| Hotline: 0983.970.780

Nam Định dẫn đầu về tiến độ lấy nước đổ ải

Thứ Sáu 17/01/2014 , 14:01 (GMT+7)

Với tinh thần phục vụ cao độ, dứt khoát không để thiếu nước, đến nay, hầu hết mặt ruộng ở Nam Định đã được phủ kín nước.

Tính đến 16 giờ ngày 16/1, tổng diện tích có nước đổ ải gieo cấy vụ Đông Xuân 2014 của Nam Định là 57.000 ha (đạt 71% kế hoạch đề ra), dẫn đầu trong số 12 tỉnh Trung du và ĐBBB về diện tích có nước.


Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi tham quan thực tế việc lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân 2014 tại Nam Định.

Mặt ruộng gần phủ kín nước

Rạng sáng nay (17/1), đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi dẫn đầu đã kiểm tra thực địa hoạt động lấy nước phục vụ gieo cấy lúa xuân 2014 tại nhiều công trình thủy lợi quan trọng thuộc hệ thống thuỷ lợi Xuân Thủy (Nam Định).

Mặc dù trời vẫn tối đen như mực, nhưng cán bộ, công nhân viên Cty KTCTTL Xuân Thủy vẫn túc trực tại tất cả các cống đập dọc tuyến đê Giao Thủy đo nồng độ mặn của nước; cập nhật liên tục những biến động về mực nước khi thủy triều dâng để mở cống dẫn nước vào nội đồng thông qua hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 và cấp 3.

Ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2014, tỉnh dự kiến gieo cấy 75.000 ha lúa (trong đó, khoảng 33% diện tích lúa lai, cò lại là lúa thuần) và khoảng 5.000 ha hoa màu. Tinh thần chỉ đạo của Nam Định là gieo mạ trước Tết, cấy ngay sau Tết, phấn đấu đến ngày 20/1 phải cơ bản hoàn thành gieo cấy. Vì thế, đợt xả nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2014 từ ngày 14/1 đến 18/1 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nếu không lấy đủ nước, chắc chắn kế hoạch thời vụ của tỉnh sẽ bị chậm.

Để tận dụng tối đa nguồn nước phục vụ đổ ải làm đất, ngay từ tháng 10/2013, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đã chỉ đạo quyết liệt công tác nạo vét kênh mương nội đồng. Đến đầu tháng 12 đã nạo vét được 3.800.000 m3 đất (đạt 124% kế hoạch), tôn cao, bồi trúc bờ vùng bờ thửa để tranh thủ thời gian mở cống đưa nước vào nội đồng.

Trong đợt con nước đầu, các Cty KTCTTL đã lấy rất nước tốt. 3 huyện ven biển gồm Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng đạt khoảng 60%. Riêng Hải Hậu đạt cao nhất với diện tích có nước khoảng 10.000 ha.

Các Cty KTCTTL phía Bắc của tỉnh như Bắc Nam Hà, Mỹ Thành, Ý Yên, Vụ Bản chính thức khởi động máy bơm từ ngày 10/1.

Lãnh đạo Sở đã họp lần lượt 7 Hội đồng hệ thống, thống nhất lịch gieo cấy, phân công trách nhiệm kiểm tra, tu bổ, sửa chữa các máy móc thiết bị và thống nhất kế hoạch lấy nước.

Với tinh thần phục vụ cao độ, dứt khoát không để thiếu nước, đến nay, hầu hết mặt ruộng được phủ kín nước.

Tranh thủ tối đa triều cường dâng

Ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch Cty KTCTTL Xuân Thủy, cho biết: Hệ thống thủy nông Xuân Thủy gồm 2 huyện Giao Thủy và Xuân Trường. Trong đó, huyện Xuân Trường lấy nước thuận lợi. Còn Giao Thủy lại nằm sát cửa sông Hồng và sông Ninh Cơ.

Việc đưa nước từ vào nội đồng chủ yếu được thực hiện thông qua việc mở cống đê. Nhưng, nguồn nước sông ở khu vực này đang bị nhiễm mặn ngày càng nặng. Hiện tại, Cty đang lấy nước đổ ải với nồng độ mặn từ 1/%o trở xuống.

Về độ mặn, so sánh 2 năm, vào ngày 3/12013, độ mặn ở cống Quần Nhất là 7,2%o. Nhưng cùng ngày năm nay, nồng độ mặn là 15,2/%o (tức là hơn gấp đôi năm ngoái). Đây là tín hiệu không tốt cho việc tưới nước của hệ thống.

Ngày trước, công nhân phải túc trực tại cống để đo nồng độ mặn rất vất vả. Nhưng, mấy năm nay, Cty đã chi 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống đo nồng độ mặn tự động, và cập nhật về trung tâm điều hành.

Rất may là năm nay Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện việc xả nước trước tết Nguyên Đán, trong đó, đợt 1 rơi vào đúng thời điểm triều cường dâng cao. Bởi nếu không có đợt xả nước từ ngày 14 – 18/1, thì các tỉnh ven biển như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình không thể lấy nước kịp làm đất trước ngày 29/12. Và ra giêng không thể tổ chức gieo cấy ngay được.

Trong đợt xả nước hồ thuỷ điện Hoà Bình đợt 2, Nam Định chỉ lấy lượng nước cấp cho khoảng 15 - 20% diện tích còn lại để nông dân làm đất và gieo cấy. Đến đợt 3, gần như tỉnh không cần sử dụng nguồn nước này mà nhường cho các tỉnh thượng nguồn.


Ông Tỉnh tặng quà cho công nhân trực ca đêm của Cty KTCTTL Xuân Thuỷ tại cống Cồn Nhì.

Tiết kiệm nước, rút ngắn thời gian lấy nước

Trong chuyến thị sát việc lấy nước triều thông qua hệ thống các cống dọc đê Giao Thuỷ như Cồn Nhất, Cồn Nhì, Cồn Tứ…, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đã động viên, tặng quà công nhân trực ca của Công ty KTCTTL Xuân Thủy.

Ông Tỉnh cũng nhấn mạnh, chính quyền từ cấp tỉnh đến xã, thôn và các Cty KTCTTL phải tăng cường chỉ đạo, ứng dụng tối đa tiến bộ khoa học kỹ thuật và điều hành nhân lực hiệu quả để lấy được nhiều nước nhất trong thời gian ngắn nhất.

“Chúng ta đã chỉ đạo tốt việc lấy nước rồi, nhưng tôi muốn năm nay phải quyết liệt hơn. Năm ngoái, chúng ta có 3 đợt xả hồ thủy điện với lưu lượng nước khoảng 4,8 tỉ m3, và tính sơ bộ lượng nước chúng ta lấy vào nội đồng phục vụ đổ ải và gieo cấy khoảng 57%, còn lại thoát ra biển.

Vì thế, năm nay Tổng cục muốn các nhà khoa học cùng vào cuộc để làm sao tiêu tốn lượng nước tưới dưới 4,8 tỉ m3 và lượng nước lấy vào ruộng trên 57%. Làm được điều đó sẽ vừa đáp ứng đủ lượng nước phục vụ sản xuất, nhưng vẫn giữ được nguồn nước phát điện vào mùa khô”, ông Tỉnh nói.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất