| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ khẩn trương khôi phục sản xuất sau bão

Thứ Hai 13/11/2017 , 09:15 (GMT+7)

Bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho SXNN. PV NNVN đã cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề triển khai các biện pháp khôi phục SX sau bão.

Sau khi kiểm tra thực tế tại các tỉnh Nam Trung Bộ, ông đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu về SXNN do bão gây ra?

Bão số 12 đã gây thiệt hại khá nặng cho các địa phương, nhất là 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Theo thống kê các địa phương thì đến nay mỗi tỉnh xấp xỉ 28.000ha cây trồng các loạI bị ảnh hưởng. Nặng nhất là cây mía vì trong giai đoạn kéo lóng nên dễ bị đổ ngã. Với tổng diện tích mía của 2 tỉnh trên 20.000ha bị ảnh hưởng làm giảm năng suất khoảng 25%.

Nhóm cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm cũng bị thiệt hại tương đối nhiều. Trong đó cây cao su ở Phú Yên với 1.500/5.000ha bị ảnh hưởng. Còn tổng diện tích cây ăn quả cả vùng bị ảnh hưởng khoảng 5.000ha, trong đó nặng nhất ở Khánh Hòa hơn 3.000ha chủ yếu như chuối, đu đủ, sầu riêng, bơ và xoài.

15-03-37_1
Đoàn công tác Cục Trồng trọt chỉ đạo khôi phục vườn cây ăn quả ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa)

Đối với cây ngắn ngày rất may đợt này do thời vụ lúa ĐX chưa gieo sạ, còn lúa vụ mùa ở các tỉnh Nam Trung Bộ cũng rất ít. Nên ở Phú Yên có 1.000ha và Khánh Hòa hơn 4.000ha bị ảnh hưởng.

Riêng diện tích ngô ở Khánh Hòa nhìn chung khi bão đi qua trong khi cây đang giai đoạn kéo bắp nên bị ảnh hưởng nặng. Về cây sắn mỗi tỉnh cũng bị ảnh hưởng gần 3.000ha. Nhóm rau các địa phương cũng chưa trồng nhiều, chỉ khoảng 1.000ha bị mất trắng hoàn toàn và phải gieo trồng lại. Tuy nhiên hiện còn khá nhiều diện tích chưa gieo trồng nên chúng ta có thể khắc phục được.

Việc khôi phục SXNN sau bão ở các địa phương bị thiệt hại triển khai ra sao, thưa ông?

Sau khi bão kết thúc, chúng tôi đã ban hành văn bản số 1343/TT-CCN để hướng dẫn các địa phương khôi phục thiệt hại do bão số 12, đặc biệt đối với cây công nghiệp và cây ăn quả. Vì đây là nhóm cây khôi phục khó hơn.

Chúng tôi đánh giá cao các địa phương hiện nay đã tích cực chỉ đạo các biện pháp khôi phục SX và đều ban hành các văn bản hướng dân cụ thể xuống cơ sở, trong đó tập trung chỉ đạo 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất tập trung rà soát lại mức độ thiệt hại từng nhóm đối tượng của cây để có giải pháp xử lý cho phù hợp. Ví dụ đối với cây dài ngày thì diện tích nào, khu vực nào đã mất trên 40% thì tiến hành biện pháp thu dọn và xác định chủng loại cây trồng phù hợp để trồng lại toàn bộ.

Tuy nhiên lưu ý các địa phương trong quá trình đi kiểm tra, chỉ đạo cố gắng chọn những cây phù hợp với vùng mà dễ tác động của bão, nhất là vùng ven biển không nên trồng loại cây quá giòn, dễ gãy đổ như cây cao su, sầu riêng. Hoặc nếu trồng cây ăn quả như sầu riêng cần hạ thấp độ cao cho hợp lý.

Với nhóm cây bị ảnh hưởng dưới 40% thì hướng dẫn nông dân trồng dặm, đồng thời triển khai các biện pháp phù hợp như cưa hoặc ghép. Lưu ý đối với cây cao su sau khi cưa xong cần bôi vaseline trên bề mặt, rồi bao nilon để nước không thâm nhập. Chờ cây nảy mầm cùng trà với cây còn lại, chứ trồng cây con vì mất thời gian nảy mầm hơn nữa sẽ bị cây lớn che ánh sáng nên khó khắc phục.

Đối với trường hợp cây có thể phục hồi, các địa phương cũng đã hướng dẫn nông dân tiến hành tỉa bớt cành nhằm giảm sự bốc hơi nước. Lưu ý khi cắt cành phải sát khuẩn tại vết cắt bằng thuốc hóa học chứa gốc đồng để tránh vi sinh vật xâm nhập vào. Sau đó dựng lại cây và dặm đất thật chặt để giữ cây và có biện pháp chằng buộc ngay. Vì trong thời gian tới chúng ta có thể đối phó tiếp các trận bão mà trước mắt cơn bão số 13 đang có nguy cơ xảy ra.

Khi chằng buộc xong thì tưới thuốc trừ nấm như Riedomil hoặc Aliette hoặc chế phẩm Trichoderma đối kháng nấm hại... Nếu thấy trên cây có hiện tượng thiếu dinh dưỡng thì bổ sung dinh dưỡng qua lá, không nên bón phân học vào đất vì bộ rễ còn yếu không hấp thu được. Chỉ khi nào kiểm tra thấy bộ rễ trắng mới xuất hiện, cây đã đứng vững thì chúng ta áp dụng biện pháp chăm sóc bình thường.

Đối với hồ tiêu cũng đã hướng dẫn nông dân dựng lại cây chói. Trong trường hợp cây chói không phục hồi được thì thay. Nếu cây chói sống thì chắc chắn cây hồ tiêu sẽ sống. Nhưng lưu ý phải có biện pháp xử lý bộ rễ. Bởi trong điều kiện bình thường cây đã dễ mẫn cảm với các đối tượng bệnh tuyến trùng và nấm bệnh rồi.

Còn cây ngắn ngày chúng ta cần tích cực thu dọn, nếu diện tích thu được thì tiến hành biện pháp chăm sóc như thoát nước tốt, bón phân lân hoặc các loại phân hữu cơ Humix vào trong gốc để tạo bộ rễ mới. Và sử dụng phân qua lá để cây hấp một thời ngắn sau đó mới tiến hành các biện pháp chăm sóc bình thường. Đồng thời lưu ý xử lý bệnh nấm gây hại gây chết hàng loạt ở cây con.

Đối với diện tích chúng ta chưa trồng hoặc trồng lại đợt này các địa phương hướng dân nông dân tập trung khôi phục nhanh, nhất là nhóm rau để tạm giải quyết nhu cầu vì bão lụt vừa qua diễn ra khá rộng từ miền Bắc đến miền Nam nên nhu cầu rau xanh là rất lớn. Tuy nhiên lưu ý cũng không nên trồng ồ ạt dễ dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu trong đợt cuối năm, nhất là dịp tết. Vì vậy, nên bố trí một số diện tích ngắn ngày và diện tích rải vụ cho phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

"Hiện các địa phương đang khẩn trương rà soát, phân loại mức độ thiệt hại, sau đó chúng tôi sẽ có quyết định chính sách hỗ trợ. Có 2 nguồn hỗ trợ, một là nguồn địa phương cân đối tại chỗ để hỗ trợ cho nông dân; còn nguồn thứ hai đề nghị Chính phủ hỗ trợ phòng chống thiên tai theo NĐ 02/2017. Và, sau khi các địa phương lập báo cáo thiệt hại gửi về Bộ NN-PTNT, chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho dân.

Tuy nhiên các địa phương lưu ý tập trung rà soát các nguồn vật tư nhất là nhóm chuẩn loại giống cây trồng. Yêu cầu các Cty, dịch vụ giống cây trồng trên địa bàn báo cáo lượng giống nguồn dự trữ ở các kho. Nếu thiếu nguồn giống phải báo cáo ngay để Bộ NN-PTNT liên hệ các địa phương khác điều chuyển cung ứng kịp thời. Ngoài ra, các vật tư khác như thuốc BVTV, phân bón cũng phải kiểm tra, đảm bảo về chất lượng tránh tình trạng lúc này nông dân cần dùng nhiều thì chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến khôi phục SX", ông Nguyễn Hồng Sơn.

 

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất