| Hotline: 0983.970.780

Mướp hương chữa tắc sữa

Thứ Sáu 01/06/2012 , 10:09 (GMT+7)

Theo đông y, mướp hương vị ngọt, tính bình; có tác dụng làm điều kinh, ngừng bạch đới, bình can ngưng phong, làm mát, nhuận da...

Mướp hương có tên khoa học là Luffa eylindrica (L.) M.J.Roem, thuộc họ Bí (Cucurbitaceae) được trồng ở khắp nơi để lấy quả làm thức ăn và các bộ phận khác dùng để chữa bệnh. Gọi là mướp hương là do quả mướp thoang thoảng hương nếp như mùi lá dứa thơm. 

Theo đông y, mướp hương vị ngọt, tính bình; có tác dụng làm điều kinh (phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều nên ăn mướp xào với tôm cả vỏ), ngừng bạch đới, bình can ngưng phong, làm mát, nhuận da, thông đại tiểu tiện; thường dùng để chữa các chứng bệnh như: Sốt cao phiền khát, viêm họng, viêm phế quản, trĩ, bạch đới, viêm đường tiết niệu, sản phụ sữa không thông, táo bón (trái mướp nấu canh ăn).

Quả mướp nấu canh ăn hằng ngày có tác dụng nhuận tràng và làm dịu đau (chính là do chất nhày chứa với hàm lượng cao trong quả). Quả mướp non ninh với chân giò hoặc móng giò lợn là thuốc tăng tiết sữa và làm máu lưu thông; xơ mướp được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là ty qua lạc, có vị ngọt dịu, tính bình, có tác dụng cầm máu, thông kinh lạc, chống co thắt, thúc sởi, lợi tiểu. Thân cây mướp: Lấy từ mặt đất trở lên độ 1m, chặt nhỏ, đốt tồn tính, tán mịn, uống mỗi lần 10g với ít rượu chữa viêm xoang mũi, chảy nước mũi và có mùi hôi.

 Lá mướp (dùng lá bánh tẻ), thu hái quanh năm, để tươi hoặc phơi khô. Dược liệu có vị đắng, chua, tính hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, giảm ho, giải độc, tiêu thũng…

Dưới đây là tác dụng của mướp

- Viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm bể thận: 200g mướp, nấu nhừ cho ít mật ong mà ăn, ngày ăn 2 lần.

- Chữa viêm họng: Lá mướp hương rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống làm một lần. Chữa ho, hen kéo dài: Lá mướp hương 15g nấu nước uống hoặc chế biến dưới dạng cao lỏng 1/1, mỗi lần uống 0,5ml.

- Chữa phù thũng: Lá mướp hương 15g phối hợp với cây cứt lợn 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày. Dùng 5 – 7 ngày.

- Chữa viêm xoang mũi, chảy nước mũi và có mùi hôi: Thân cây mướp: Lấy từ mặt đất trở lên độ 1m, chặt nhỏ, đốt tồn tính, tán mịn, uống mỗi lần 10g với ít rượu.

- Chữa đau lưng, đau hông do thấp nhiệt: Thân cây mướp 30g, phối hợp với xa tiền tử 30g, hổ trượng 15g, hoàng bá 10g, sắc nước uống ngày 1 thang.

- Chữa sốt cao, đau đầu: Hoa mướp 20g, hạt đậu xanh 100g. Đậu xanh để cả vỏ, ninh nhừ rồi lấy khoảng 400ml nước cốt. Vớt xác đậu xanh ra, cho hoa mướp đã thái nhỏ vào, đun sôi trong 5 – 10 phút. Để nguội. Chắt lấy nước uống làm 2 – 3 lần trong ngày.

- Chữa băng huyết: Đài của quả mướp hương 1 – 2 cái phối hợp với huyết dụ 2 – 3 lá, rễ cỏ tranh 20g, rễ cỏ giày 20g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa kinh nguyệt không thông, không đều: Dùng 1 trái mướp khô đốt tồn tính, tán bột, uống ngày 10g vào lúc sáng sớm (nếu được thì uống với 1 chút rượu).

- Chữa trĩ ra máu, rong kinh, băng huyết, kiết lỵ ra máu: Xơ mướp đốt tồn tính, tán bột, uống mỗi ngày 4 – 8g chia làm 2 lần chiêu với nước ấm.

- Chữa tắc tia sữa: Xơ mướp 1 cái, gai bồ kết 10 cái, hành tươi hoặc phơi khô 1 củ. Tất cả băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 2 – 3 ngày. Kết hợp xoa nắn vú cho thông tia sữa.

- Chữa hen: Xơ mướp 20g băm nhỏ, sao; hạt đay quả dài 12g, giã dập, sao. Trộn đều, sắc uống lúc nóng. Ngày hai lần. Dùng 2 – 3 ngày.

- Chữa bế kinh: Xơ mướp đốt tồn tính, tán nhỏ, trộn với tiết chim bồ câu trắng làm thành bánh, rồi phơi khô, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g với rượu vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).

- Chữa sởi (làm sởi mọc nhanh và mọc đều, hạn chế các biến chứng): Xơ mướp 20g, kinh giới 12g, bạch chỉ 12g, kim ngân 12g, cỏ mần trầu 8g, cam thảo nam 4g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa bệnh zonal: Dùng lá non vò nát, chấm nhẹ vào vùng mẩn nốt, nếu bị bên trong cơ thể thì dùng 10 - 15g xơ mướp sắc uống hằng ngày.

- Chữa thông sữa, lợi sữa: Dùng 1 trái mướp tươi, 10g muối ăn, nấu sôi với 1 lít nước, cho sản phụ uống đến khi sữa ra nhiều. Hoặc nấu mướp với chân giò heo để ăn.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.