| Hotline: 0983.970.780

Năm 2017 - Cả châu Âu và châu Mỹ cùng hạn chế nhập cư

Thứ Sáu 24/02/2017 , 06:40 (GMT+7)

Chính sách nhập cư cởi mở của các nước Âu - Mỹ đang bị những tác động tiêu cực: ngân sách nhà nước phải bỏ ra những khoản chi đột xuất và lớn, nhu cầu tạo ra việc làm, sự hội nhập, vấn đề an sinh xã hội, nguy cơ bị khủng bố…

17-38-31_nguoi-dn-ung-ho-sc-lenh-trump-675x353
Đa số người dân Mỹ vẫn ủng hộ ông Trump hạn chế người tỵ nạn (Ảnh: Getty, AP)
 

Cả châu Âu bắt đầu “ngán ngẩm”

Đức từng dẫn đầu bảng với ước tính đã tiếp nhận tới 1 triệu đơn xin tỵ nạn trong năm 2015. Một cách nhìn nhận ở Đức thời gian đó, là coi những người tị nạn này giống như 1 triệu người thất nghiệp, dù bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hoá, thậm chí khủng hoảng tâm lý, và không có nhiều thế mạnh về những kỹ năng công việc. Họ có thể không hoàn toàn tương thích với yêu cầu của thị trường lao động tại Đức.

Về khía cạnh kinh tế, từ giữa những năm 1960, Đức đã luôn là một nền kinh tế nhập cư với hơn 1 triệu người lao động nước ngoài. Hiện nay, Đức là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, nhưng vẫn liên tục cần nguồn lao động. Tính đến tháng 7/2015, Đức còn tới 589.000 vị trí lao động chưa được đáp ứng.

Từ năm 2015, mặc dù nguồn nhân lực trẻ, dồi dào từ những nước nhập cư đã góp phần giúp nền kinh tế Đức khởi sắc hơn, nhưng với 1,3 triệu người nhập cư, chủ yếu có nguồn gốc từ Syria, Iraq, Ai Cập, Afghanistan, Tunisia … chưa từng biết tới nền “văn minh châu Âu” cũng đã gây ra không ít rắc rối. Tình trạng trộm cắp, bạo lực, thậm chí là tấn công tình dục, gia tăng nhanh chóng. Và tất nhiên, không ít những phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người này cũng khiến sự bất an gia tăng.

Không chỉ ảnh hưởng về kinh tế, xã hội, ngay cả về mặt chính trị, làn sóng nhập cư cũng đang gây ra nhiều sự xáo trộn với Đức. Tỷ lệ ủng hộ Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Thủ tướng Merkel đang xuống rất thấp, chỉ khoảng 17%. Trong khi đó, Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AFD), một đảng cánh tả với chủ trương chống người di cư, đã nhận được tỷ lệ phiếu bầu gia tăng và sẽ lần đầu tiên có ghế trong 9/18 các nghị viện bang.

Đức từng là đất nước đi đầu trong việc mở cửa đón người nhập cư, nhưng nay cũng đang phải xem lại những chính sách có phần nhân đạo của mình.

Trong khi đó, Pháp với lý do dòng người tỵ nạn sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng chia rẽ sắc tộc thì cũng đã không hào hứng ngay từ đầu. Còn ở Anh, Thủ tướng David Cameron trước đây từng hứa sẽ nhận khoảng 4.000 người nhập cư trong mỗi năm thì giờ đây cũng đã từ chức. Người kế nhiệm là bà Theresa May thì lại đang ngập lụt trong những công việc để Anh có thể rời EU. Những quốc gia Đông Âu như Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan hay Slovakia vì lý do kinh tế cũng không muốn nhận người tỵ nạn.

Không còn có quan điểm đối lập như những ngày đầu tiên đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư. Giờ đây, tất cả các quốc gia châu Âu đều đang tỏ ra ngán ngẩm với “gánh nặng” này. NBC News đưa tin, khảo sát của Chatham House, ở London (Anh), tiến hành với 10.000 người tại 10 nước châu Âu, cho thấy 55% số người ủng hộ việc nên chấm dứt nhận thêm những di dân từ các nước chủ yếu theo Hồi giáo.
 

Tổng thống Mỹ quyết chặn dòng người nhập cư

Mới chỉ có một lần chính quyền Mỹ “động vào” Đạo luật Di trú và Nhập tịch năm 1965, khi năm 2011, Tổng thống Obama ban hành một sắc lệnh kéo dài thời gian xử lý hồ sơ thị thực và tăng cường kiểm soát hệ thống thẩm định dành cho người di dân và tỵ nạn từ Iraq trong vòng 6 tháng. Đó là một chính sách với riêng người Iraq.

Bởi vì ông Obama e ngại một mối nguy hiểm “tức thì” khi hệ thống thẩm định cấp thị thực của Mỹ để lọt 2 người từng tham gia đặt bom khủng bố quân đội Hoa Kỳ ở Iraq. Nếu cứ theo lập luận ấy, thì bây giờ, ngài Trump, đứng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đứng trước mối lo ngại khủng bố trên toàn nước Mỹ hoàn toàn có thể ban hành sắc lệnh với tính chất tương tự.

Và một sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được ban hành trong ít ngày tới, sau khi lệnh cấm nhập cảnh cũ bị tòa án liên bang đình chỉ hôm 27/1/2017. Rõ ràng, chính quyền của ông Trump đang rất kiên định với mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer, trong phát biểu của mình, nói rằng: “Bộ An ninh Nội địa sẽ tiến hành để đảm bảo an ninh ở biên giới phía nam của đất nước, ngăn chặn việc nhập cư bất hợp pháp trong tương lai và gửi trả những người nhập cư bất hợp pháp về nước họ một cách nhanh chóng, nhất quán và nhân đạo".

Bốn chữ “phía nam đất nước”, thực tế đã khiến câu chuyện trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Những người Mexico, những người mà ông Donald Trump muốn xây một bức tường với họ là đối tượng chính trong chính sách này.

Theo các con số thống kê từ năm 1840 đến nay, lượng người di cư từ khắp nơi trên thế giới tới Mỹ đang có xu hướng thay đổi lớn. Nếu từ năm 1840 tới những năm đầu của thế kỷ trước, người châu Âu là đối tượng di cư chính thì từ năm 1910 tới nay, Mexico luôn là một trong hai khu vực có số người di cư lớn nhất, cùng với Nam Mỹ. Trong khoảng một thập kỷ gần đây, lượng người di cư từ Nam Mỹ đạt cỡ 9 triệu thì Mexico cũng ở mức 8 triệu và cao hơn nhiều so với toàn bộ châu Âu - chỉ ở mức trên 6 triệu người.

Bằng việc cố gắng thực thi sắc lệnh bằng mọi giá, ông Trump đang cho thấy nhiều mục đích trong sắc lệnh này. Vừa hạn chế được tình trạng nhập cư từ phía Mexico để giữ lại việc làm cho người Mỹ, vừa hạn chế được dòng người từ những quốc gia có nguy cơ khủng bố cao, vừa không phải mất tiền xây tường ngăn cách Mexico bằng việc tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa có xuất xứ từ Mexico, lại giữ được lời hứa với cử tri Mỹ.

Theo Telegraph, cuộc khảo sát gần nhất của Morning Consult và Politico cho thấy, trên 50% số người dân Mỹ được hỏi đã ủng hộ sắc lệnh cũ (dù đã bị đình chỉ), 38% không đồng ý. Khi sắc lệnh mới ban hành, cuộc khảo sát đầu tiên cũng cho thấy gần 50% người tán đồng.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất