Tuyên bố của Washington được loan đi sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích vai trò của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch coronavirus, đặc biệt là liên quan đến quốc gia khởi phát dịch Trung Quốc. Trong đó Mỹ nhắm thẳng vào người đứng đầu WHO Tedros Ghebreyesus, nhân vật liên tục bị Mỹ và nhiều quốc gia chỉ trích là “con rối” của Trung Quốc.
Theo người phát ngôn của LHQ- Stephane Dujarric, Mỹ chính thức trở thành thành viên WHO và được Hội đồng Y tế Thế giới phê chuẩn vào năm 1948. Trong đó có các điều khoản quy định muốn rút khỏi định chế sức khỏe này phải chính thức thông báo trước một năm và đồng thời phải thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.
Ông Dujarric cho biết, hiện Tổng thư ký LHQ "đang xác minh với Tổ chức Y tế Thế giới xem các điều kiện để Mỹ rút khỏi tổ chức này có liệu được đáp ứng hay không?".
Theo giới quan sát, việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ là giáng một đòn nặng nề vào tổ chức này bởi hiện Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp nhiều nhất giúp duy trì hoạt động của bộ máy. Ước tính trong hai năm 2018 và 2019, Mỹ cung cấp tổng cộng 893 triệu USD cho WHO, chiếm khoảng 15% nguồn ngân sách cho định chế sức khỏe toàn cầu có trụ sở tại Geneva.
Theo Reuters, Tổng thống Trump cũng đang hứng chịu sức ép ngày một tăng khi đã liên tục đối mặt với những lời chỉ trích về cách thức xử lý đại dịch Covid-19 ngay trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Trước đó, chính quyền của ông Trump cũng đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về kế hoạch rút lui khỏi WHO. Cụ thể, hhồi tháng 5, ông Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ cắt vĩnh viễn tài trợ đối với WHO, đồng thời cân nhắc lại tư cách thành viên trừ khi WHO cam kết cải tổ mang tính hệ thống trong vòng 30 ngày.
Đến đầu tháng 6, ông Tedros lên tiếng hối thúc Tổng thống Trump xem xét lại quyết định của mình và cho biết "WHO mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ”.