| Hotline: 0983.970.780

Nậm Pồ, nơi nhiều nước mắt: Bán váy để... chống đói

Thứ Tư 02/07/2014 , 13:15 (GMT+7)

Ở bản Nậm Hài, hộ nghèo chiếm 75%, nguyên nhân chính là do thiếu đất canh tác. Để mong thoát cảnh đói ăn, có những người đã bất chấp pháp luật để chiếm một mảnh nương để rồi phải chịu cảnh tù tội. Hoặc như một phụ nữ để cứu đói cho gia đình đã phải bán chiếc váy hoa thổ cẩm lấy tiền mua gạo.

Bán váy... chống đói

Lần đầu tiên tôi thấy một người phụ nữ Mông khóc, những giọt nước mắt u sầu xen lẫn lời thở than chất chứa nỗi tuyệt vọng. Chị là Giàng Thị Dụi ở bản Nậm Hài, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, Điện Biên. 

Chị Dụi không biết chữ cũng chẳng nói được tiếng phổ thông. Gia cảnh éo le của chị được phiên dịch lại thông qua trưởng bản Phàng A Hạng. Căn nhà nhỏ tàn tạ, thủng lỗ chỗ. Bốn đứa con của chị nheo nhóc, áo quần rách rưới, cáu bẩn.

Ngày trước, gia đình chị ở xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Anh Sùng A Tráng (chồng chị) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chẳng có một vạt nương, thửa ruộng để kéo cày cấy lúa, chọc lỗ tra ngô. Sau khi kết hôn, anh Tráng ở rể, vợ chồng bám víu vào những sườn núi đá tai mèo mà sống qua ngày.

Sau khi bố mẹ Dụi qua đời, anh em bỗng tan đàn xẻ nghé, giành nhau từng tấc đất. Biết phận mình là “thân tầm gửi”, năm 2006, anh Tráng trả lại toàn bộ ruộng nương, dắt vợ bồng con vượt hàng trăm cây số đến bản Nậm Hài heo hút khai hoang nhằm thực hiện giấc mơ ăn no mỗi bữa.

Nhưng trước đó đã có rất nhiều hộ gia đình từ huyện Tủa Chùa (Điện Biên); Bắc Hà (Lào Cai); Xín Mần (Hà Giang); Sìn Hồ (Lai Châu)… di cư sang đốt rừng làm rẫy hoặc chém vào những thân cây to để “đánh dấu lãnh thổ”.

Với người Mông, lấn chiếm ruộng nương của người khác là một tội ác. Đồi núi rộng thênh thang, chim rừng bay mỏi cánh nhưng chẳng còn chỗ để trú chân, anh Tráng phải xin ở nhờ trên đất của người em họ Sùng A Sà.

Thấy khu đồi nào canh tác lâu năm, đất nghèo dưỡng chất ngả màu bạc phếch, chủ nương bỏ hoang cho cỏ dại mọc thì trồng lúa nhờ. Cuộc chiến với giặc đói diễn ra dai dẳng bao năm, nhưng chưa bao giờ phần thắng thuộc về gia đình anh.

Năm 2011, Tráng liều mạng đeo dao vượt 15 km đến khe suối Nậm Đích phá 3.400 m2 rừng đặc dụng (thuộc dự án trồng rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1998) làm nương. Tháng 8/2011, Tráng bị kết án 4 năm tù và số tiền bị phạt lên tới vài trăm triệu đồng.

14-11-42_nhh-2
Nậm Hài, nơi cái nghèo còn đeo đẳng

Khi ấy chị Dụi đang mang bầu đứa con trai thứ tư. Nhà chẳng còn một hạt thóc. Bí quá, chị phải bán cái váy thổ cẩm truyền thống thêu hoa văn tinh xảo lấy 900.000 đồng mua gạo để chống đói.

Ngày ấy, chị Dụi đang mang bầu nhưng cố lê từng bước chân trên đường mòn vượt dốc để làm nhờ vạt nương cũ của ông Sùng A Phu (người cùng bản). Đất bạc màu quá, lúa lép hạt gần hết, chỉ thu được 5 bao thóc, đủ ăn 5 tháng.

Sau khi sinh thằng Sùng A Vang một tháng, chị Dụi đã phải địu con vào rừng sâu đào củ khúc khắc, củ 30 (củ bách bộ) bán cho lang y chế biến thuốc và chặt chít rừng.

Chủ tịch xã Chà Cang Lèng Văn Vinh cho biết, hằng năm UBND xã đều gửi văn bản xác nhận điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đối với gia đình chị Giàng Thị Dụi lên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ, để xin xoá dần số tiền bồi thường thiệt hại do hành vi phá rừng của anh Tráng gây ra. Hiện số tiền phải bồi thường còn khoảng 222 triệu đồng.

Thế mà vẫn không đủ ăn, phải xay ngô thành bột rồi trộn với một ít nước cho vào chõ đồ lên nhấm nháp thay cơm. Thấy mẹ con chị nheo nhóc quá, mỗi năm các hộ gia đình trong bản như Sùng A Mang, Vừ A Phu, Vừ A Khay, Thào A Dinh… đều đem vài kg gạo sang cho.

Năm 2012, bản Nậm Hài xây dựng điểm trường tiểu học. Bản đề nghị những hộ có con, cháu đi học phải đóng góp 2 tấm ván hoặc góp công lên rừng xẻ gỗ, kéo gỗ về dựng khung nhà. Chị Dụi mới sinh con, sức khoẻ lại có hạn nên đành đi bộ 5 km xuống bản Vàng Lếch (xã Nậm Tin) mua chịu 1 cân đinh của ông Đỗ Văn Thích để góp cho trường.

Đang giữa mùa hè nóng nực, thằng cu Sùng A Vang vẫn mặc cái áo len dài tay ấp vào lòng mẹ, phía dưới không mặc quần. Chị Dụi giải thích rằng mùa rét năm ngoái chỉ mua được cho con cái áo len, hè năm nay chưa có tiền. Quần thì có một cái nhưng nó lê la đất cát nhiều quá rách hết, không cho mặc.

Hai đứa Sùng Thị Nhung (7 tuổi) và Sùng Thị Dung (4 tuổi) cũng chỉ có một bộ quần áo, thỉnh thoảng mới dám giặt một lần, mưa ướt thì cởi truồng hong lửa cho khô rồi mặc lại.

Nhìn lên dây treo quần áo trong căn nhà cũ nát, tôi chỉ thấy 5 - 6 bộ quần áo của cô chị gái cả Sùng Thị Sáng và chị Dụi. Có lẽ, nếu con gái lớn không bắt buộc phải mặc váy áo che thân hay làm duyên kiếm người yêu, thì chắc số tiền mua trang phục ấy sẽ nhường cho những đứa con nhỏ nhất của chị Dụi.

Bài toán không thể giải của chủ tịch xã

Ngồi phiên dịch buổi trò chuyện giữa tôi và chị Dụi, nét mặt trưởng bản trẻ Phàng A Hạng cũng héo hon, đôi lúc thở dài thườn thượt như thể chính mình là người trong cuộc.

14-11-42_nhh-1
Trưởng bản Phàng A Hạng

"Chẳng giấu gì anh, bố tôi (ông Phàn A Súa, 49 tuổi) và chồng chị Dụi vào tù cùng một ngày, với cùng một tội phá rừng. Bố tôi vốn hiền lành chất phác, chỉ vì cuộc sống bên Tủa Chùa khó khăn quá mới phải chuyển sang đây định cư vào năm 2009.

Chẳng ngờ đất chật người đông, trong nhà có bao nhiêu tiền vét hết để mua nương cạnh rừng đặc dụng ở Nậm Đích. Ăn không đủ no, bố tôi muốn mở rộng thêm diện tích nương nhưng phạm phải rừng cấm và trở thành tội phạm”, anh Hạng kể trong bùi ngùi.

Cả bản Nậm Hài có 84 hộ thì 63 gia đình trong số đó thuộc diện hộ nghèo (chiếm 75%); chỉ có khoảng 10 gia đình có ruộng trồng lúa nước, còn lại phải canh tác trên nương, phụ thuộc vào tự nhiên.

Theo nhẩm tính của trưởng bản Hạng, năm nào mưa thuận gió hoà, 1 ha lúa nương cho thu hoạch khoảng 20 bao thóc (tương đương gần 1 tấn lúa). Nhưng nếu năm sau tiếp tục trồng lúa trên cái nương ấy, năng suất lúa chỉ đạt một nửa so với năm trước vì đất cằn cỗi. Nhiều hộ phải bỏ hoang cho đất nghỉ 1- 2 năm mới phát cây bụi trồng lại.

“Năm vừa rồi nắng hạn nhiều quá, lúa làm đòng kém, đa phần là hạt lép, cái đói chắc chắn sẽ đến với không ít hộ”, anh Hạng nói.

Tôi hỏi Chủ tịch xã Lèng Văn Vinh: “Có cách gì để dân thoát nghèo không?”. Vị lãnh đạo xã thừa nhận: Mình không đủ khả năng để giải bài toán thu nhập cho người dân. Nếu nhà báo đặt chân đến bản Hồ Hài thì sẽ thấy dân ở đó còn khổ hơn cả Nậm Hài. Mùa cạn có thể đi dọc suối bằng xe máy vào bản chứ mưa to thì chịu.

Mặc dù xã đã vận động người dân ổn canh, ổn cư, khai thác tiềm năng đất đai sẵn có để trồng lúa, ngô, sắn hay khai thác sản vật tự nhiên như măng và các cây thuốc để cải thiện cuộc sống nhưng điều kiện tự nhiên khó khăn và trình độ dân trí có hạn, muốn thay đổi được không phải dễ dàng.

Có lẽ, khi nói ra những lời này, vị lãnh đao xã cũng ái ngại lắm. Nhưng, sự thật về cuộc sống khó khăn của người dân thì không thể che giấu được. Không chỉ ở Chà Cang, những bữa ăn no cơm vẫn là giấc mơ của rất nhiều người.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.