| Hotline: 0983.970.780

Mứt tơ hồng

Thứ Ba 05/02/2019 , 14:01 (GMT+7)

Tết nào cha tôi cũng cho tôi mang tiền thưởng là một đồng (khoảng hơn chục cân gạo) và một gói mứt ra biếu và lễ Tết nhà u nuôi tôi...

Mỗi năm, Tết đến, tôi thường hồi tưởng lại việc ra lễ tết nhà u nuôi. Cách đây cả trăm năm rồi, làng tôi, làng Đình Bảng, làng có ông vua ban chiếu dời đô ra Thăng Long, những nhà khá giả bận việc làm ăn buôn bán, sau khi sinh con, thường tìm những phụ nữ tốt sữa, chẳng may con mới được vài ba hoặc dăm bảy tháng bị chết, mướn làm vú nuôi tại nhà, hoặc đem hẳn con mình về nuôi, tiền công hàng năm là bao nhiêu đó, vài ba năm, biết đi biết nói, mới đón về. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tôi không rõ và cũng chẳng bao giờ hỏi u nuôi tôi ở dạng nào, và cho tôi bú, chăm nom tôi đến khi tôi mấy tuổi, chỉ biết tình cảm u con rất hồn nhiên, sâu đậm, và khi tôi sáu bảy tuổi, đã đi học, Tết nào cha tôi cũng cho tôi mang tiền thưởng là một đồng (khoảng hơn chục cân gạo) và một gói mứt ra biếu và lễ Tết nhà u nuôi tôi.

Tất nhiên nhà u tôi nghèo lắm (Bánh khúc nhà u không ngon thật, u tôi chỉ giã vài ba lẻ bơ gạo trộn vào đấy… bánh khúc ăn trừ cơm – Truyện ngắn Rau Khúc Nếp – 1962), (Tôi đã bú sữa u tôi lúc bé, nên khi lớn, nhất là sau khi mẹ tôi mất, tôi càng hay ra nhà u tôi chơi, mặc dầu nhà u mái tranh lụp xụp, lúc nào cũng tối om, tôi lại càng quyến luyến với mùi đất mốc, mùi chiếu mốc, quần áo mốc” – Truyện  ngắn Sung Xanh – 1992).

Chẳng những quyến luyến với thầy u nuôi tôi, và cả với anh nuôi, anh Răm, và em gái nuôi, Tám, cứ như anh em ruột thịt vậy. Cả cho tới khi thầy u nuôi tôi đã qua đời, tôi vẫn không quên hàng năm ra nhà anh nuôi lễ Tết, đôi khi còn mang theo cả con mình để ghi nhận tình bác cháu. Tôi vẫn gọi anh bằng anh xưng em, cả khi anh có cháu gọi bằng ông, và con tôi đã học cấp ba. Mà giả dụ, giả dụ thôi, tôi có quên, thì cha tôi cũng không bao giờ quên nhắc: “Đã ra nhà anh nuôi chưa?”, cả khi tôi đã ngoài năm mươi và cha tôi đã xấp xỉ tám mươi. Anh em lại hàn huyên bao nhiêu chuyện, anh kể lại những lần cõng tôi đi xem hội, cõng tôi ra mộ, ngày tang lễ mẹ tôi, rồi những đêm trắng theo anh đi kéo vó tôm…

Còn Tám, em gái nuôi, mỗi lần tôi về làng, vô tình gặp Tám, khi ấy đã có chồng và có mấy con, Tám đều reo lên mừng rỡ : “Ô anh, chị có về không anh, ra nhà cụ chơi đi!” (Truyện ngắn Rau Khúc Nếp). Ngày anh nuôi tôi qua đời, lễ tang anh cũng không thiếu vắng tôi, mặc dầu tôi sống ngoài thành phố, và tôi buồn thương như mất người anh ruột.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ ra, không phải chỉ tôi, mà cha tôi cũng vậy, những năm tôi còn bé, ngày Tết cha tôi thường mang tôi ra lễ Tết nhà u nuôi mình, nhà cụ Trưởng, mà tôi gọi bằng bà, tôi chỉ còn nhớ bà đã còng, nhà không có tường bao quanh, thay vào là hàng cây găng đầy gai, có cả một cây găng cao to cạnh cổng.
Và mẹ tôi nữa, mẹ tôi cũng có lần mang tôi lên lễ Tết nhà u nuôi mình tận làng Đồng Kỵ cách làng tôi chừng bốn cây số, mà tôi gọi là bà Kời (tên nôm na làng Đồng Kỵ), tôi không biết lúc ấy mình mấy tuổi, vì sáu tuổi tôi đã mất mẹ, chắc mẹ tôi cũng phải thuê xe tay kéo đến nhà bà. Chỉ nhớ nhà bà có chiếc bể nước mưa bé xíu so với bể nước mưa nhà tôi, và nhớ nhất món mứt Tơ hồng bà đem ra, vàng óng như những búi tơ hồng sống ký sinh trên những bụi cúc tần cạnh bờ ao. Mứt Tơ hồng, kỷ niệm tuổi thơ tôi, kỷ niệm về bà nuôi, về mẹ tôi vẫn còn vàng óng trong tâm hồn tôi, ngay cả bây giờ, khi tôi đã gần chín mươi tuổi, mặc dầu tôi chưa bao giờ được thấy lại ở bất cứ đâu, chưa bao giờ được nghe nói đến, hình như không đâu có, hoặc đã từng có ở làng Kời nhưng từ lâu đã không còn nữa và đã trở thành tài sản tinh thần của riêng tôi.

Và tôi hiểu ra những tài sản tinh thần duy nhất ở trên đời tôi có được ấy chính là từ cha, mẹ, là nếp sống nhân nghĩa lễ, vốn có từ ông, bà cả bên nuôi lẫn bên ngoại tôi. Nhờ thế mà tôi viết được truyện Rau Khúc Nếp theo lời mời của Báo Văn Nghệ năm 1962 và phải sau ba mươi năm mới được in ra và được phát đi phát lại nhiều lần trên mục Đọc truyện đêm khuya Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam.

Vèo một cái lại Tết, những người thân yêu tôi nhắc tới nay đều đã ra đi lâu rồi, đời người quả ngắn ngủi, nhưng những điều về nhân nghĩa lễ thì còn lại mãi. Những cây găng, cây sung, bụi duối, bụi cúc tần, rau khúc tẻ, rau khúc nếp, những búi tơ hồng, mứt Tơ hồng… đều như có linh hồn, luôn lung linh sống động mãi trong tâm hồn tôi, và đẹp lắm, chứ không phải như mấy cơ thơ: … “Rồi từ hôm ấy ôm con chủ, trong cánh tay êm luống ngậm ngùi” như ai đó viết đâu.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm