| Hotline: 0983.970.780

Năm tháng ấy biết bao nhiêu tình

Thứ Năm 10/12/2015 , 19:24 (GMT+7)

Suốt nhiều năm chống chọi với tai biến mạch máu não, nhà văn Sơn Tùng vẫn kiên cường trên giường bệnh. 


Nhà văn Sơn Tùng

Tôi đến, nắm bàn tay ông, thủ thỉ: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Báo NNVN, nhà văn Nguyễn Sinh có nhắc tới những phóng viên thuở ban đầu, có nhà văn Sơn Tùng. Nay Ban Biên tập muốn ông chia sẻ đôi chút tản mạn nghề văn nghiệp bút của mình trong thời gian công tác tại báo.

Tiếc rằng tuổi cao, gặp trọng bệnh, ông đành lực bất tòng tâm. Bác Sơn Định, con trai ông động viên tôi: “Cháu cứ mạnh dạn viết ra những điều ông đã kể cho cháu nghe từ khi còn là sinh viên mê theo nghề báo. Còn thiếu khuyết chỗ nào, bác sẽ bổ sung”.

Những chân dung tạc bằng chữ

Đúng là thời sinh viên tôi đã mê theo nghề báo mà mon men đến Chiếu Văn - nơi nhà văn Sơn Tùng gặp gỡ các bạn tâm giao “đồng kênh”. Họ đều là những người lính đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, một lòng tin theo Cụ Hồ.

Trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng đã có nhiều năm viết báo. Bạn đọc nhiều người biết ông là phóng viên Báo Tiền phong. Song ít người biết, cơ quan thông tấn đầu tiên ông lựa chọn là Báo Nông nghiệp.

Kết thúc công việc giảng dạy trên lớp đào tạo cán bộ báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức ở ấp Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), ông chuyển công tác mới.

Học viên lớp báo chí ngày đó, sau này nhiều người trở thành những cây bút có tên tuổi: Nhà văn Bùi Bình Thi, nhà văn Trần Hữu Tòng, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý…

Năm 1962, Sơn Tùng chuyển sang cơ quan mới là Báo Nông nghiệp, trực thuộc Bộ Nông lâm (nay là Báo NNVN, cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT).

 Làm phóng viên Báo Nông nghiệp, Sơn Tùng có điều kiện đi đến nhiều vùng đất đang trong phong trào hợp tác hóa với những gương điển hình trong “gió Đại Phong”, “cờ Ba Nhất”, “sóng Duyên Hải”, thời kỳ xây dựng đất nước theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

Có lần, tôi được chứng kiến câu chuyện giữa nhà văn Hoàng Quảng Uyên và nhà văn Sơn Tùng. Hai cây bút viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng trò chuyện qua điện thoại. Cuộc chuyện đó là dịp để ông hồi cố lại những gương điển hình về cả miền đất và con người đã từng viết bài phản ánh…

Đó là đỉnh Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang), nhìn xuống dòng sông Nho Quế mảnh như sợi chỉ vắt ngang trời. Nơi đây, Sơn Tùng đã ghi dấu ấn để bài thơ “Cô gái Mèo Vạc” ra đời.

Tôi còn ghi lại một khổ như sau: “Bóng anh xa xa vời/ Em trở về với núi/ Giục ngựa lên nước đại/ Qua núi Mã Pì Lèng/ Em đi trên cao nguyên/ Nhớ chiến trường vời vợi/ Lòng em như trái núi/ Không mòn nỗi nhớ mong/ Dạ em như con sông/ Không cạn dòng chờ đợi…”.

Sau này, ông còn vài dịp trở lại với Hà Giang, cùng đi còn có nhà văn Bích Thuận, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, nay cũng ngót nghét tuổi 90.

Kết thúc cuộc trò chuyện với người bạn văn ở nơi đầu nguồn cách mạng Cao Bằng, nhưng dòng chảy ký ức dường như còn chưa muốn dứt.

Ông kể tiếp cho tôi nghe những mô hình sản xuất nông nghiệp, những chân dung đã được tạc bằng con chữ. Mô hình sản xuất điển hình có: Đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), nơi cất lên tiếng hát vượt sóng ra khơi của chủ nhiệm HTX Châu Võ Mủn - Anh hùng Lao động; phong trào nuôi bèo hoa dâu tại HTX Viên Đình, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội); phong trào cấy lúa mùa thắng lợi tại HTX Vinh Quang, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên); gương điển hình chuyển hướng nghề nông phục vụ nghề cá tại HTX nghề cá Cao Kiên, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An); phấn đấu tăng thu nhập của HTX Bình Thuận (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La)…

Nhiều gương điển hình cũng được ngòi bút của ông khắc họa như: Chiến sĩ thi đua Trần Thị Khoan, tổ trưởng tổ cấy xã Yên Khang, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) “đóa hoa đầu cành” trong phong trào thi đua “gió Đại Phong”; Anh hùng Lao động Đỗ Tiến Hảo - Bí thư Đảng ủy xã, Chủ nhiệm HTX thôn Yên Duyên, xã Yên Sở, huyện Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội) cải tiến nông cụ, lá cờ đầu trong phong trào làm công tác thủy lợi; Anh hùng Lao động Lê Trạm, Chủ nhiệm HTX nghề cá Quảng Phú, xã Lộc Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình…

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp những năm ấy, đã có những chuyển biến to lớn làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền Bắc nước ta.

Nhà văn lật giở cho tôi xem một bài xã luận đăng trên Báo Nông nghiệp một tuần trước ngày Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III (1962) khai mạc: “Hãy giữ mãi ngọn lửa thi đua cháy rực trong tim và rọi sáng xuống luống cày, mặt biển”.

Năm tháng ấy biết bao nhiêu tình

Bao năm tháng ấy biết bao nhiêu tình. Tôi được nghe ông kể về đồng nghiệp với sự trân trọng. Đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo, tác giả “Thần Sấm xuống xe trâu”, đã qua đời.

Đó là nhà văn Nguyễn Sinh, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ, nay cũng đã ngoài 80 tuổi, vẫn tiếp tục cầm bút cày những đường văn. Đó là Nhà văn Xuân Khang, tác giả “Người đánh đu thế kỷ”.

Đôi lần, tôi được chứng kiến nhà văn Xuân Khang từ phố Ngô Văn Sở đến thăm ông, cùng ôn lại những kỷ niệm một thời Báo Nông nghiệp. Rồi khi tiễn nhau ra cửa, ai nấy cũng đều xúc động.

“Anh em ta còn nhúc nhắc đến thăm nhau được như thế này là quý lắm rồi anh ơi”, tác giả “Người đánh đu thế kỷ” khẽ xiết đôi bàn tay của nhà văn thương binh hạng ¼, trong sọ não còn găm 3 mảnh đạn M79 mỗi khi trở trời lại rỉ máu…

Bao năm tháng ấy biết bao nhiêu tình. Tôi đã có đôi lần thử tìm về vài địa danh nơi nhà văn Sơn Tùng thuở còn làm báo đã tới tác nghiệp: HTX Lai Sơn, xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (nay đã lên phường, thuộc thành phố Vĩnh Yên), tỉnh Vĩnh Phúc; HTX Vinh Quang, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

 Đến HTX Vinh Quang tìm hỏi “Bảy cô bảy cùng” thì được gặp hai cô đã thành bà. Bà Nguyễn Thị Duyên và bà Đỗ Thị Tình. Các cô còn lại, người thì khuất núi, người thì theo chồng vào Nam, lại có người theo con cái vượt nửa vòng trái đất.

Vừa nghe người cháu nói có ai từ Hà Nội về hỏi “bảy cô bảy cùng”, bà Nguyễn Thị Duyên, tóc bạc trắng như cước đã lên tiếng: “Chú là người nhà ông Sơn Tùng hay ông Sỹ Ẩn đấy?”. Và rồi, trong câu chuyện bà Duyên lại nhắc “anh Sơn Tùng ngày ấy ngâm bài Gửi em chiếc nón bài thơ, hay lắm chú ạ!”…

Tuy không nói được nhưng khi cháu Việt Quang đọc những dòng trên, ba tôi nằm lắng nghe, gương mặt xúc động khi nhắc đến kỷ niệm xưa.

Năm 1963, ba tôi chuyển công tác về Báo Tiền Phong, trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ba tôi vẫn tiếp tục làm phóng viên phụ trách mảng Nông nghiệp cho đến đầu năm 1965 vào Khu Bốn làm phóng viên chiến trường.

Năm 1967, ba tôi xung phong lên đường vào miền Nam chiến đấu, xây dựng tờ báo Thanh niên giải phóng (miền Nam). Bị trọng thương, ông trở ra Bắc điều trị (1972) rồi về trại sáng tác. Năm 1976 ba tôi tiếp tục đến Báo Tiền Phong làm việc cho đến khi nghỉ hưu năm 1979.

Việt Quang là người trực tiếp nghe ba tôi kể chuyện từ khi hãy còn là một sinh viên. Tôi được biết, cháu đang sưu tầm những bài viết của ba tôi những năm tháng làm Báo Nông nghiệp.

Có lần cháu tâm sự: “Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là chuyên viết về Bác Hồ mà ông còn là cây bút xuất sắc viết về những tấm gương điển hình trên mặt trận nông lâm ngư nghiệp khi còn là một nhà báo”.

Lần này, cháu đến thăm ba mẹ và gia đình tôi, thay lời mời của Ban biên tập muốn được nghe ba tôi kể lại một số kỷ niệm về thời gian công tác tại báo.

Tiếc rằng ba tôi tuổi cao (89 tuổi) bệnh trọng. Mẹ tôi mở nhật ký, xúc động nhớ chiều ngày 16/11/2010, ít lâu khi ba tôi xuất viện về điều trị tại gia đình, nhà báo Lê Nam Sơn, lúc đó là Tổng biên tập Báo NNVN tới thăm.

Sơn Định

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm