| Hotline: 0983.970.780

Nậm Pồ, nơi nhiều nước mắt

Thứ Ba 01/07/2014 , 10:17 (GMT+7)

Khi ở trung tâm huyện mới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) rợp cờ hoa kỷ niệm tròn một năm thành lập huyện thì chúng tôi gõ cửa nhà dân để tìm hiểu về đời sống của họ. Thật buồn rằng, đói nghèo, lạc hậu và những bi kịch cuộc sống vẫn hiện hữu đậm nét trong những bản làng, những con đường và trong từng bữa ăn, chỗ ở của người dân.

Bi kịch trẻ sơ sinh chết non!

Ở bản Nậm Hài, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, ngoài đói nghèo triền miên, còn có một bi kịch nghiệt ngã đầy chua xót khác, đó là tỷ lệ trẻ sơ sinh chết non và trẻ bị suy dinh dưỡng cao ngất ngưởng.

Chết chưa kịp đặt tên

Cả bản Nậm Hài có tất thảy 84 hộ thì 79 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên. Đẻ lắm, tâm lý trọng con trai, đói nghèo và thiếu hiểu biết là nguyên nhân làm nảy sinh vô vàn các câu chuyện bi thương ở nơi rừng núi hoang vu này.

Nếu đề cử cho cặp vợ chồng bất hạnh nhất xã Chà Cang, có lẽ gia đình anh Phàng A Di và chị Cứ Thị Cở là sự lựa chọn số 1. Ở đó, người ta không chỉ được chứng kiến một người phụ nữ đẻ nhiều con vào tốp đầu, mà còn tận thấy nỗi đau tột cùng của một người mẹ và một người cha khi tự tay chôn cất thi hài 8 đứa con sơ sinh của mình vào lòng đất.

Chị Cở và chồng cùng tuổi 42. Họ còn quá trẻ so với thâm niên làm bố mẹ 26 năm trời. Lấy nhau từ thủa 15 ở xã Tả Xình Thàng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên), hai “đứa trẻ vị thành niên” đã biết sinh hoạt cùng giường, chung chiếu. Thế mà anh Di vẫn khẳng định là mình lấy vợ muộn hơn nhiều so với những thằng khác, chúng nó mới 12 tuổi đã biết thế nào là "sướng" rồi.

Chị Cở 15 lần mang thai. Thú thực, nếu không có trưởng bản Phàng A Hạng là cháu ruột của anh Di ngồi cạnh chứng nhận thì khó có thể thuyết phục được một người đa nghi như tôi.

15-17-22_nh-1
Gia đình anh Phàng A Di

Và, câu chuyện ngày càng đẩy đến bi kịch khi đôi vợ chồng kể về số phận những đứa con chết yểu của mình. “Đứa thứ nhất sinh vào tháng 3/1988, vài ngày sau thì bị ỉa chảy, cho uống lá ngót rừng không khỏi, thế là chết”, anh Di kể.

Hơn một năm sau thì đứa con thứ hai chào đời, được đặt tên là Phàng Thị Cha. Nhà neo người nên chị Cở chỉ được ở nhà chăm con 7 tháng rồi cứ bỏ nó nằm trên giường theo chồng đi làm cỏ nương.

Thiếu sữa mẹ, nó còi cọc trơ xương. Một lần đi làm nương về, anh Di thấy con nằm trên giường, mắt nhắm nghiền. Người bố vừa khóc vừa đi lấy những mảnh ván để đóng quan tài chôn con.

Những năm tháng ở xã Tả Xình Thàng, chị Cở mang thai 4 đứa nhưng không đứa nào sống quá 2 tuổi.

“Cứ như bị con ma tàn ác thù ghét mà đoạt mạng con mình”, anh Di than thở. Cùng với đó là cuộc sống đói khổ, ruộng nhiều nhưng khô khốc, gạo chẳng đủ đã đành nhưng ngô cũng không làm đủ no, mỗi năm phải mua thêm vài tạ. Túng bấn quá, năm 2000 anh Di cùng người vợ đang mang bầu đứa con thứ 5 sang bản Nậm Hài khai hoang sinh sống.

Ở đây, vợ chồng anh sinh thêm 11 đứa con nhưng cho đến thời điểm này chỉ 7 người còn sống. Hầu hết những đứa trẻ chết khi còn đỏ hỏn và chưa kịp đặt tên.

Mấy chục năm qua, chị Cở túi bụi trong vòng luẩn quẩn sinh - đẻ - chăm con. Đứa này vừa sinh được 3 - 4 tháng thì chị lại mang thai. Anh Di bảo: Nó (vợ) đẻ nhanh quá nên vú không kịp tiết sữa cho con bú, phải mua thêm sữa bên ngoài mới đủ.

Riêng con Phàng Thị Chừ (3 tuổi) phải ăn thêm 58 hộp sữa bột, mỗi hộp 120.000 đồng mới sống được đến bây giờ. Mỗi năm nhà thu được 25 bao thóc (khoảng 1,2 tấn), đáng lẽ đủ ăn nhưng phải bán quá nửa để nuôi con, thành ra túng đói.

Có những năm mùa giáp hạt không đủ gạo, anh Di lên nương nhổ sắn về luộc để vợ chồng và những đứa con lớn ăn, cơm để dành cho những đứa nhỏ. Tháng 7 năm ngoái, nhà chẳng có gì bỏ bụng, anh Di phải bán 2 con gà nhỏ để mua 20 kg gạo đỏ (loại gạo rẻ tiền nhất) cho con ăn.

Không đủ khả năng nuôi hết 7 người con, anh Di bàn với vợ nhường bớt bé Phàng Thị Vang (năm nay 4 tuổi) cho vợ chồng anh Thào A Tổng (người cùng bản không có khả năng sinh con) nuôi. Đứa con gái lớn tuổi nhất còn sống là Phàng Thị De (14 tuổi) được gả chồng từ năm 2013 để... đỡ tốn cơm.

15-17-22_nh-2
Thời điểm chúng tôi đến, trong nhà anh Di chỉ còn 26.000 đồng

Cái Phàng Thị Long mới học hết lớp 5 đã phải nghỉ học ở nhà chăm em, lo cơm nước cho bố mẹ đi làm nương. Bố của Long nhìn cô con gái nói chắc như đinh đóng cột: Nếu có thằng nào đến hỏi cưới nó thì tao đồng ý ngay.

Khổ vì đông con nhưng anh Di bảo: Nếu vợ còn trứng thì vẫn đẻ tiếp, bao giờ được con trai thì thôi. Nhưng đã 2 năm nay vợ không có bầu, chắc là hết trứng rồi.

"Ở đây tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng rất cao. Cả bản hiện có 69 cháu nhỏ từ 0 đến 5 tuổi thì 17 cháu suy dinh dưỡng về cân nặng, 54 cháu suy dinh dưỡng chiều cao. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng vắc xin cũng rất khiêm tốn”, chị Điêu Thị Duyên, cán bộ Trạm Y tế xã Chà Cang.

Ngồi nghe toàn chuyện chết chóc, trưởng bản Phàng A Hạng cũng bùi ngùi nghĩ đến quá khứ khổ đau của chính mình.

Hạng mới 27 tuổi nhưng vợ anh đã 6 lần sinh nở. Đứa đầu tiên chưa kịp sinh đã chết trong bụng mẹ. Năm 2008, chị Cứ Thị Cha mang thai kép (một trai một gái) nhưng hai đứa trẻ yếu quá, chỉ sống được 2 ngày thì cùng ngừng thở.

Số phận của đứa con thứ 4 cũng chẳng thay đổi so với anh chị của nó, được 3 ngày tuổi thì lăn đùng ra ốm, trán nóng rừng rực kèm những cơn ho khằng khặc, rồi lịm dần và qua đời. Phải đến khi sinh đứa thứ 5 (sinh năm 2013) trở đi, những đứa con của anh Hạng mới vượt qua được số kiếp tử thần.

Cháu gọi ông ngoại là bố

Từ tâm lý trọng con trai của người Mông ở bản Nậm Hài đã tạo nên những gia cảnh ngược đời cười ra nước mắt.

Vợ chồng Sùng A Giáo và Phàng Thị Cha (SN 1970, chị gái của anh Di) sinh được 10 người con (9 gái, 1 trai) thì chết non 4 đứa, trong đó có một bé trai duy nhất (SN 2013). Không có người nối dõi tông đường, ông Giáo xin lại con gái ruột của mình là Sùng Thị Pằng một đứa con trai làm con nuôi.

Thằng cu Hạnh năm nay 2 tuổi, đáng lẽ phải gọi ông Giáo là ông ngoại thì lại xưng con, gọi bố. "Phải bắt nó gọi là bố (thay vì ông ngoại) để nay mai mình về già còn có người chăm sóc”, ông Giáo chia sẻ.

Nhắc đến chuyện sinh đẻ của địa phương, chị Điêu Thị Duyên, cán bộ Trạm Y tế xã Chà Cang, phụ trách dân số, kế hoạch hoá gia đình, chia sẻ: “Người Mông ở đây có một quan niệm rất kỳ lạ về sinh con, đó là đẻ hết trứng thì thôi. Người mẹ mang thai thường không đến trạm y tế khám và hầu hết tự đẻ tại nhà.

Những đứa con sinh ra khoẻ thì sống, yếu thì chết. Cán bộ y tế phải hoạt động ngoài trạm liên tục để khám thai sản. Vừa rồi, chúng tôi xuống bản Nậm Hài tiêm phòng vắc xin sởi cho các cháu, có ông bố bà mẹ tìm khắp ngõ ngách vẫn không thấy hết đàn con của mình. Có người thậm chí không nhớ nổi tên, năm sinh của con.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất