| Hotline: 0983.970.780

Mường Vôi ngày vỡ “ết”

Thứ Sáu 21/08/2009 , 09:16 (GMT+7)

Một thế hệ thanh niên người Mường ở xã Liên Vũ ào ạt lên bãi vàng, vùi mình với thuốc phiện tìm giấc mộng “kim vàng giọt lệ”. Gần một thập kỷ trôi qua, không ai để ý tới khối ung nhọt mang tên “ác mộng HIV” âm ỉ đeo đẳng. Chỉ đến khi người ta rỉ tai nhau rằng có người ở Liên Vũ chết vì “ết”, thì cơ sự đã vỡ ra xiết bao đau đớn.

Làng Mường Vôi bây giờ không còn nạn hút chích ma túy, nhưng cách đó chỉ 1km tại thị trấn Vụ Bản, người Mường Vôi cho biết vẫn còn nhiều kim tiêm vứt bữa ngoài bờ ruộng

Thời bãi vàng, bãi quặng ăngtimo Thung Bu (Lạc Sơn, Hòa Bình) bùng nổ, người ta kể rằng thuốc phiện bán như rau muống. Một thế hệ thanh niên người Mường ở xã Liên Vũ ào ạt lên bãi vàng, vùi mình với thuốc phiện tìm giấc mộng “kim vàng giọt lệ”. Gần một thập kỷ trôi qua, không ai để ý tới khối ung nhọt mang tên “ác mộng HIV” âm ỉ đeo đẳng. Chỉ đến khi người ta rỉ tai nhau rằng có người ở Liên Vũ chết vì “ết”, thì cơ sự đã vỡ ra xiết bao đau đớn. 

I. Ngồi trước mặt tôi trong ngôi nhà sàn mới “lên đời”, nền lát gạch hoa là anh lực điền Bùi Văn Công ở xóm Mường Vôi. Công sinh năm 1977, hiện đang mang trong mình căn bệnh HIV. Công chỉ mới biết mình bị dính căn bệnh không thể chữa trị này từ sau ngày cưới vợ năm 2005. Còn chính thức anh bị mắc bệnh từ bao giờ thì chính anh cũng bó tay. Vợ Công tên Lan ở xã Vũ Lâm, cách nhà Công mấy con dốc. Lan còn rất trẻ. Tôi đoán chị khoảng sinh năm 1984 hay 1985 gì đó.

Công kể rằng ngày yêu Lan, Công còn rất khỏe, chẳng có biểu hiện gì của một người mang bệnh. Nhưng khoảng những năm 2004 gì đó, thanh niên trong xóm Mường Vôi bắt đầu đã rỉ tai nhau chuyện có người trong xã chết vì bệnh “ết”. Công lại nghe cái bệnh “ết” ấy người hút chích là dễ lây nhất. Mà hút chích thì Công đã xài nhiều lắm. Vậy nên ngày tỏ tình với Lan, Công bảo: “Trước anh có hút chích thuốc phiện nhiều, mấy đứa bạn chơi chung với anh hồi trước nghe nói đã có người đã mang bệnh “ết”. Em có sợ và đồng ý lấy anh không?”. Lan âu yếm nhìn Công mà bảo rằng: “Em yêu anh, dù anh có bị bệnh gì đi nữa thì cũng quyết theo anh trọn đời”. Vậy là đám cưới.

Hai tháng sau, Lan có bầu và sinh hạ cho Công một bé gái bụ bẫm. Công thì vẫn quần quật dưới dòng sông Bưởi làm nghề đãi cát bán cho người làm xây dựng. Nhưng sức khỏe Công ngày càng yếu thấy rõ. Công hay mệt mỏi, chán ăn, đau cơ khắp mình mẩy. Một cái mụn nhọt mọc ngay ở mông. Công xuống bệnh viện Hòa Bình mổ đi mổ lại mấy lần vẫn không khỏi. Rồi bác sỹ xét nghiệm máu cho Công và xác định anh đã bị nhiễm HIV. Công tá hỏa đưa vợ con đi xét nghiệm, nhưng thật kỳ diệu!

Có lẽ quen sống với núi rừng nên sức đề kháng của Lan tốt, hiện cả hai mẹ con Lan vẫn âm tính với HIV. Công bảo: “Lúc biết mình bị nhiễm HIV, mình chẳng thiết sống nữa. Nhưng còn vợ con của mình thì sao đây. Được cán bộ y tế xã động viên và tư vấn nhiều, lúc nào mình cũng có cả trăm bao cao su trong nhà để quan hệ tình dục an toàn, giữ cho vợ mình và không sinh con nữa. Mình cũng bỏ rượu, bỏ thuốc và uống thuốc ARV đều đặn nên sức khỏe vẫn tốt”. 

II. Trưởng thôn Mường Vôi kể lại rằng, những năm 1990, những ông chủ hầm vàng và mỏ quặng ăngtimo ở Liên Vũ giàu nứt khố đổ vách. Có người nhờ vàng mà mua được cả xe Super Cup “kim vàng giọt lệ”, xây được cả nhà hai tầng, đi cả những đôi giày vài triệu đồng. Thế nhưng dân Mường Vôi thì chỉ là culi thực sự. Thắc mắc vì sao từ những năm 1997, bãi vàng Thung Bu đã bị lực lượng chức năng cấm khai thác nhưng mãi tới bây giờ, những người nhiễm HIV bùng phát bệnh.

Bùi Văn Công kể lại thế này: Khi cơn lốc vàng ở Thung Bu nổi sóng, Công vừa tròn 17 tuổi. Cái tuổi đầy hăm hở ấy hối thúc Công cùng hàng trăm thanh niên xã Liên Vũ phải tìm lên bãi vàng. Ký ức kinh dị ở bãi vàng Thung Bu bây giờ đã mờ dần. Công chỉ nhớ rằng ngày ấy người nào còn trẻ nghĩa là sẽ ở trên bãi vàng.

Người ta thành lập luôn một cái chợ ở giữa cánh đồng ngô Thung Bu bây giờ để chuyên phục vụ hàng quán cho dân đào vàng. Những người già ở Liên Vũ không còn sức đào vàng thì làm công tác “tiếp tế”, khuân đủ loại rượu cồn, thuốc lá, rau đậu và có cả những ông chủ bán buôn bán lẻ thuốc phiện nhan nhản. Nhưng vào thời gian này, dân đào vàng chỉ dùng thuốc phiện để hút. Tới khi bãi vàng bị cấm, những thanh niên Mường Vôi trở về thì đã nghiện. Một số nghiện nặng, quen với cuộc sống hầm lò vẫn cố bám lại trong núi sống dật dờ. Số trở về không còn tiền, không còn thuốc hút thì chuyển sang mua thuốc chích. Năm 1997, Công trở về từ bãi vàng và lên Lạng Sơn theo học tại trường Trung cấp Nông lâm.

Một lớp thanh niên trai trẻ của làng văn hóa Mường Vôi có năm sinh từ 1970 đến 1980 đang dần dần bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh HIV. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nhiều năm nay, tại xã Liên Vũ không còn đối tượng nghiện hút và người nhiễm HIV trẻ tuổi.

Đây được xem là thời kỳ “thay máu” cho tuổi trẻ ở Mường Vôi bước vào một giai đoạn mới. Những người nhiễm HIV ở Mường Vôi hầu hết đều có tinh thần lạc quan, sống hòa đồng đoàn kết với nhau trong làm ăn kinh tế. Tiêu biểu nhất phải kể tới anh Bùi Văn Công.

Trong những lần về quê tụ tập rượu chè, đám thanh niên Mường Vôi hùn tiền để chích. Một liều thuốc phiện 50 nghìn to bằng đầu ngón tay, đem nung chảy với nước cất, hút vào xilanh qua cái đầu lọc thuốc lá 1 lần được 60cc, đủ dùng chung cho 6 chiến hữu, mỗi chiến hữu chia nhau mỗi khoanh xilanh. Những đêm 2h sáng không có thuốc, thanh niên Mường Vôi thuê cả xe ôm, hoặc phi xe Simson xuống tận Tân Lạc mua cho bằng được. Theo nhận định của những bệnh nhân HIV tại Liên Vũ thì đây chính là giai đoạn mà HIV bắt đầu len lỏi vào Mường Vôi. 

III. Có lẽ ông trời cảm kích tấm lòng của Lan mà ban cho gia đình Bùi Văn Công sự kỳ diệu, khiến vợ con Công không bị nhiễm HIV từ chồng. Nhưng ở bản Mường Vôi thì không phải ai cũng có may mắn như vậy. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Vũ Bùi Văn Mạnh đem cả một quyển sổ quản lí bệnh nhân HIV của xã Liên Vũ ra thở dài: “Cả xã có bao nhiêu người đã bị dính HIV thì không thể biết được, bởi thuyết phục được người ta cho lấy máu đi xét nghiệm thật là khó. Hầu hết người nào chuyển sang giai đoạn cuối rồi mới biết là mình dính HIV. Lúc đó phải lựa chiều tỉ tê với vợ con họ bí mật cho lấy máu đi xét nghiệm”.

Trạm trưởng Mạnh không cho tôi xem danh sách bệnh nhân HIV của xã vì luật không cho phép công bố. “Nhà này có người HIV nhưng có khi nhà bên kia tường rào cũng không biết. Luật Phòng – chống HIV quy định như vậy nên tôi thấy như bó chân bó tay khi quản lí bệnh nhân ở địa phương” – anh Mạnh nói. Anh Mạnh chỉ tiết lộ toàn xã Liên Vũ hiện có 52 người đã chính thức xác nhận dương tính với HIV.

Từ khi xác nhận người nhiễm HIV đầu tiên năm 1997 (người này hiện vẫn còn sống ở miền Nam đã cùng gia đình) đến nay, đã có 24 người chết vì HIV, hiện toàn xã vẫn còn 28 người nhiễm HIV còn sống.  Trong đó riêng xóm Mường Vôi chiếm 21 người, hiện nhiều người đã chuyển sang giai đoạn cuối. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2009 đến nay, Liên Vũ đã có 3 bệnh nhân HIV chết. Trong đó Mường Vôi có 2 người. Người gần đây nhất chết tháng 6/2009. Xót xa nhất, lớp người “dính H” ở Mường Vôi đều có tuổi đời từ 29 đến 40. Hầu hết những người đã dính HIV đều chỉ mới được phát hiện sau khi họ đã có gia đình, sinh con. Khi chồng chết vì HIV, vợ con họ trở thành góa bụa.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất