| Hotline: 0983.970.780

Mỹ Lâm - Vùng chè 430ha trong chuỗi liên kết xuất khẩu

Thứ Hai 03/12/2018 , 08:00 (GMT+7)

Theo mô hình liên kết sản xuất mới, nhà máy và hộ nhận khoán liên kết theo cách tập trung và hưởng lương dựa trên việc phân công công việc hợp lý và gắn kết vì lợi ích chung mang tính bền vững...

Công ty CP chè Mỹ Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) là doanh nghiệp chè đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn thực hiện chương trình hợp tác công tư giữa Bộ NN-PTNT và tập đoàn Unilever, tập đoàn hóa mỹ phẩm và tiêu dùng lớn nhất thế giới đang tiêu thụ 15% sản lượng chè thế giới.

Tập đoàn cũng cam kết hỗ trợ công ty thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và sẽ thu mua ổn định sản phẩm đạt chứng chỉ Rain Forest.

17-49-30_6
 Mô hình sản xuất mới cân bằng được lợi ích giữa các bên và đảm bảo sự phát triển bền vững. Ảnh: Đào Thanh


Cam kết bền vững

Ngược lại với sự suy thoái chung của hệ thống nông lâm trường trạm trại hoạt động sản xuất kinh doanh chè, Công ty CP chè Mỹ Lâm không những đứng vững mà còn liên tục phát triển ổn định, bền vững.

Năm 2016, khi chúng tôi tìm hiểu về nhiệm vụ phát triển chuỗi giá trị chè an toàn, bền vững, chất lượng trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Công ty CP chè Mỹ Lâm không dấu những e ngại vì mô hình mới chạy thử. Lãnh đạo công ty hứa sẽ cung cấp thông tin cho nhà báo viết bài nếu một nửa diện tích của Công ty được đưa vào vận hành theo mô hình liên kết mới. Năm 2017, bài viết “Ngỡ ngàng liên kết sản xuất chè con ếch xanh” được đăng tải. Bây giờ, quay lại nơi này, chúng tôi cũng như chính những người làm chè ở đây vẫn tiếp tục ngạc nhiên về sự chuyển đổi nhanh chóng với hiệu quả ngày càng lớn.

17-49-30_1
Thăm Công ty CP chè Mỹ Lâm, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình sản xuất chè tại đây. Ảnh: Đào Thanh

Ông Lê Quang Chuyền (Phó Giám đốc Công ty CP chè Mỹ Lâm) được coi là kiến trúc sư của mô hình sản xuất mới đang chạy thử nghiệm tại đơn vị cho biết, năm 2016, Công ty đưa 40 ha vào thử nghiệm và thu được hiệu quả tức thì. Năm 2017, một nửa diện tích toàn Công ty với 200 ha tiếp tục được thực hiện. Năm 2018, toàn bộ 430 ha chè nằm trong chuỗi liên kết. Những con số trên đã nằm trong lộ trình chuyển đổi của đơn vị mà phía Công ty không coi đó là kế hoạch phải cam kết thực hiện. Điều mà toàn thể cán bộ, công nhân và người dân của chè Mỹ Lâm đau đáu, tự giác làm là ngoài sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn ATTP của EU và Nhật Bản như đã cam kết với tập đoàn Unilever thì phải thực hiện những yêu cầu mang tính nhân văn như của một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã hay gìn giữ môi trường sống. Theo đó, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững yêu cầu phát triển kinh doanh đi đôi với quan tâm thực hiện tự giác 10 nguyên tắc gồm: Bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và điều kiện làm việc người lao động, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động, quan hệ cộng đồng, quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM, quản lý và bảo tồn đất và quản lý rác thải tổng hợp. 10 nguyên tắc trên không thể tách rời quy trình sản xuất chè an toàn. Sản phẩm chè đạt chứng chỉ khi và chỉ khi thực hiện quy trình đảm bảo các nguyên tắc trên. Nói cách khác, đó chính là phương pháp để tạo ra sản phẩm chè đạt yêu cầu của đơn vị tiêu thụ.

17-49-30_3
Công nhân phun thuốc BVTV tại Công ty CP chè Mỹ Lâm được trang bị bảo hộ như bộ đội phòng hóa. Ảnh: Đào Thanh


Liên kết mới

Theo mô hình liên kết sản xuất mới, nhà máy và hộ nhận khoán liên kết theo cách tập trung và hưởng lương dựa trên việc phân công công việc hợp lý và gắn kết vì lợi ích chung mang tính bền vững. Cần tránh sự nhầm lẫn giữa đổi mới sắp xếp lại quan hệ sản xuất với việc doanh nghiệp thuê lại vườn chè của nhân dân hoặc trở lại mô hình nông trường Nhà nước thời bao cấp. Ở đây, người nông dân đóng vai trò là một chủ thể quan trọng trong mối quan hệ sản xuất với doanh nghiệp trên cơ sở phân công lao động một cách hợp lý dựa vào thế mạnh và phát huy hết tiềm năng của mỗi bên. Người nông dân vẫn là chủ thể trực tiếp quản lý và hưởng thành quả lao động của mình. Theo đó, mô hình mới hình thành nên các đội sản xuất. Đội trưởng là người do công ty cử, chịu trách nhiệm điều hành chung kiêm giao nhận sản phẩm. Đội phó do các hộ nhận khoán bầu ra, chịu trách nhiệm giám sát sâu bệnh, kỹ thuật nông nghiệp, cấp phát vật tư và ghi chép sản lượng. Trong đội, có các tổ dịch vụ về bảo vệ thực vật (3 người), tổ đốn và thu hái chè (5 người), tổ bón phân (5 người). Thành viên của các tổ dịch vụ được Công ty trả lương. Về các hộ nhận khoán, Công ty bố trí các phần công việc cụ thể gồm: làm phân hữu cơ, làm cỏ bằng tay, xới và lấp sau khi bón phân, phục vụ nước phun thuốc, trồng hàng rào thực vật, thảm thực vật để chống xói mòn, tránh phơi nhiễm và bảo vệ môi trường, trồng cây bóng mát, bảo vệ vườn chè, đóng chè vào túi lưới, ký phiếu nghiệm thu cho tổ dịch vụ thực hiện công việc trên vườn chè của mình. Toàn bộ vật tư nông nghiệp, sản xuất và chi trả lương cho tổ dịch vụ do công ty đầu tư. Hộ nhận khoán với các phần công việc của mình cũng hưởng lương tháng theo lứa hái trên cơ sở phân loại sản lượng vườn chè và mức độ hoàn thành công việc được phân công. Mức lương được thống nhất từ đầu năm trên cơ sở kế hoạch kinh doanh và thị trường của Công ty. 100% sản phẩm thu hái được chuyển về nhà máy, không phát sinh quan hệ mua bán.

Mô hình sản xuất mới cân bằng được lợi ích giữa các bên và đảm bảo sự phát triển bền vững. Ảnh: Đào Thanh

Dễ nhận thấy, cách làm trên đòi hỏi tất cả các bộ phận, mắt xích của dây chuyền sản xuất đều phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để hưởng lương. Người nông dân không còn lo lắng về thiên tai vì rủi ro do thời tiết, hạn chế năng suất, sản lượng đều do Công ty chịu trách nhiệm.

Ông Trần Quốc Văn (Phó Giám đốc Công ty CP chè Mỹ Lâm) cho biết, sản phẩm chè của mô hình sản xuất mới thu về vượt trội về chất lượng, ước tăng khoảng 30% ngoại hình và nội chất do búp chè đủ dinh dưỡng. Đánh giá, mô hình mới cũng giảm chi phí thu hái 25%, 40% chi phí thuốc trừ sâu mà lại nâng sản lượng lên 10%. Hơn tất cả, cách làm mới đã kiểm soát được chất lượng sản phẩm, qua đó đảm bảo tăng giá sản phẩm, giữ gìn uy tín và thương hiệu. Mô hình này cũng xây dựng được tính minh bạch và cơ chế giám sát tập thể, cho phép ứng dụng khoa học công nghệ; cân bằng lợi ích xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường, người dân vẫn là chủ sở hữu của tư liệu sản xuất.

Chất lượng chè đen và chè xanh Mỹ Lâm luôn hàng đầu với thị trường tiêu thu rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập…Sản phẩm chè Mỹ Lâm được hàng triệu người trên thế giới tiêu dùng mỗi ngày với trên 90% sản lượng chè được tiêu thụ bởi tập đoàn Unilever. Với sản lượng đạt sấp xỉ 2.000 tấn/năm, doanh thu công ty đạt gần 100 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/tháng. Ngoài cam kết thu mua sản phẩm, phía Unilever còn yêu cầu Công ty CP chè Mỹ Lâm tiếp tục mở rộng sản xuất để tăng sản lượng bán.

Có được thành quả to lớn, bền vững từ việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình liên kết, ông Lê Quang Chuyền (Phó Giám đốc Công ty) cho biết, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tiếp tục duy trì ổn định, thuần thục mô hình rồi mới tính đến phương án mở rộng về quy mô sau đó.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất