| Hotline: 0983.970.780

Nắm cơm vượt lũ

Thứ Sáu 22/10/2010 , 09:21 (GMT+7)

Thấu hiểu nỗi lòng đồng bào mình nơi ngập nước, những người may mắn ở nơi mà cơn lũ chưa vờn tới đã góp gạo nấu cơm đem đến nơi khốn khó.

Các hội viên hội phụ nữ xã Phú Gia nắm cơm mang đi cứu đói

Người dân vùng rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh) thèm ăn một bát cơm, vậy mà trong những ngày lũ dữ, điều ước ấy trở nên xa xỉ. Thấu hiểu nỗi lòng đồng bào mình nơi ngập nước, những người may mắn ở nơi mà cơn lũ chưa vờn tới đã góp gạo nấu cơm đem đến nơi khốn khó. Có đến nơi đây thời điểm này mới thấu hiểu "một miếng khi đói" ý nghĩa đến nhường nào.

Nhiệm vụ làm những nắm cơm tình nghĩa được chính quyền huyện Hương Khê giao cho Hội Phụ nữ huyện phối hợp với các Chi hội phụ nữ 4 xã Hương Long, Phú Phong, Phú Gia và thị trấn Hương Khê thực hiện. Chương trình bắt đầu được chị em phụ nữ thực hiện từ ngày 19/10. Ngay sau khi phát động, không chỉ được đông đảo hội viên đồng tình hưởng ứng mà đến cả những người đàn ông, các ông già, trẻ nhỏ ở các vùng cao cũng tham gia hăng hái.

Ông Lê Trần Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, người đưa ra sáng kiến này, nói: "Có chứng kiến người dân ăn mì tôm, lương khô dài này mới thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân. Vì vậy, chúng tôi phát động chương trình này".

Đề xuất ấy của ông Phó chủ tịch đã mang đến niềm tin vào cuộc sống, tương lai cho những người dân vùng lũ sau cơn đại hồng thuỷ. Khi triển khai chương trình, các Chi hội phụ nữ có nhiệm vụ nhận gạo từ huyện (một số người mang gạo, thịt, muối vừng đến góp) nấu cơm, nắm thành từng nắm nhỏ, gói cùng với muối vừng, muối lạc đến bữa trưa, tối dùng thuyền chuyển đến cho bà con ăn. Những nắm cơm ấy tuy chỉ được gói với ít muối vừng, muối lạc nhưng mang ý nghĩa rất lớn khi cả huyện đang gồng mình khôi phục hậu quả của cơn lũ dữ vừa qua.

Chị Ngô Thị Nhã, xóm Mỹ Hạ xã Phương Mỹ nghẹn ngào: "Những gia đình ngập lũ sâu như nhà tôi cảm thấy ấm lòng lắm lắm. Dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, có những chị em trong nhà cũng đang ngập nước nhưng vẫn gác lại việc nhà mình để nấu cơm, chèo thuyền qua bao sóng nước nguy hiểm mang cơm đến cho chúng tôi ăn những nắm cơm mà các chị hội viên vùng cao đem đến cho chúng tôi là nguồn động viên rất lớn, tạo thêm động lực để chị em vùng lũ chúng tôi vượt qua khó khăn này".

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phương Mỹ Đặng Thị Hường cho biết: “Nhiều hộ dân khi chúng tôi đưa cơm đến họ xúc động đến nghẹn ngào. Nhiều người vì quá thèm nên đã mở ra ăn lấy ăn để rồi run run nói lời cảm ơn. Dù chỉ một nắm cơm nhỏ với ít muối vừng, muối lạc nhưng ai nấy vẫn gật gù khen ngon". Cũng theo chị Hường, Phương Mỹ có đến hơn 500 gia đình có hoàn cảnh khốn cùng. Nhiều gia đình toàn bộ nhà cửa, tài sản của họ đã bị lũ cuốn trôi, quần áo đến cả tuần nay không có mà thay.

Ngược dòng nước lũ trở về UBND huyện, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm tối mang đi cho người dân Hà Linh. Chị nghẹn ngào khi nhớ về lần đầu tiên chị đưa cơm đến cho họ: "Khi chúng tôi đưa cơm đến có những cụ già, em nhỏ ôm chặt chúng tôi nước mắt lưng tròng cầm lấy nắm cơm nuốt luôn cả miếng không kịp nhai, hình ảnh đó khiến chúng tôi không thể cầm lòng".

Cũng theo chị Tình, từ 4 đơn vị nấu cơm tập thể thì đến nay đã có đến 24 bếp được triển khai nấu tại chỗ ở các xã, các xóm không bị ngập lũ như Hương Bình, Hoà Hải, Hương Trạch, Hương Xuân, Phúc Đồng… để chuyển cho các vùng ngập lũ nặng như Phương Mỹ, Hà Linh, Phương Điền, Hương Giang, Hương Thuỷ, Gia Phố… hơn 1.600 nắm cơm/ ngày vẫn đang được chị em phụ nữ vượt nước lũ mang đến cho hàng ngàn hộ dân ở các vùng thấp lũ sinh sống.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.