| Hotline: 0983.970.780

Muốn tích tụ đất đai... cần xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất

Thứ Sáu 14/10/2016 , 08:24 (GMT+7)

Muốn tích tụ đất đai cho nông nghiệp bứt phá, cần xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất. Đó là quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Những hạn chế về thời gian sử dụng và diện tích đất làm cho nhiều người không muốn bỏ tiền đầu tư vào đất. Ai cũng muốn tài sản của mình là vĩnh viễn. Muốn tích tụ đất đai cho nông nghiệp bứt phá, cần xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất.

GS Đặng Hùng Võ (ảnh) cho rằng, một trong những yêu cầu của CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn thì tích tụ đất đai luôn được đặt ra. 

15-15-38_img_3420

 

Thiếu chữ tín và lòng tin

Thưa GS đã có nhiều cách làm trong tích tụ đất đai. Một trong những việc làm đó là mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên mỗi khi có biến về giá thì hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp rất dễ bị phá bỏ. Vậy có cách nào đảm bảo tính bền vững cho mối liên kết này không?

Tôi cho rằng, mối liên kết nào thì cũng lấy "chia sẻ lợi ích" làm trọng tâm. Doanh nghiệp thuê đất của nông dân để tích tụ đất đai tạo nền sản xuất lớn cũng phải lấy lợi ích cho 2 bên làm trục chính.

Trên thực tế đã xẩy ra tình trạng doanh nghiệp thuê đất của nông dân 20 năm theo giá đất khi ký hợp đồng, được 5 năm giá thuê đất lên cao làm người nông dân thấy thiệt thòi, muốn xóa bỏ hợp đồng để đòi lại đất.

Ngoài hình thức thuê đất còn nhiều hình thức khác liên kết về bao tiêu sản phẩm cũng dẫn tới tình trạng phá bỏ hợp đồng khi giá sản phẩm biến động. Đây là một cái yếu trong xã hội ta hiện nay nói chung, nhất là khu vực nông thôn.

Phần nào đó do dân trí chưa cao, tư duy thường ngắn, xử lý còn theo kiểu "láu cá", nên việc phá vỡ hợp đồng mới xẩy ra. Vì một vài lợi ích nhỏ mà phá bỏ hợp đồng, phá bỏ cả mối quan hệ tiềm năng lâu dài. Tình trạng này cũng phản ánh phần nào về nhận thức đối với trách nhiệm của con người không cao.

Hai bên hợp tác với nhau nhưng thiếu thật lòng, thiếu chữ tín, thiếu lòng tin. Chính vì vậy mà mối liên kết, hợp tác đó chưa tạo ra cơ hội thay đổi thực chất chuỗi giá trị SXNN.

Theo GS thì làm gì để khắc phục tình trạng đó?

Trước hết phải nâng cao dân trí. Đừng nhìn vào lợi ích trước mắt mà phải nhìn vào lợi ích lâu dài; có thế thì hợp tác mới bền chặt như mối quan hệ công nông liên minh. Tiếp đó, Hội Nông dân phải năng động, tích cực hơn với vai trò bảo vệ quyền lợi cho nông dân là hội viên của mình.

18-02-05_img_2003
Ảnh: Văn Hùng
 

Hội Nông dân phải đứng ra giúp người nông dân khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, thậm chí tham gia ký như một bên thứ ba. Khi xẩy ra tranh chấp hợp đồng, Hội đóng vai đại diện cho lợi ích người nông dân đứng ra giải quyết với doanh nghiệp.

Hiện nay, Hội Nông dân chủ yếu mới bảo đảm nhiệm vụ chính trị mà Đảng giao cho, chưa hoàn thành nhiệm vụ KT - XH mà giai cấp nông dân giao phó. Khi Hội Nông dân làm tốt nhiệm vụ KT - XH thì cũng là lúc Nhà nước không cần chi ngân sách cho hoạt động của Hội nữa. Hội Nông dân hoàn toàn có thể chỉ sử dụng nguyện phí do nông dân đóng góp để hoạt động.

 

Thị trường yếu

Có một thực tế là chính quyền rất rốt ráo tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy, xí nghiệp, xây dựng khu đô thị nhưng lại không thể tạo mặt bằng sạch trên ruộng đồng để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Vì sao vậy thưa GS?

Theo chính sách của Việt Nam, Nhà nước không cho phép thu hồi đất của nông dân để doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp. Đấy chính là một trong những lý do doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nông nghiệp, buộc họ phải tìm các phương thức khác nhau để có đất.

Tôi cho rằng chính sách này là đúng. Bởi vì nếu Nhà nước cho phép thu hồi đất nông nghiệp của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư dự án thì chẳng mấy chốc nông dân sẽ mất hết đất.

Liệu như thế có mâu thuẫn không thưa ông, trong khi chúng ta đang kêu gọi tích tụ đất đai?

Không, không hề mâu thuẫn. Vì đầu tư vào khu vực công nghiệp và dịch vụ là những dự án chúng ta cần khuyến khích, đặc biệt là các dự án phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, khu công nghệ cao. Đấy là định hướng cơ bản của quá trình công nghiệp hóa, Nhà nước cần trực tiếp can thiệp vào quá trình chuyển dịch đất đai.

18-02-05_img_1970
Ảnh: Văn Hùng
 

Còn đối với khu vực nông nghiệp, không hề xẩy ra quá trình chuyển dịch đất đai, đất nông nghiệp vẫn là đất nông nghiệp thì Nhà nước không cần can thiệp. Lúc này, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất (nông dân) để phát triển. Nông dân luôn phải là người được canh tác trên thửa đất của mình, doanh nghiệp phải là người tìm kiếm lợi ích từ giá trị gia tăng trên đất đai, trên nông sản trong mối quan hệ hợp tác với nông dân.

Hai ngữ cảnh đất đai này hoàn toàn khác nhau. Phương thức phát triển khu vực công nghiệp và dịch vụ hoàn toàn khác với phương thức phát triển khu vực nông nghiệp.

Có một vấn đề cũng không ít băn khoăn. Đó là chúng ta có thị trường bất động sản nhưng lại chưa có thị trường đất nông nghiệp. Liệu như thế có công bằng với nông nghiệp, nông dân không? Qua khảo sát, nông dân Vĩnh Phúc bán một sào ruộng 130 triệu, Hưng Yên bán 230 triệu. Nếu thế 1ha đất, doanh nghiệp phải bỏ ra hàng tỷ đồng để mua thì e khó. Vậy cần mô hình nào để có thị trường đất đai hợp lý thưa GS?

GS Đặng Hùng Võ tâm sự rằng, nhiều khi chúng ta cứ lo rằng nếu bây giờ mà để tích tụ bung ra thì sẽ hình thành tầng lớp địa chủ mới. Tôi cho rằng mỗi lần tích tụ đất đai đều có lý do và hoàn cảnh riêng. Nếu ai đó muốn phát canh thu tô lúc này thì không phải là cách làm giàu nữa rồi vì tiền thu được từ tô không lại với tiền đã bỏ ra mua ruộng đất. Hơn nữa, cách quản lý hiện đại, Nhà nước hoàn toàn chế ngự được những tiêu cực có thể xẩy ra, không giống như ngày xưa.

Nói chưa có thị trường bất động sản đất nông nghiệp là không đúng. Nhà nước có đầy đủ khung pháp luật cho thị trường BĐS đối với đất nông nghiệp. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn đang tồn tại. Chỉ có điều thị trường này chưa phát triển, phần giao dịch chính thức còn quá thấp.

Giá đất như khảo sát trên nó đặt ra vấn đề là đất nông nghiệp đó có gắn với hạ tầng hay gần khu đô thị không? Đất khu vực thuần túy nông nghiệp gắn với hạ tầng kém cỏi, xa khu đô thị thì không cao đến thế đâu!

Những vùng nông dân còn nghèo, vùng sâu có khi chưa đến chục nghìn/m2, vài triệu đồng/sào. Thế thì cả nông và công nghiệp hãy đến những chỗ đó mà đầu tư, đừng chọn chỗ đất nông nghiệp gắn với hạ tầng tốt, gần đô thị, giá quá đắt để đầu tư, rồi kêu không đủ khả năng.

Đầu tư là phải cải tạo, tìm ra giá trị tăng thêm từ việc đầu tư chứ không tìm lợi ích từ đất.

 

"Ai cũng muốn tài sản của mình là vĩnh viễn"

Rõ ràng qua phân tích của GS thì việc đầu tư vào khu vực nông nghiệp đang có sự bất cân đối. Tuy nhiên, trên bình diện chung, tôi thấy việc tích tụ ở ta đang diễn ra dưới hai dạng, một là tích tụ với tư cách là tư liệu sản xuất, hai là với tư cách là hàng hóa. Song cả hai đều chưa mang lại hiệu quả, ngay cả với tư cách hàng hóa cũng đang đậm tính đầu cơ. Phải chăng chế độ hạn điền thực chất là rào cản của tích tụ?

Việc chuyển nhượng, thuê, góp vốn đều được tự do, không có giới hạn về pháp luật. Vấn đề nằm ở hạn mức thời gian (thời hạn sử dụng đất là 50 năm) và hạn điền không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất. Mọi giới hạn cả về không gian và thời gian đều dẫn đến giới hạn đầu tư cho phát triển.

18-02-05_img_1887
Ảnh: Văn Hùng
 

Cho nên nói về hành lang pháp lý, chính những hạn chế về thời gian sử dụng và diện tích đất làm cho nhiều người không muốn bỏ tiền ra đầu tư vào đất. Với tư cách là tư liệu sản xuất, cần đầu tư hạ tầng tốt mới đủ để sử dụng lâu dài; với tư cách là tài sản, ai cũng muốn tài sản của mình là vĩnh viễn.

Thành ra, theo tôi, nông nghiệp bứt phá lên được thì phải tập trung được đất đai để có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đất đai phải được sử dụng lâu dài để những người nông dân yên tâm đầu tư chiều sâu. Nói cách khác, phải xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mới có được động lực mới trong CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Thưa GS, việc tích tụ đất đai ở ĐBSCL nhìn chung đang diễn ra nhanh hơn miền Bắc. Phải chăng do tâm lý người dân hay do chính quyền trong đó mạnh bạo?

Kết quả đó không phải do chính quyền mạnh bạo. Đây là do tư duy của những con người nói chung ở phía Nam gần với kinh tế thị trường hơn, cái đuôi bao cấp đã cắt gần hết rồi. Còn ở phía Bắc, cái đuôi của tư duy bao cấp vẫn còn và thể hiện ra cả hành động.

Chính vì vậy, việc tích tụ đất đai ở phía Nam diễn ra nhanh hơn. Tại các tỉnh ĐBSCL tích tụ đất đai ngày càng mạnh hơn vì người nông dân sớm nhận thức được đây là cách duy nhất để làm giầu trên đất nông nghiệp. Mặt khác, trong đó có công nghiệp phát triển, lực lượng lao động nông thôn được hút vào các KCN và đô thị. Do đó, đất đai rơi vào tay người chí thú làm nông nghiệp.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.