| Hotline: 0983.970.780

Năm ngày trên đất Vạn Tượng

Thứ Ba 22/10/2013 , 10:24 (GMT+7)

Năm ngày trên xứ Vạn Tượng là năm ngày chúng tôi trải lòng mình cùng các chuyên gia Việt Nam với tất cả những buồn vui, vất vả và cả vinh quang của họ...

Năm ngày trên xứ Vạn Tượng là năm ngày chúng tôi trải lòng mình cùng các chuyên gia Việt Nam với tất cả những buồn vui, vất vả và cả vinh quang của họ khi giúp các bản làng của nước bạn Lào hình thành thói quen sản xuất hàng hóa.

Hạt vàng ở Noỏng Phông

Nắng hanh hao trên cánh đồng lúa chín ở bản Noỏng Phông (huyện Hạt Xai Phoong, thủ đô Viên Chăn). Những người nông dân Lào mũ áo sùm sụp hối hả tay liềm, tay hái. Tiếng kim loại găm vào thân rạ nghe ngọt lừ. Tiếng cười nói găm vào không gian nghe giòn tan, làm giật mình cả những con chim cuốc đang mải mê săn mồi dưới chân ruộng lắp xắp nước.

Từng ôm lúa sóng sánh vàng như mật ong được cắt ra ngả phơi ngay trên mặt ruộng, đợi khô sẽ có máy đến tuốt rồi đóng bao chở về nhà.

Ngắm cảnh ấy, trưởng bản Chan Xiêng Pheng Ma Li Văn cười rất tươi và hết lời cảm ơn các chuyên gia Việt Nam đã sang giúp dân mình kỹ thuật trồng lúa, giúp khơi nguồn nước mát.


Cảnh sắc thôn quê Lào

Vựa lúa thuộc đồng bằng Viên Chăn có trên 100.000 ha trước đây nứt nẻ khô khát vì thiếu nước. Từ hồi công trình thủy lợi Đông Phô Sy và Thà Phạ Nông Phông do phía Việt Nam tài trợ trên 140 tỉ đồng (khởi công năm 2000 và bàn giao năm 2008) đi vào hoạt động, một phần vấn đề đã được giải quyết.

Điều kiện có rồi, đất đai rộng và tốt lại thêm có nước tưới quanh năm nhưng dân sở tại vẫn chưa biết cách làm nông nghiệp. Vì thế, chính phủ Lào đề xuất Việt Nam hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và sản xuất hàng hóa tại các 14 bản thuộc vùng tưới của hai công trình thủy lợi trên gồm nhiều hợp phần như lúa năng suất cao, rau an toàn, trồng hoa, nuôi cá nước ngọt.


Mô hình nuôi cá

Lúc đầu sản xuất lúa giống hoàn toàn không nằm trong kế hoạch nhưng trong một chuyến thăm Lào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Bùi Bá Bổng (hiện tại đã nghỉ hưu), phía bạn đã đề nghị hỗ trợ thêm hợp phần này.

Nông dân Lào tới tận bây giờ phần đa vẫn không có tập quán mua lúa giống mà họ tự để giống vụ này qua vụ khác, cả chục năm như vậy khiến chúng bị thoái hóa nghiêm trọng. Nông dân Lào cũng không quen ủ mạ kiểu ba sôi, hai lạnh như ở ta mà thường đào một cái hố đất rồi đổ giống đã ngâm xuống, đợi mấy ngày sau khi mạ nứt nanh thì ra bới mang về.

Ủ giống công nghệ đào lỗ kiểu này tỷ lệ nảy mầm thấp, sức sống của cây cũng rất èo uột bởi nó bị yếm khí. Nông dân Lào cũng chỉ quen gieo vãi hoặc cấy lúa theo khóm rất to. Nhóm chuyên gia của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) sang tập huấn những kỹ thuật mới, nào chăng dây, nào cấy một dảnh rồi để lối khử lẫn trên mặt ruộng, toàn những chuyện như ở trên cung trăng xa lơ xa lắc.

Anh Nguyễn Văn Duẩn (cán bộ Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp) thú nhận: “Dân Lào muốn dễ làm mà mình lại đưa cái khó xuống nên chuyên gia phải xắn quần lội bùn xuống mà cấy, phun thuốc, khử lẫn cho họ xem mà bắt chước.

Ngay từ đầu vụ để cho dân yên tâm chúng tôi phải ký cam kết đảm bảo nếu năng suất ruộng sản xuất giống mà kém ruộng lúa thịt chuyên gia xuất tiền túi mà bù nhưng lắm cặp vợ chồng người Lào vẫn cãi nhau vì cấy một dảnh khó quá”.

Không cho không, không làm thay, không bắt buộc chính là công thức mà các chuyên gia Việt Nam áp dụng cho các mô hình hướng dẫn khoa học tại Lào. Chuyển giao tiến bộ nông nghiệp là một việc khó, sản xuất lúa giống lại càng khó hơn.

Có thể nói làm giống sai một ly đi một dặm, nghiệm thu chất lượng từng ruộng, không đạt chuẩn là hạ cấp xuống thành thóc thịt ngay. Mọi thứ đều phải chi li tính toán, thời vụ vô cùng khẩn trương từng giờ, từng phút. Tuy nhiên, nhanh nhẹn không phải là đặc tính của người Lào.

Đất vạn tượng có câu: “Muốn nhanh thì bò, muốn chậm thì chạy”. Có nghĩa muốn nhanh bò là tốt nhất bởi đã bò không bao giờ vấp ngã, rất an toàn còn đã chạy rất dễ bị ngã, không biêu đầu cũng gãy chân, lúc đó còn nhanh với ai?


Vụ gặt ở Lào

Ngụ ý này rất gần gũi với câu chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa của Aesop. Cán bộ muốn nhanh nhưng đừng đốc thúc, bởi đốc thúc khác gì giục người ta chạy, mà đã chạy thì rất dễ vấp ngã.

Cây mạ già vốn rất đẹp. Nó cao vổng, mập mạp và óng ả nên dễ đánh lừa mắt người về sức sống kém cỏi ẩn chứa bên trong. Làm mô hình sản xuất giống, thời vụ tuy rất khẩn trương nhưng thấy mạ già, chuyên gia Việt Nam vẫn khuyên phải bỏ đi mà nông dân Lào thường không chịu.

Lúc ấy chuyên gia Việt Nam phải xăm xới tìm một bà già rồi dẫn bà đến trước mặt mọi người để hỏi kiểu như thế này: “Bà già có đẻ được nữa không?”. Bà lão lắc đầu quầy quậy. Vị chuyên gia hể hả: “Không chứ gì? Mạ già cũng thế, nó không thể đẻ ra những nhánh lúa khỏe mạnh được”. Đám đông ồ à, ái ố, ngẫm ngợi một hồi lâu, thấy chuyên gia Việt Nam nói có lý nên nhất loạt vứt bỏ mạ già.

Người Lào có tính tự trọng rất cao, khi họ đã mất lòng tin thì có vàng bạc, kim cương cũng không bao giờ mua được còn khi đã tin tưởng rồi thì khó mấy cũng lăn xả mà theo.

Năm ngoái ở Noỏng Phông trồng 10 ha lúa giống còn năm nay trồng xấp xỉ 10 ha giống và 20 ha lúa năng suất cao. Trong khi những ruộng ở ngoài mô hình gần như không cho thu hoạch thì mô hình của chuyên gia Việt Nam hướng dẫn lúa tốt bời bời, năng suất gần gấp đôi (5 tấn so với 2-3 tấn/ha). Trước sản xuất ra phải bán qua Trung tâm giống Nà Phoọc, vụ sau thấy giống tốt, dân lân cận tự đến mua, thậm chí dân Thái Lan cũng đánh xe bán tải sang gạ gẫm.

Nhận thức đã thay đổi trong cộng đồng nông dân ở đây khi mắt thấy, tai nghe, tay sờ giữa kiểu cấy truyền thống và kiểu cấy cán bộ Việt Nam ruộng của cán bộ tốt hơn hẳn.

Riêng vụ mùa 2012 nhà phó bản U Đôm thu được 25 tấn lúa giống với giá bán 3.000 kíp/kg trong khi lúa thịt chỉ bán được 1.800 kíp. Vụ đó nhà U Đôm thu được 75 triệu kíp (tương đương cỡ 200 triệu đồng), đủ để sửa nhà, lát nền, xây một cái bờ rào đẹp đến nỗi cả bản phải xuýt xoa, khen ngợi…

Diện tích đất nước Lào khoảng 236.800 km², dân số trên 6 triệu người nên ở Lào bình quân tại nông thôn chỉ mươi mười hai người trên một cây số vuông. Một nông dân sở hữu trung bình 3-5 ha đất là chuyện bình thường, không hiếm những ông chủ sở hữu cả trăm ha đất.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm