| Hotline: 0983.970.780

Myanmar thay đổi tạo cơ hội

Thứ Hai 09/06/2014 , 08:35 (GMT+7)

Từng là một quốc gia khép kín, thu mình lại bên trong đường biên giới, sau những cải cách đáng kể về chính trị thời điểm 2011-2012, giờ đây Myanmar gần như thay da đổi thịt.

Đất nước này đang trở thành điểm đến hứa hẹn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đứng đầu về cải thiện môi trường đầu tư

Vriens & Partners, Cty tư vấn tài chính quốc tế đầu tiên thành lập trên đất Myanmar sau khi quốc gia này thay đổi về thể chế chính trị đã công bố bản báo cáo về những thay đổi sâu và rộng về chính trị, kinh tế của nước này. Đồng thời, trong đó cũng nêu lên những thực tế đang xảy ra ở Myanmar hằng ngày, nơi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định tìm đến.

Bản báo cáo của Vriens & Partners phân tích về tình hình Myanmar sau bầu cử năm 2012 và đánh giá đây là một địa chỉ tiềm năng, thời điểm thuận lợi để các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ, thay vào đó là những dự án đầu tư quy mô lớn.

Sau khi thay đổi lãnh đạo, vai trò của chính phủ Myanmar với nền kinh tế cũng biến chuyển. Các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến đây sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội. Tuy nhiên, về mặt tổng quan, Myanmar vẫn đang không ngừng thay đổi, mở cửa để phát triển mạnh mẽ hơn nhưng cũng rất thông minh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Hiện nay, có 9 lĩnh vực kinh tế được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở Myanmar quan tâm đó là SX, du lịch, dầu khí, dịch vụ tài chính, bất động sản - xây dựng, nông nghiệp, thủy điện, khai thác mỏ và viễn thông.

Theo Reuters, Myanmar có tốc độ cải cách kinh tế đáng ngạc nhiên. Cuối tháng 10/2013, chỉ số về môi trường đầu tư ở quốc gia này vẫn rất thấp, nó được ví như hồi chuông cảnh giác với các Cty nước ngoài khi muốn đem tiền đến đây.

Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới - WB cũng có tin tốt cho những DN nước ngoài muốn làm ăn ở Myanmar sau thời thay đổi thể chế. Những Cty nước ngoài sẽ không phải đối mặt với tham nhũng, quan liêu hay làm việc dựa trên quan hệ, những điều thường gặp trong chế độ trước đây, khi quân đội nắm quyền kiểm soát.

Các tệ nạn này khiến Myanmar từng là một trong những nơi đầu tư mạo hiểm nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Khảo sát Triển vọng Kinh doanh châu Á 2014 của tổ chức Economist Corporate Network, đến tháng 1/2014 Myanmar là quốc gia đứng thứ nhất cả châu lục trong lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư.

Myanmar đứng đầu danh sách với 76,7% giám đốc điều hành hàng đầu được khảo sát nói rằng môi trường đầu tư nước này được cải thiện, tiếp theo là Philippines (49,1%), Trung Quốc (46,3%), Indonesia (39,6%)...

Từng khốn đốn vì tham nhũng, luật ngầm

Dù cho có xuất phát điểm thấp, đứng thứ 182/189 các quốc gia về môi trường đầu tư dành cho cho các DN nước ngoài nhưng khả năng cải cách chính sách và hỗ trợ của Myanmar khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải kinh ngạc.

Charles Schneider, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Yangon, Myanmar nói với Reuters: “Những chỉ số trước đây nói lên tình trạng tham nhũng ở Myanmar. Tuy nhiên, với sự minh bạch và tăng cường sử dụng đấu thầu trong các dự án mới nhiều nghi vấn đã bị loại bỏ”.

Kể từ khi thay thế chế độ quân sự tháng 3/2011, chính phủ dân sự Myanmar đã đem lại một làn sóng mới về cải cách kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, họ đã thuyết phục được các nước phương Tây khởi động lại viện trợ phát triển và gỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt kéo dài trong 2 thập kỷ.

Chính quyền địa phương Myanmar đã từng thừa nhận về môi trường đầu tư nguy cơ cao của mình trước đây. Tham nhũng, luật ngầm, giao dịch mờ ám, pháp luật hạn chế khiến cho những cuộc đấu thầu gần như trở nên vô nghĩa, vắng bóng các hồ sơ thầu ngoài nước.

Hiện nay, trong một nỗ lực tạo công ăn việc làm và nâng cấp cơ sở hạ tầng ở quốc gia thuộc top nghèo của châu Á, Myanamar đã tìm cách soạn thảo những bộ luật mới để giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn.

Tuy nhiên, ở đây vẫn còn rất nhiều hạn chế so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực hỗ trợ DN. Cuối 2013, theo thông tin của Reuters, để thành lập một DN ở Myanmar mất trung bình 72 ngày.

Trong khi đó, con số này ở các quốc gia lân cận rất thấp như 2,5 ngày ở Singapore; 7,5 ngày ở Thái Lan và 6 ngày ở Malaysia.

Thủ tục xin giấy phép xây dựng ở Thái Lan là 8 ngày, Singapore là 11 ngày trong khi Myanmar là 16 ngày. Để xin cấp điện, các DN ở Myanmar mất đến trung bình 113 ngày so với 34 ở Malaysia và 35 ở Thái Lan.

Ông Schneider cho rằng Myanmar vẫn đang còn một chặng đường dài phía trước sau khi vượt qua xuất phát điểm thấp của họ. Những vướng mắc trong các lĩnh vực cấp phép, quy định và các cơ chế giải quyết tranh chấp là những điều cần tháo gỡ sớm nhất để hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.

Vẫn còn nhiều bất cập

Trong vòng 5 tháng của năm 2013, Myanmar phê duyệt hàng loạt các dự án đầu tư nước ngoài vào quốc gia này. Thông tin từ Reuters cho biết số hồ sơ này nhiều hơn tất cả các hồ sơ đầu tư nước ngoài cả năm trước đó cộng lại.

Tuy nhiên, các DN nước ngoài phải đối mặt với một thách thức không nhỏ khi muốn hoạt động trong thị trường tiềm năng này: Giá thuê văn phòng cao nhất Đông Nam Á.

nh-2-copy160502795
Đường phố Yangon với nhiều ô tô và các tòa nhà đang xây

Aung Naing Oo, làm việc tại Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế quốc gia Myanmar nói với Reuters, từ tháng 4 - 8/2013, nước này phê duyệt các dự án có tổng giá trị lên đến 1,8 tỷ USD, trong khi đó cả năm 2012 con số này chỉ là 1,4 tỷ USD.

Nhưng Aung bày tỏ sự lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài trước sự thiếu hụt nghiêm trọng và giá cả đắt đỏ của các văn phòng cho thuế. Theo ông, nếu vấn đề không được sớm giải quyết có thể các nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận bỏ đi vì không có nơi làm việc.

Làn sóng đầu tư nước ngoài đã tạo nên sự bùng phát về nhu cầu bất động sản ở "thủ đô thương mại" Yangon. Nhu cầu thuê và giá cả cho thuê văn phòng ở Yangon được Reuters công bố là "đắt hơn bất kỳ thành phố nào ở Đông Nam Á". Tư liệu trên được cung cấp bởi Cty bất động sản Colliers International, mới mở chi nhánh tại Yangon tháng 7/2013.

Theo nghiên cứu của Colliers, một Cty có trụ sở ở Yangon sẽ phải trả 80 USD cho mỗi mét vuông sàn mỗi tháng.

Trong khi đó ở Bangkok chỉ là 25 USD. Ở một nơi xa hoa, giàu có như Singapore, giá thuê cũng chỉ dừng lại ở con số 70 USD, tất cả đều không phải đối thủ của Yangon, báo cáo cho biết.

Scipio Services, một Cty có trụ sở tại Yangon với mục đích hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài mở chi nhánh ở Myanmar còn đưa ra mức thuê sàn văn phòng cao hơn trung bình.

Theo đó, theo khảo sát của Scipio Services, giá thuê không gian văn phòng trong một tòa nhà xây sẵn đã tăng từ 50 USD/m2 năm 2011 lên đến 90 USD/m2 vào tháng 5/2013.

Để đối phó với vấn nạn này, nhiều Cty nước ngoài đã nghĩ ra cách đến Myanmar thuê nhà dân hoặc các biệt thự để làm trụ sở thay vì các văn phòng cho thuê đắt đỏ. Thậm chí, nhiều Cty chỉ đưa một vài cán bộ chủ chốt đến Myanmar nhằm giảm tối thiểu chi phí ăn ở.

Một số DN đến từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan thì chọn phương án thi thoảng bay tới Yangon và ngủ lại trong khách sạn. Các chuyên gia kinh tế gọi đó là các "giám đốc nửa vời" khi họ chỉ dành ½ thời gian làm việc của mình ở Myanmar.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.