Động thái này dự báo sẽ “thổi lửa” vào quá trình đàm phán thương mại giữa Washington với Bắc Kinh.
Kêu gọi tẩy chay
Chặng dừng chân đầu tuần này của ông Mike Pompeo là thủ đô Budapest của Hungary. Theo kế hoạch, ông Pompeo sau đó sẽ tiếp tục tới Slovakia và Ba Lan với cùng một thông điệp: kêu gọi các đồng minh loại trừ sử dụng các thiết bị của Huawei. Lịch trình của ông Pompeo cũng bao gồm cả các cuộc gặp chớp nhoáng với lãnh đạo Bỉ và Iceland.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto. (Nguồn: AP) |
Không phải ngẫu nhiên ông Pompei chọn Budapest làm điểm đặt chân đầu tiên ở châu Âu. Theo tờ Time, Hungary là thị trường lớn của Huawei ở châu Âu. Tập đoàn Trung Quốc từng cho biết đang phục vụ 70% nhu cầu người dân Hungary. Theo Time, Washington đã đưa ra thông điệp rất dứt khoát với các đồng minh: hoặc chọn Trung Quốc, hoặc chọn Mỹ.
“Đây là vấn đề chủ quyền quốc gia. Họ (Hungary) sẽ phải tự đưa ra quyết định. Chúng tôi chỉ chia sẻ những gì Mỹ nắm được về các rủi ro có thể xảy ra khi Huawei hiện diện tại đây. Đó là rủi ro thực sự với người dân Hungary, bảo vệ quyền riêng tư cũng như khả năng Trung Quốc sử dụng mạng lưới Huawei không phục vụ cho lợi ích lớn nhất của Hungary”-Time dẫn lời ông Mike Pompeo phát biểu tại Budapest.
Theo AFP, ông Pompeo đã cảnh báo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijarto cũng như Thủ tướng Viktor Orban về những nguy cơ có thể gặp phải khi nước này sử dụng các thiết bị do Huawei cung cấp. Đây cũng là thông điệp ông Pompeo đưa ra khi tới Slovakia và Ba Lan. “Chúng tôi muốn xác định rõ với các đồng minh về những cơ hội và rủi ro khi sử dụng thiết bị Huawei. Nếu các thiết bị đó được lắp đặt cùng vị trí với các thiết bị quan trọng của Mỹ, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi hoạt động cùng với chúng” - ông Mike Pompeo cho biết.
Kiềm toả Nga - Trung
Một lý do khác khiến ông Mike Pompeo tới Budapest đầu tiên, theo Time, do việc chính quyền nước này đang có xu hướng tăng quan hệ với Nga và Trung Quốc. Thủ tướng Viktor Orban và cả Ngoại trưởng Szijarto đang chịu nhiều chỉ trích vì vấn đề này.
Việc gia tăng áp lực với Huawei là một bước đi của Mỹ nhằm hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở Trung Âu. Theo đánh giá của Washington, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng “hung hăng” hơn, cũng như có ảnh hưởng ngày càng lớn ở khu vực này.
Tại cuộc họp báo chung với ông Pompeo, Ngoại trưởng Szijarto thừa nhận, Huawei đang hoạt động tại Hungary. Tuy nhiên, ông Szijarto cho rằng tầm “phủ sóng” của tập đoàn này không lớn như những thông tin trước đó. Một chỉ dấu khác cho thấy ông Pompeo có thể không đạt được mục tiêu như mong muốn khi Budapest cho biết, Hungary chỉ chiếm 1,2% trong tổng giao dịch thương mại của EU với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Huawei dự báo có thể bị hạn chế tại Ba Lan. Chính phủ Ba Lan hiện đang xem xét cấm tập đoàn này tham gia phát triển mạng 5G sau khi thực hiện việc bắt giữ Vương Vĩ Tĩnh, Giám đốc kinh doanh chi nhánh Ba Lan của Huawei cùng với một cựu nhân viên an ninh vì cáo buộc làm gián điệp.
Hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của Huawei hiện đang trở nên khó khăn sau khi Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Dù Huawei phủ nhận việc thu thập tin tức tình báo cho bất kỳ chính phủ nào, nhưng Washington một mực khẳng định, tập đoàn này được Chính phủ Trung Quốc sử dụng cho hoạt động gián điệp.