| Hotline: 0983.970.780

Nậm Pồ, nơi nhiều nước mắt: Đắng cay giấc mộng xuất ngoại

Thứ Năm 03/07/2014 , 08:20 (GMT+7)

Ông Thào A Hòa, Trưởng bản Nậm Nhừ 3 (xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên), cho biết: Người dân ở đây quen sống ở núi rừng hơn là thành thị, vì nghèo khó quá nên mới phải bỏ bản để kiếm kế sinh nhai thôi. Tất cả những người đi Thái trở về đều lâm vào cảnh sống rất khó khăn vì không có đất SX.

Đói khát, hoảng loạn

Thái Lan - một địa danh nghe thật lạ lẫm đối với nhiều người dân ở Nậm Nhừ 3 vốn chỉ quen sống trên những đỉnh núi treo leo vùng cao Tây Bắc.

Chưa một lần đặt chân đến, chưa một lần nhìn thấy, nhưng nghe nói “ở đó sướng lắm, một người làm có thể nuôi sống cả gia đình mà vẫn thừa tiền mua xe máy”, không ít người đã nghe theo lời “mật ngọt chết ruồi” ấy, bán nhà cửa, ruộng nương và đồ dùng sinh hoạt gia đình để di cư sang Thái.

Nhưng, trái ngược với những tưởng tượng về một cuộc sống phú quý xa hoa, những ngày tháng ăn đói, ở khổ và cả ngục tù ở Thái Lan trở thành nỗi khiếp sợ của những người lao động chui.

Đến tận bây giờ, anh Tráng A Lử (SN 1970) vẫn chưa hết hối hận vì đã nằng nặc bắt vợ và 4 đứa con phải theo mình sang Thái. Anh bảo: “Đời mình có 2 lần di cư thì đều dính vận đen đủi”.

Nghe người ta nói làm việc bên Thái Lan được trả nhiều tiền, Lử thúc vợ bán 3 tấn thóc, 2 con trâu lấy 54 triệu đồng “lót đường" sang Thái. Với những thủ đoạn chuyên nghiệp nhằm tránh lực lượng biên phòng như: đi xe cóc bằng đường mòn né Cửa khẩu Nậm Cắn, di chuyển trong đêm không bật đèn và vượt sông Mê Kông bằng thuyền máy…, mạng lưới “cò đường” xuyên biên giới này đã đưa Lử đến Băng Cốc (thủ đô Thái Lan) trót lọt.

08-02-20_nh-3
Đường vào bản Nậm Nhừ 3

Khi đến nơi, gia đình Lử được sắp xếp ở trong một căn phòng rộng 8 m2 tại một khu phố đông người gọi là Cổng Thề (Sủm Thi Sản) với giá thuê 3.000 bạt/tháng (khoảng 1,8 triệu đồng). Mấy đứa con của Lử bị cấm cửa, không được ra ngoài. Buồn chán, chúng thi nhau gào khóc.

Chủ nhà nghe chối tai, muốn đuổi nên báo cảnh sát Thái Lan đến bắt. Hai vợ chồng nhớn nhác thuê phiên dịch đến nộp phạt hành chính mỗi đứa 1.400 bạt mới được thả. Bước ra cổng đồn, mặt mấy đứa bé vẫn còn tái mét vì sợ hãi, người run cầm cập.

Được một người mách việc, Lử tìm đến khu Na Diêu, huyện Pháp Bạc, tỉnh Lúc-Bu-Ri (cách thủ đô Băng Cốc hơn 100 km) xin làm công trong một xưởng mộc. Mỗi ngày, ông chủ trả cho Lử 300 bạt (khoảng 180.000 đồng).

Tại đây, anh thuê một căn phòng kín mít, ngày bố mẹ đi làm, bốn đứa nhỏ cứ ngồi thu lu trong đó. Nhìn con mếu máo vì suốt ngày bị nhốt, Lử và vợ ứa nước mắt thương cảm. Anh muốn về nhưng tất cả tiền mang từ Việt Nam sang đều bị bọn “cò đường” lột sạch.

Ở Thái cái gì cũng đắt, để dành tiền về quê, Lử và vợ con buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, hằng ngày ăn gạo cứng chan nước sôi pha muối suốt 4 tháng liền mới tích cóp được 12.000 bạt.

Với số tiền này, gia đình 6 người chỉ đủ trả tiền vé từ Thái Lan về bến xe Viêng Chăn (Lào) là hết nhẵn.

Nhặt được một vỏ chai cocacola ở lề đường, Lử vào nhà dân xin đầy nước rồi cùng vợ con đi bộ theo quốc lộ hướng về Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh, Việt Nam), khi nào thấy đói, thấy khát thì uống vài ngụm nước. Đi đến Km52 (tức đi bộ được 52 km), đứa con gái Vàng Thị Sua (7 tuổi) bị đói lả và ngất giữa đường, Lử dìu con vào một gia đình gần đó tá túc nhờ qua đêm.

Hôm sau, Lử đến trình báo tại đồn công an Lào và nhờ Đại sứ quán Việt Nam ở Lào giúp đỡ đưa về Việt Nam. Ngày 3/2/2013, cả nhà Lử về đến bản.

Mấy lần Lử làm đơn xin cấp đất SX để ổn canh, ổn cư. Từ phòng Nông nghiệp huyện Nậm Pồ, UBND xã Nậm Nhừ đến trưởng bản Nậm Nhừ 3 đều đã về kiểm tra và xác nhận gia cảnh khó khăn của gia đình anh, nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền bố trí mảnh nương nào.

Trắng tay trở về

Tuy khổ sở, nhưng so với những người đi Thái Lan ở bản Nậm Nhừ 3, gia đình Lử vẫn may mắn hơn vì khi về còn có căn nhà để ở. Cùng đi sang Thái Lan với anh vào cuối tháng 8/2012 còn có gia đình Sùng A Dũng (SN 1982). Để có lộ phí, Dũng phải bán căn nhà gỗ 20 triệu đồng; một con trâu 11 triệu đồng; ba mảnh nương được 12,5 triệu đồng; một đàn gà và tất cả những vật dụng sinh hoạt đời thường.

08-02-20_nh-2
Gia đình Sùng A Dũng

Có lẽ, khi dứt áo ra đi, gia đình Dũng (4 khẩu) không nghĩ sẽ có ngày trở về. Nhưng thật đáng buồn, giấc mộng phú quý ở “đất nước chùa tháp” xinh đẹp lại khởi đầu bằng những chuỗi ngày cay đắng và sống chui sống lủi. Đến Băng Cốc được một tuần thì cả nhà anh bị công an Thái Lan “sờ gáy” và bắt tạm giam vì tội nhập cư trái phép, phải nộp phạt gần 6.000 bạt mới được tha.

Rời khỏi đồn công an, Dũng đi xúc cát thuê với ngày công 250 bạt, nhưng khi làm việc được một tuần chỉ được trả 1.000 bạt nên bỏ. Tháng 3/2012, Dũng đang đi lang thang tìm việc thì lại bị cảnh sát bắt và đưa về một nhà giam gần đó để lao động công ích dọn nhà vệ sinh ở các phòng trong 30 ngày (với ngày công 200 bạt nhưng không được nhận mà trừ dần vào tiền nộp phạt hành chính 6.000 bạt).

Một tháng sau, cảnh sát đưa Dũng đến trung tâm tạm giữ người nhập cư trái phép tại Băng Cốc (IDC). Ở đây Dũng bị nhốt tập trung vào một phòng rộng có khoảng 200 người, đa phần là những người Việt Nam.

“Đến bữa ăn, nhà bếp chỉ cho đúng một bát cơm nhỏ như vốc tay chan nước canh xương gà và vài quả cà muối. Đói lắm nhưng có nài nỉ van xin cũng chẳng ai cho thêm hạt cơm”, Dũng kể. 

Bốn tháng sau, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã cấp cho Dũng 1 giấy thông hành và được cảnh sát Thái Lan đưa ra sân bay để về Việt Nam. Chị Chứ và 2 đứa con cũng được các cơ quan chức năng giúp đỡ trở về Việt Nam sau đó ít ngày.

Hai bàn tay trắng về làng, Dũng đành ở nhờ căn nhà của bố mẹ, xin làm nhờ anh em mỗi người một mảnh nương. Gần một năm nay, cả gia đình sống dựa vào những hạt gạo hỗ trợ của người thân (vì khi trở về đã quá vụ gieo cấy lúa năm 2013). “Mai kia, nếu người ta đòi lại nương thì chắc chắn cả nhà sẽ rơi vào ngõ cụt”, Dũng chia sẻ.

Trưởng bản Thào A Hòa tâm sự với tôi rằng: Người dân nơi đây quen sống ở núi rừng hơn là thành thị, vì nghèo khó quá nên mới phải bỏ bản để kiếm kế sinh nhai thôi. Tất cả những người đi Thái trở về đều lâm vào cảnh sống rất khó khăn vì không có đất SX. Cả bản có 110 hộ (với 671 khẩu) thì có 69 hộ nghèo.

Ông Khuất Văn Tiến, Đồn trưởng đồn biên phòng Nậm Nhừ, thống kê từ năm 2011 đến nay, chỉ riêng bản Nậm Nhừ 3 đã có 7 hộ vượt biên trái phép sang Thái Lan. Hàng trăm người đã di cư khỏi địa bàn xã tìm nơi ở mới.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm