ăn ngủ công sở, con của họ thì cũng ăn ngủ ở trường học. Khoảnh khắc sum họp hiếm hoi của gia đình là bữa tối.

Về sống với ông bà ngoại, không gian ấy của chúng đâu còn riêng tư nữa. Thế là sinh chuyện, sẵn tính ích kỷ cố hữu của dân đô thị, chúng bơ luôn, ông bà còn mạnh khỏe, ham ôm đồm mà, cứ thế nhé nhé.

Bực với con gái còn khó nói huống chi bực với rể. Không chàng rể nào tự dưng thích về sống với cha mẹ vợ đâu, không có đâu. Vì chúng nhường mình nên mình phải thể hiện, phải tận tâm, tận hiến chứ.

Ngược đời là ở chỗ này. Rồi mọi thứ thành nếp, thành kiểu sống, ba mẹ già hay làm, khó tính, cứ làm đi, đây né ra cho yên thân. Và các cháu ngoại có lẽ cũng thành ích kỷ, không tham gia, không biết việc nhà là gì nữa.

Vậy thì ông anh phải “vùng lên”, thu xếp theo ý mình đi. Vợ không thấy chồng cực, nghĩa là vợ yêu con cháu chứ không yêu chồng, yêu phải xót và phải đồng thuận độc lập tự do với chồng chứ.

Mất quyền tạm thời thôi. Hãy nói thẳng, trò chuyện thẳng với các con và ai về nhà nấy, sẽ tốt hơn, tôi tin, chàng rể sẽ hoan hô và có khi, con gái của ông anh cũng thấy ra vấn đề rồi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất