Với khát vọng tự do của các đội viên đã làm lừng lẫy một vùng đất. Còn các thế hệ ngày nay thì khát vọng vươn lên từ đất…
Khu di tích Cổ Văn. |
Tháng 9/1997, lần đầu tiên tôi về Mường Lai tham dự lễ khởi công xây dựng công trình thủy lợi Từ Hiểu và Roong Đen do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Đây là cụm công trình thủy lợi lớn nhất và kỳ vĩ nhất tỉnh Yên Bái tưới cho ba xã Mường Lai, Vĩnh Lạc và Minh Tiến với gần 500ha.
Sau đó tôi mới biết rằng chính mảnh đất Mường Lai là nơi thành lập đơn vị vũ trang nhân dân đầu tiên của huyện Lục Yên - Đội du kích Cổ Văn.
Thủy lợi Từ Hiếu, công trình thủy lợi lớn của tỉnh Yên Bái. |
Tháng 6/1945 đoàn cán bộ của Tổng bộ Việt Minh đến xã Cổ Văn và Từ Hiếu để tuyên truyền cách mạng, sau một ngày tuyên truyền đã có 6 người tình nguyện theo Việt Minh lập đội du kích. Sau 5 ngày kể từ khi cán bộ Việt Minh đến xây dựng cơ sở cách mạng, ngày 19/6/1945 Đội du kích Cổ Văn chính thức được thành lập với 27 đội viên. Tất cả tuyên thệ: Vì độc lập tự do sẵn sàng hy sinh tính mạng cho Tổ quốc…
Đội du kích Cổ Văn không chỉ luyện tập quân sự sẵn sàng chiến đấu mà còn phổ biến các chính sách của Việt Minh, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Nhiều lần Đội du kích tổ chức mai phục, đánh tan các đội quân tay sai của Pháp là Quản Ván, Quản Lộc và Vàng Xập.
Tiếng tăm Đội du kích Cổ Văn lừng lẫy khắp vùng Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang và Lào Cai. Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập, ngày 24/7/1945 Đội du kích Cổ Văn cùng Việt Minh đánh phá đồn giặc giành chính quyền ở Châu Lục Yên sớm nhất tỉnh Yên Bái.
Qua những biến thiên của lịch sử, Mường Lai được hình thành sau khi sáp nhập xã Cổ Văn và Từ Hiếu với tổng diện tích đất đai 4.319ha, trong đó có 374,5ha ruộng nước, Mường Lai là xã có diện tích ruộng lớn nhất huyện Lục Yên. Thế nhưng, Mường Lai vẫn là xã đặc biệt khó khăn, đó là nỗi trăn trở của nhiều người về một vùng đất trù phú và giàu truyền thống cách mạng này. |
Tôi đã vài lần trở lại Mường Lai, trong thâm tâm tôi luôn đặt ra câu hỏi: Hiếm có xã nào ở huyện Lục Yên đất đai rộng lớn lại trù phú, dân cư đông đúc gần 9.000 người sao cứ đì đẹt là xã đặc biệt khó khăn?
Lần này trở lại Mường Lai tôi hỏi Triệu Văn Huấn - Phó bí thư Đảng bộ xã khi cùng anh đi vào các thôn bản tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Huấn, im lặng một lát rồi anh thành thật: Tôi vừa được điều động từ huyện về đây chưa được một tháng, mặc dù những năm công tác tôi từng qua lại xã này nhiều lần nên cũng nắm sơ sơ tình hình kinh tế, xã hội ở đây. Quả thật, để trả lời câu hỏi này chẳng dễ chút nào…
Đi dọc các thôn bản Mường Lai, tôi có cảm giác một vùng quê thanh bình với những ngôi nhà sàn ẩn khuất dưới những lùm cây xanh đen, trong đó nhiều ngôi nhà sàn đã được bê tông hóa, ngồi nói chuyện với những con người ở đây trong họ cháy lên những khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất nơi này.
Anh Phan Văn Mới, thôn Nà Bái đang dựng ngôi nhà sàn 4 gian, cách nay vài chục năm, khi gỗ rừng còn nhiều thì người ta chỉ việc lên rừng đốn gỗ về làm nhà.
Để làm được ngôi nhà sàn thì họ phải chuẩn bị 2 - 3 năm, còn bây giờ có tiền là làm được, tất cả được bê tông hóa, từ cột, xà, đòn tay… Công nghệ làm nhà sàn bê tông đã đến độ tinh xảo, nếu được sơn giả gỗ thì ít người phân biệt là gỗ hay bê tông.
Anh Mới cho biết, ngôi nhà sàn anh đang dựng thời gian từ khi đặt móng đổ cột đến khi hoàn thành chỉ hơn hai tháng, giá 350 - 400 triệu là cùng.
Những ngôi nhà sàn bê tông hóa ở Mường Lai. |
Tôi hỏi anh về số tiền để làm ngôi nhà sàn như thế này chắc phải đi đào đá quý chứ? Mới lắc đầu: Đất Mường Lai là đá quý rồi, cứ chăm chỉ làm ăn, rồi chăn nuôi trâu, bò, lợn gà… mỗi năm tiết kiệm một ít là đủ tiền dựng nhà. Tôi hỏi anh về đất Mường Lai nhiều hộ giàu lên từ cam sao anh không trồng cam. Mới lắc đầu: Nhà tôi có ít đất rừng, cũng đang tính trồng cây ăn quả nhưng đất dốc quá, phải để mọi người làm trước xem có được không…
Anh Phan Văn Mới giới thiệu “công nghệ” dựng nhà sàn bê tông. |
Nói đến trồng cam thì người dân Mường Lai ai cũng biết đến ông Nông Văn Ba, nhà ông cũng ở thôn Nà Bái cách nhà anh Mới chừng nửa cây số nằm giữa cánh đồng. Đây là vùng đất trũng, nhìn đất vườn nhà ông toàn sỏi đá, tựa hồ đây là lòng con suối sau nhiều năm được bồi đắp. Đang vào mùa thu hoạch vợ chồng ông Ba bận tíu tít vào việc hái quả, khách đã đặt tiền mua mấy tấn cam sẽ lấy trong vài ba ngày tới. Bởi thế, từ sáng sớm vợ chồng ông đã dậy hái cam, ông bảo: Khách hàng điện suốt ngày, họ giục quá mà không dám nhờ người hái, sợ họ không biết lựa quả, lại vít cành quá tay sẽ hại cho cây…
Mảnh đất trước nhà ông hơn 10 năm trước trồng đủ loại cây sắn, khoai, xoan, ổi… chẳng cây nào cho thu nhập ra hồn. Loay hoay đủ kiểu mà cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao. Từ lâu ông đã nghĩ tới chuyện trồng cam, bởi Lục Yên là đất cam sành nổi tiếng, nhưng nhiều vườn cam đã thoái hóa nên ông quyết định mua 100 cây cam Vinh về trồng.
Ông Nông Văn Ba cắt cam. |
Do nằm trên nền đất trũng, ông phải đánh rãnh cho thoát nước, sau ba năm cây cho quả bói, ăn ngọt đậm lại có mùi thơm đặc biệt nên ông quyết định đầu tư và mở rộng vườn cam. Cây không phụ công người, vườn cam xanh ngằn ngặt, chỉ mấy năm không ai còn nhận ra mảnh đất sỏi đá khi xưa. Mới đầu ông mang cam ra chợ Mường Lai bán dăm sáu chục cân, thương lái nếm thử thấy ngon đã vào tận nhà xin mua cả vườn.
Mỗi năm vườn cam cho gia đình ông thu nhập vài ba chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Từ 100 gốc cam ban đầu ông phá bỏ toàn bộ diện tích vườn tạp quanh nhà để trồng cam. Đến nay nhà ông có gần 500 gốc cam các loại: Cam Vinh có 400 gốc, trong đó có 100 gốc 14 tuổi, 300 gốc từ 2 - 6 tuổi; cam sành 70 gốc. Trung bình mỗi năm vườn cam của gia đình thu khoảng 200 - 250 triệu, khách đến tận vườn mua không mấy khi ông phải chở cam ra chợ bán.
Khách đến tận nhà mua cam. |
Ông cho hay, nhiều hộ trồng cam ở Mường Lai mỗi năm thu từ 300 - 500 triệu không còn hiếm, mùa thu hoạch ô tô về mua cam đỗ chật các con đường. Hỏi ra mới biết Mường Lai có 200ha cam, tính ra mỗi năm có trên 2.000 tấn cam được bán ra, thu về 3 - 4 tỷ đồng, nếu giá cao thì không dưới 5 tỷ.
Khi Triệu Văn Huấn nói về việc trồng dâu nuôi tằm, ông Ba trở nên sốt sắng: Đất nhà tôi còn khá nhiều, nếu cho thu nhập cao thì gia đình tôi xin đăng ký trồng dâu nuôi tằm đầu tiên, nhiều người cũng đang khao khát như gia đình tôi.
Triệu Văn Huấn ngẫm ngợi một lát rồi bảo: Tôi mới về đây, qua tiếp xúc với một số bà con, thấy khát vọng làm giàu của bà con từ đất đai là rất lớn, nhưng hãy bắt đầu từ đâu, trồng cây nào là điều cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng…
Phó bí thư xã Mường Lai Triệu Văn Huấn (phải) trao đổi với ông Ba về cây cối. |
Ông Ba bên những cây khôi nhung mới trồng. |
Ông Ba dẫn chúng tôi ra khu đất ven suối, nhà ông vừa đưa cây khôi nhung về trồng, tiếng Tày gọi là “pảng thưa”, dịch ra là cây bụng hổ, chữa bệnh trào ngược dạ dày đang được một số công ty dược thu mua, giá lá tươi 30.000 đồng/kg, lá khô 180.000 đồng/kg. Ông đã mua 1.000 cây về trồng, ông bảo: Nếu được giá thì khu vườn cam ở chỗ đất trũng này tôi sẽ trồng khôi nhung, em trai tôi cũng đã mua 3.000 cây giống về trồng. Cách đây hai hôm người ta gọi điện hỏi tôi đã có lá chưa để họ đến mua. Tôi có hai thằng con trai đang làm thuê ở Hà Nội, đợi tết chúng nó về tôi bảo chúng hãy ở nhà mà làm ăn, đất Mường Lai có đến nỗi nào đâu mà phải bỏ đất này mà đi… |